Ngày càng nhiều cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Đáng lo hơn là độ tuổi mắc phải tình trạng này đang trẻ hóa. Hiểu rõ hiếm muộn là gì, nguyên nhân gây ra và các biện pháp khắc phục… có thể giúp bạn có con theo cách bình thường và dễ dàng nhất.
Hiếm muộn là gì?
Kết quả khảo sát mới công bố gần đây cho biết có khoảng 50% các cặp vợ chồng ở Việt Nam bị hiếm muộn ở độ tuổi dưới 30. Trong khi đó, tỷ lệ này ở thế giới theo thống kê của WHO chỉ trong khoảng 6-12%.
Người ta hay nhắc đến cụm từ hiếm muộn chung với vô sinh. Thực tế, hiếm muộn có mức độ tác động nhẹ hơn so với vô sinh. Đối với trường hợp vô sinh, khả năng có con gần như là không thể. Còn những người bị hiếm muộn vẫn có thể có con. Tuy nhiên, họ không thể có con như bình thường và phải thực hiện các biện pháp can thiệp nội hoặc ngoại khoa.
Đối với các cặp vợ chồng có sức khỏe bình thường, sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai và dưới 30 tuổi, thì tỷ lệ đậu thai mỗi tháng giao động từ 20 – 25%. Như vậy, trong khoảng 1 năm, họ sẽ có con.
Trường hợp người vợ dưới 30 tuổi được xác định là hiếm muộn khi hơn 6 tháng vẫn không có thai. Nếu người vợ trên 35 tuổi thì thời gian để xác định mắc phải tình trạng này là hơn 12 tháng.
Có hai dạng hiếm muộn:
- Hiếm muộn nguyên phát: Chưa từng có con lần nào.
- Hiếm muộn thứ phát: Từng có thai ít nhất 1 lần nhưng hiện tại không thể mang thai theo cách thông thường được nữa.
Nguyên nhân hiếm muộn
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiếm muộn. Cụ thể là:
Môi trường và lối sống
Môi trường sinh sống và làm việc hằng ngày không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất nói chung mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Cụ thể, càng sống lâu trong môi trường độc hại (tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ) và ô nhiễm (nhất là ô nhiễm không khí) thì khả năng có con càng thấp.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý cũng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Trong đó bao gồm việc sử dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia và thuốc lá; thường xuyên thức quá khuya và căng thẳng quá mức. Ngoài ra, một số trường hợp thiếu cân, thừa cân hoặc tập thể dục quá mức cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hiếm muộn.
Tuổi tác
Theo kết quả khảo sát của nhiều chuyên gia, tuổi tác là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hiếm muộn của các cặp vợ chồng. Bởi đây đồng thời là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hormone sinh dục. Đa số các cặp vợ chồng bước vào độ tuổi trung niên muốn có con đều rất khó khăn.
Nếu ở độ tuổi từ 20 – 30, khả năng có con có thể xảy ra trong bất kỳ chu kỳ kinh nguyệt nào của người phụ nữ thì sang tuổi 40, cơ hội này giảm xuống dưới 10%. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng tinh trùng của đàn ông cũng suy giảm theo tuổi tác. Càng gần giai đoạn mãn dục nam thì khả năng đậu thai càng thấp.
Bệnh lý
Đối với nam giới
Khá nhiều người quan niệm rằng bệnh yếu sinh lý gây hiếm muộn ở nam giới. Thực tế, đây là tên gọi của rất nhiều bệnh lý liên quan đến rối loạn chức năng cơ quan sinh dục. Nếu tình trạng mà nam giới mắc phải không liên quan đến số lượng và chất lượng tinh trùng thì khả năng có con tự nhiên vẫn như những cặp vợ chồng khác.
Các bệnh lý thường gặp ở nam giới gây hiếm muộn là: Giãn tĩnh mạch thừng tinh; dị tật ống dẫn tinh; xuất tinh ngược dòng; tinh hoàn lạc chỗ; ung thư tuyến tiền liệt; mất cân bằng hormone sinh dục; bất thường nhiễm sắc thể hoặc bệnh celiac.
Đối với nữ giới
Các bệnh lý gây hiếm muộn ở nữ giới bắt nguồn từ các bệnh phụ khoa. Điển hình là lạc nội mạc tử cung (chiếm khoảng 40% các trường hợp hiếm muộn), đa nang buồng trứng (chiếm 30%). Các trường hợp còn lại là rối loạn rụng trứng, khối u tử cung và nhiễm trùng vùng xương chậu.
Khi nào cần khám hiếm muộn?
Nếu mắc phải các bệnh lý kể trên, bạn có thể đã được bác sĩ cảnh báo tình trạng hiếm muộn. Để chắc chắn, bạn cần đến cơ sở y tế kiểm tra để chủ động các biện pháp điều trị. Ngoài ra, nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây, bạn cũng nên đi kiểm tra:
- Có kinh nguyệt sau 15 tuổi.
- Kinh nguyệt thất thường: 2 – 3 tháng mới có 1 lần, thống kinh (đau bụng dữ dội khi đến ngày hành kinh).
- Lập gia đình ở độ tuổi từ 25 trở nên và hơn 6 tháng vẫn không có con (dù không dùng các biện pháp tránh thai).
Trước đây, khi các kỹ thuật chẩn đoán chưa được cải tiến, bạn cần chờ đến ngày vừa hết kinh mới đi thăm khám. Hiện nay, bạn có thể kiểm tra bất cứ khi nào có thời gian rảnh và kết quả cũng đáng tin cậy hơn.
Tuy nhiên, có thể các bác sĩ sẽ kiểm tra chất lượng tinh trùng. Do đó, vợ chồng bạn cần kiêng quan hệ trước đó từ 2 – 5 ngày. Mục đích để có được kết quả chính xác nhất. Ngoài ra, bạn cần mang theo tất cả các xét nghiệm hiếm muộn trước đây (nếu có và trong trường hợp bạn chọn nơi khám mới).
Điều bạn cần chuẩn bị kỹ càng nhất là tinh thần. Một tinh thần lạc quan sẽ giúp vợ chồng bạn có thêm cơ hội. Bạn có thể sẽ phải tốn khá nhiều tiền và công sức để được trở thành những ông bố, bà mẹ tương lai.
Các xét nghiệm nhận biết hiếm muộn
Nếu từng thực hiện các xét nghiệm hiếm muộn cách thời điểm kiểm tra hơn 6 tháng, bạn sẽ phải thực hiện lại. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các loại xét nghiệm sẽ không giống nhau.
Đối với người vợ
- Siêu âm buồng trứng: Mục đích để đánh giá khả năng dự trữ của cơ quan này ở nhiều khía cạnh. Cụ thể là số lượng – chất lượng của trứng, hoạt động của nội tiết tố.
- Siêu âm cổ tử cung: Kiểm tra vòi trứng có bị ứ dịch hoặc có khối u hay không.
- Chụp HSG: Đây là phương pháp chụp X-quang lòng tử cung và vòi trứng. Mục đích là xác định tình trạng vòi trứng bị tắc hay vẫn bình thường.
Đối với người chồng
Các kỹ thuật chẩn đoán hiếm muộn ở nam giới chủ yếu dựa vào tinh trùng. Bác sĩ sẽ đánh giá được cả số lượng và chất lượng tinh trùng thông qua tinh dịch đồ. Bên cạnh đó, bạn có thể được chỉ định siêu âm bìu, xét nghiệm hormone, xét nghiệm di truyền hoặc sinh thiết tinh hoàn.
Ngoài ra, có thể nam giới sẽ cần phải xét nghiệm máu nếu thực hiện các hoạt động thăm khám chuyên sâu. Đa số các trường hợp mắc bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục sẽ thực hiện các xét nghiệm này.
Trong thực tế, có khoảng 10% các cặp vợ chồng đã thực hiện tất cả các kỹ thuật chẩn đoán vẫn không phát hiện ra nguyên nhân hiếm muộn. Các bác sĩ xếp những trường hợp này vào nhóm hiếm muộn, vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Tỷ lệ có con của các cặp vợ chồng này sẽ rất thấp.
Cách điều trị hiếm muộn
Có rất nhiều cách điều trị hiếm muộn. Lựa chọn cách thức nào tùy vào nguyên nhân. Cách thức điều trị từ đơn giản đến phức tạp gồm:
-
Thay đổi lối sống
Thường áp dụng cho các trường hợp hiếm muộn có nguyên nhân từ môi trường và lối sống.
-
Dùng thuốc và bổ sung các loại hormone
Sử dụng cho một số trường hợp mắc các bệnh lý gây rối loạn hoạt động nội tiết tố. Trong đó chủ yếu là các loại thuốc kích thích quá trình rụng trứng tự nhiên.
-
Phẫu thuật
Đa số các trường hợp bị dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục sẽ dùng đến phương pháp này. Tiêu biểu như mở ống dẫn trứng và thông ống dẫn tinh. Ngoài ra, một số trường hợp bị khối u ở tử cung cũng cần đến biện pháp này.
-
Thụ tinh nhân tạo
Những trường hợp bị hiếm muộn do nhiều nguyên nhân tác động thường sử dụng biện pháp này để có con. Đây cũng là giải pháp cuối cùng cho mong muốn có con của các cặp vợ chồng.
Tùy vào từng trường hợp, các bác sĩ có thể áp dụng một số hoặc tất cả các phương pháp điều trị hiếm muộn đã trình bày ở trên.
Ngoại trừ thụ tinh nhân tạo, phương pháp điều trị dành cho người vợ thường là: kích thích rụng trứng bằng thuốc giúp thụ thai; phẫu thuật cắt bỏ polyp, vách ngăn hoặc các mô sẹo trong tử cung.
Đối với nam giới, phương pháp điều trị thường là: dùng thuốc để cân bằng hormone và khắc phục rối loạn cương dương hoặc bệnh xuất tinh sớm. Biện pháp phẫu thuật sử dụng cho các trường hợp tắc ống dẫn tinh hoặc giãn tĩnh mạch ở tinh hoàn.
Điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh nhân tạo
Gồm các kỹ thuật như: bơm tinh trùng vào tử cung, tiêm tinh trùng vào tương noãn, thụ thai trong ống nghiệm và sử dụng tinh trùng hoặc trứng được hiến tặng.
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung chữa hiếm muộn
Tên gọi khác của phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung là IUI (Intrauterine insemination). Nó được áp dụng cho trường hợp tinh trùng bị dị dạng ở mức độ nhẹ; buồng trứng còn hoạt động và có ít nhất một ống dẫn trứng thông.
Tỷ lệ thành công của phương pháp này vào khoảng 15 – 20%. Nếu người vợ dưới 30 tuổi, cả hai vòi trứng đều thông và số lượng tinh trùng khỏe mạnh của người chồng nhiều thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
Tiêm tinh trùng vào tương noãn chữa hiếm muộn
Phương pháp này còn có tên gọi khác là ICSI (viết tắt của cụm từ Intra-cytoplasmic Sperm Injection). ICSI được thực hiện bằng cách đưa tinh trùng vào bào tương trứng. Nếu thụ tinh thành công, phôi sẽ được nuôi cấy từ 3 – 5 ngày trước khi chuyển vào tử cung.
Phương pháp này thường dùng cho các trường hợp đông lạnh trứng, nam giới không có tinh trùng trong tinh dịch, tắc ống dẫn tinh hoặc vô sinh không rõ nguyên do. Tỷ lệ thành công của phương pháp ít phụ thuộc nhiều vào nguồn gốc và chất lượng tinh trùng.
Thụ thai trong ống nghiệm
Tên viết tắt của phương pháp này là IVF (In vitro fertilization). Trứng và tinh trùng sẽ được kết hợp trong ống nghiệm. Khi chúng phát triển thành phôi thai sẽ được các bác sĩ đưa vào tử cung.
IVF thường áp dụng cho trường hợp bơm tinh trùng không thành công. Bên cạnh đó, nó còn được sử dụng cho trường hợp xin trứng hoặc tinh trùng và hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ thành công của phương pháp này đạt khoảng 40%.