Có thể thấy qua thái độ che giấu, mắc cỡ của nhiều chị em khi mua hay khi thải bỏ sản phẩm đã xài xong. Tâm lý tiêu dùng đó vô tình làm cho người sử dụng dễ bị cuốn theo những lời quảng cáo thái quá và đẩy việc sử dụng sản phẩm này đến ranh giới nguy hiểm.
Thế nào là sản phẩm tốt?
Băng vệ sinh hay các sản phẩm phục vụ cho kỳ kinh, đều nhằm thấm hút máu kinh. Do vậy, tính năng đầu tiên phải có là thấm hút tốt. Khởi thuỷ, băng vệ sinh làm từ các loại chất liệu có tính thấm hút tự nhiên (giấy, vải, bông…). Càng về sau, với sự phát triển của công nghệ hoá học, người ta tìm ra nhiều loại chất liệu tổng hợp có thấm hút tốt hơn, điều đó giúp cho sản phẩm ngày càng nhỏ gọn, giảm độ dày, tăng thoải mái.
Một sản phẩm băng vệ sinh tốt là khi có khả năng thấm hút nhanh máu kinh (yếu tố vệ sinh), không làm lấm máu ra trang phục (yếu tố thẩm mỹ), không cản trở hoạt động người sử dụng (yếu tố thoải mái) và nên chăng yếu tố an toàn xét ở đây, ngoài bảo vệ phụ nữ khỏi những nguy cơ bệnh tật trong ngày hành kinh, không gây hại lâu dài thì cũng nên xét khía cạnh môi trường. Báo chí Hoa Kỳ từng có bài than phiền về nạn ô nhiễm môi trường do băng vệ sinh và việc thu lượm hàng tấn rác là băng vệ sinh vùng ven biển.
Nỗi lo nhiễm dioxin
Băng vệ sinh thật ra không phải vô trùng tuyệt đối. Tuy nhiên càng hạn chế nhiễm bẩn sản phẩm trong sản xuất, càng giảm nguy cơ nhiễm bẩn khi dùng. Số lượng nấm mốc hay vi trùng trong sản phẩm phải ở mức tối thiểu có thể. Đạt được điều này cần có độ sạch từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói thành phẩm, lưu trữ và vận chuyển.
Có một giai đoạn báo chí nước ngoài, cả tạp chí khoa học rầm rộ tiến hành nghiên cứu nồng độ dioxin trong băng vệ sinh và đưa ra cảnh báo những tác hại của độc chất này trên sức khoẻ sinh sản phụ nữ. Dioxin hình thành từ quy trình tẩy trắng của sợi, bông hay xơ giấy để tạo nguyên liệu làm băng vệ sinh, khi quy trình phải dùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc clorine.
Sau các cảnh báo này, nhiều quy trình lỗi thời đã được thay thế. Tuy nhiên với các loại băng vệ sinh giả, nhái, rẻ tiền đang bán tràn lan ngoài chợ thì liệu có ai dám chắc họ không sử dụng các quy trình cũ? Nguồn nguyên liệu đưa vào sản xuất ai dám bảo đảm không nhiễm độc chất? Đó là chưa kể những loại có nguồn gốc không rõ ràng, phần nguyên liệu lõi sẽ là gì để có tính thấm hút nhanh mà giá thành vẫn rẻ?…
Báo chí cũng đã từng đăng nhiều phóng sự về nạn băng vệ sinh giả, nhái, kém chất lượng bày bán tràn lan, thậm chí cả những câu chuyện ảnh hưởng sức khoẻ người dùng. Có bài báo đã công bố kết quả kiểm nghiệm một số tiêu chí vệ sinh chất lượng giữa băng vệ sinh chính hãng và hàng giả, nhái… cho thấy nhiều chênh lệch đáng sợ.
Thế nhưng đến nay, việc kiểm tra mặt hàng này, kể cả những sản phẩm chính hãng, dường như vẫn còn thả nổi. Ngay cả xác lập địa chỉ cơ quan nào quản lý, kiểm định thường xuyên cũng chưa thấy đâu. Có vẻ như mọi thứ đang phó thác cho việc tự đăng ký chất lượng của nhà sản xuất.
Cẩn trọng với loại tampon
Cơ quan Kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ từng có cảnh báo về tình trạng nhiễm độc do sử dụng tampon. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây chết người.
Thời gian gần đây, tampon, một loại băng vệ sinh dạng ống bấc, dùng đặt hẳn vào âm đạo, đã làm mưa làm gió trên thị trường. Chủng loại không nhiều nhưng cũng có khá nhiều quảng cáo, xem ra chưa ổn lắm.
Loại băng vệ sinh này, vì đặt vào âm đạo, nên không thể là chọn lựa cho những người chưa từng có quan hệ tình dục.
Việc giữ lại máu kinh trong âm đạo thời gian quá lâu cũng sẽ tạo điều kiện cho nhóm vi trùng thường trú ở đây sinh sôi nảy nở. Nếu chẳng may có nhiễm bẩn thêm vi trùng lạ hay độc hại thì sẽ là một nguy cơ lớn làm nhiễm trùng, nhiễm độc. Chưa kể, việc đặt trực tiếp băng vệ sinh vào âm đạo, có thể gây thay đổi môi trường âm đạo, khô âm đạo do thấm hút quá mức, trầy xước đưa đến loét và gia tăng nguy cơ dị ứng nếu có.
Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ (FDA) từ những năm 80 đã quy định băng vệ sinh loại tampon như một vật phẩm y tế, cần có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, mỗi gói bao bì sản phẩm đều phải có cảnh báo về tình trạng nhiễm độc có thể xảy ra khi dùng.
Cơ quan Kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC) trong giai đoạn đó cũng đã có những nghiên cứu và cảnh báo về tình trạng nhiễm độc do sử dụng tampon, lý do chính là các loại có độ thấm hút quá cao làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng các loại tụ cầu, có thể gây hội chứng nhiễm độc cấp tính (TSS, Toxic Shock Syndrome), gây chết người nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Ngay sau những cảnh báo này, những loại thấm hút nhiều hơn 15g đã bị rút khỏi thị trường. Mới đây trong một mẩu quảng cáo của một loại tampon đang bán ở Việt Nam, người ta đã khuyên thế này: “Bạn có thể tự tin với loại băng này trong mọi hoạt động (…) kể cả khi đi bơi”. Cần biết rằng, một trong những điều khuyên về vệ sinh kinh nguyệt là tránh ngâm nước phần vùng kín trong những ngày hành kinh, ví dụ như tắm bồn, bơi lội, làm việc trong môi trường ngập nước.
Sẽ có người chậc lưỡi “chuyện nhỏ!” khi nghe nói về băng vệ sinh. Có nhỏ không khi mỗi phụ nữ dùng trung bình sản phẩm này ba ngày mỗi tháng và liên tục 20-30 năm trong cuộc đời? Và xin đừng quên, một nửa thế giới này đến giờ vẫn là phụ nữ!
Những cách dùng sai lầm
– Dùng băng vệ sinh lâu hơn bình thường (một băng không dùng lâu quá sáu giờ, sẽ dễ bị nhiễm trùng ngược từ băng vệ sinh vào vùng kín hay đường sinh dục;
Băng loại tampon còn cần điều kiện thời gian nghiêm ngặt hơn).
– Chỉ chuộng loại thấm hút nhiều, nhằm tăng thời gian sử dụng của một băng.
– Không rửa tay trước khi thay băng (tay bẩn có thể bôi bẩn mặt băng, gia tăng số vi trùng trên mặt băng và tăng nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng).
– Giữ băng chưa dùng trong môi trường ẩm thấp (như nhà vệ sinh) làm chất lượng giảm, tăng nguy cơ nhiễm bẩn.
– Không để ý hạn dùng.
– Mua băng lúc khuyến mãi (dễ gặp trường hợp mua nhiều nên không dùng kịp, hàng khuyến mãi sắp hết hạn sử dụng, kém chất lượng…)
Theo
ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh
SGTT