Khi nhìn vào bàn ăn thịnh soạn vừa gọi tại quán Makiucha, với tám món ăn Malaysia đầy hương vị và màu sắc được anh nhiếp ảnh gia sắp xếp khéo léo, tôi bỗng thấy nhớ những khu ăn uống tập trung mà mình đã bao lần ghé thăm thời còn đi du học.
Tất nhiên, không gì có thể sánh bằng trải nghiệm ngồi xổm vỉa hè để ngấu nghiến bịch bách tráng trộn hay tô bún lề đường ngon số dzách như ở Việt Nam. Nhưng đôi khi, tôi vẫn hay mơ mộng về thiên đường ẩm thực tại các trung tâm ăn uống có giá bình dân ở Singapore và Malaysia còn được gọi là hawker center, nơi mà thực khách có thể thỏa thích thưởng thức các món ăn đường phố chỉ trong vài bước chân.
Việt Nam cũng có các food court (trung tâm ăn uống) trong các trung tâm thương mại, nhưng đáng tiếc là chúng vẫn thiếu cái đặc sắc của hawker center. Các food court trong nước hầu như chỉ phục vụ thức ăn nhanh như Lotteria hay McDonald’s, còn thực khách chỉ đến với food court để xoa dịu cơn đói sau khi mua sắm hoặc xem xong một bộ phim bom tấn. Ngược lại, hawker center, với mức giá hết sức phải chăng, là một nơi ấm cúng để mọi người có thể quay quần, và cùng nhau thưởng thức những món ngon truyền thống của nước mình.
Makiucha xuất hiện trên bản đồ ẩm thực Sài Gòn vào cuối tháng 3/2020, khi Việt Nam đang hứng chịu đợt dịch COVID-19 đầu tiên. Thực đơn của quán sẽ rất quen thuộc với những ai đã từng đi du lịch các nước láng giềng Đông Nam Á, với các món ăn kinh điển của hawker center như: cơm gà nasi lemak, hủ tíu xào char kway teow, và cơm chiên nasi goreng. Danh mục đồ uống cũng không thể thiếu trà sữa teh tarik, sữa tươi sirô hoa hồng bandung, và Milo Dinosaur “thần thánh.” Xin bật mí là, khi còn du học ở Singapore, tôi thường ăn sáng bằng một phần nasi lemak gói lá chuối và ly teh tarik mát lạnh.
Một sự thật thú vị nữa là khi muốn giành chỗ ngồi ở hawker center, người Singapore thường “dằn mặt” nhau quyết liệt bằng cách đặt khăn giấy hoặc ô dù lên chiếc ghế mà mình muốn “xí” trước. Tôi tự hỏi người Malaysia có phải bật mode phòng thủ như vậy khi đi hawker center không?
Thực khách đến Makiucha không cần phải thủ sẵn khăn giấy, mà chỉ cần gọi điện hoặc nhắn tin Zalo cho quán (Saigoneer khuyến khích độc giả đặt chỗ trước nếu muốn ăn vào giờ cao điểm vì không gian quán khá nhỏ và không sắp được nhiều bàn). Tuy nhiên, theo chia sẻ của chủ quán người Malaysia, anh Nigel, địa điểm hiện tại đã là một sự tiến bộ vượt bậc so với những ngày đầu của Makiucha.
Nigel vốn là một nhân viên marketing, anh đến Việt Nam du lịch vào bốn năm trước và nhờ đó gặp được cô bạn gái người Việt hiện tại là chị Giang. Cặp đôi quyết định lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh và mở một công ty tại Sài Gòn chuyên cung cấp các tour du lịch và chỗ nghỉ cho khách du lịch từ Malaysia. Khi đại dịch bùng phát, công ty phải trải qua những khó khăn chung của ngành du lịch, nên cặp đôi đã chuyển hướng sangF&B để duy trì công việc kinh doanh. Những ngày đầu mở cửa, Makiucha chủ yếu bán mang đi và chỉ có một hai chỗ ngồi, nhưng đã gây được tiếng vang trong cộng đồng người Malaysia ở Sài Gòn.
Món ăn “tủ” của Makiucha cũng chính là món nasi lemak “quốc hồn quốc túy” của Malaysia — một đĩa cơm trắng ăn với dưa chuột xắt lát, cá cơm chiên giòn (ikan bilis), đậu phộng rang, gà rán, một quả trứng luộc, và tất nhiên là không thể thiếu sốt sambal sánh mịn. Khi được hỏi món ăn nào trong thực đơn mà anh cảm thấy bất ngờ nhất khi được thực khách Việt yêu thích, Nigel ngay lập tức gọi tên nasi lemak, vì anh tưởng rằng người Việt không quen ăn cơm với các loại sốt sệt. Thế nhưng, chính thứ nước sốt ấy đã giúp món cơm hòa nhập với khẩu vị Việt Nam — xứ sở của ngàn món mắm đậm đà đưa cơm.
Tất nhiên, bản thân nasi lemak của Makiucha cũng đã là một tác phẩm ẩm thực khéo léo: cơm trắng nấu với nước cốt dừa nên có vị béo béo thơm thơm, gà rán cùng cá cơm chiên mang đến cảm giác giòn rụm sảng khoái, tất cả lại được phủ thêm một tầng hương vị của nước sốt sambal nhà làm chuẩn không cần chỉnh. Tôi chưa bao giờ ăn sambal mà thấy không ngon cả, ở đây cũng không ngoại lệ, nhưng tôi không biết liệu đó có phải là do mình may mắn hay là đã quá thiên vị món sốt này rồi.
Một “minh tinh” khác trong thực đơn là món bò hầm rendang, ăn kèm với bánh mì roti. So với nasi lemak, món này có phần mới lạ hơn với khẩu vị người Việt, vì hầu hết các món bò hầm ở Việt Nam được nấu theo kiểu Tây với một chút gia vị Trung Hoa — ví dụ như bò kho, ragu, hoặc bò sốt vang. Trong khi đó, rendang ít nước súp hơn và nhiều gia vị hơn.
Công thức của quán là hầm thịt thăn Úc trong suốt sáu giờ và sử dụng nhiều loại gia vị bao gồm hành tây, riềng và kerisik, một loại gia vị trong ẩm thực Nyonya làm từ cơm dừa rang. Thành quả là nước thịt cô đặc, vàng óng, miếng thịt bò mềm và tan ra ngay khi đưa vào miệng. Món ăn không dùng nhiều ớt nên không cay nồng, nhưng người ăn có thể cảm nhận các loại gia vị bung tỏa trong từng muỗng súp và lưu lại trong hậu vị.
Phần lớn việc nấu nướng tại Makiucha được đảm nhiệm bởi người bếp trưởng đến từ bang Sarawak, tọa lạc tại phía Tây Bắc đảo Borneo. Anh từng là hướng dẫn viên du lịch trước khi công việc tạm ngừng vì đại dịch, đồng thời có niềm đam mê mãnh liệt đối với ẩm thực và nấu nướng, lại từng làm việc cho nhà hàng của gia đình mình ở Malaysia. Nigel và Giang cảm thấy anh rất phù hợp với vị trí bếp trưởng, nên đã không chần chừ giao phó công việc này cho anh khi Makiucha mở cửa.
Rendang không chỉ là một món bò hầm, mà còn là biểu tượng của văn hóa Peranakan và là món ăn chính trong các dịp lễ. Thuật ngữ Peranakan được dùng để chỉ hậu duệ của các thương nhân gốc Hoa đã đến định cư tại vùng biển của Malaysia, Singapore vào thế kỷ 15 và kết hôn với phụ nữ địa phương. Bản thân Nigel là người Peranakan, và anh hy vọng rằng Makiucha sẽ giúp nâng cao vị thế của ẩm thực Malaysia trong bản đồ ẩm thực Sài Gòn.
“Người Việt Nam biết đến ẩm thực Singapore và ẩm thực Thái Lan, nhưng ẩm thực Malaysia thì không [phổ biến], vì vậy chúng tôi muốn đưa ẩm thực Malaysia đến với nhiều người Việt hơn,” anh nói.
Makiucha mở cửa từ 10 AM đến 9 PM.
Đánh giá:
Hương vị: 4.5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 3/5
Malaysian food
1/4 Pasteur, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1
JavaScript must be enabled in order for you to use Google Maps.
However, it seems JavaScript is either disabled or not supported by your browser.
To view Google Maps, enable JavaScript by changing your browser options, and then try again.