Hiến chương Trái đất là gì?
Hiến chương Trái đất là một tuyên ngôn dựa trên những nguyên tắc cơ bản để xây dựng một xã hội toàn cầu bền vững và hòa bình của thế kỷ 21. Nó hướng tất cả mọi người tới một ý niệm mới về sự tương thuộc toàn cầu và sự chia sẻ trách nhiệm vì hạnh phúc của toàn gia đình nhân loại, vì một đời sống cộng đồng tốt đẹp hơn và vì các thế hệ tương lai. Nó là một tầm nhìn và một lời kêu gọi hành động.
HIến chương Trái đất chủ yếu quan tâm tới sự chuyển đổi sang những phương thức sống bền vững và sự phát triển nhân loại bền vững. Sự toàn vẹn của hệ sinh thái là chủ đề lớn. Tuy nhiên, Hiến chương thừa nhận rằng các mục tiêu như bảo vệ hệ sinh thái, xóa nghèo, phát triển kinh tế công bằng, tôn trọng nhân quyền, dân chủ và hòa bình là tương thuộc lẫn nhau và không thể tách riêng. Do vậy, Hiến chương cung cấp một . khung chương trình toàn diện, có tính đến yếu tố đạo đức, để hướng dẫn sự chuyển đổi sang một tương lai bền vững.
Hiến chương Trái đất là sản phẩm của một cuộc đối thoại dài cả thập kỷ, toàn cầu, đa văn hóa về những mục đích chung và những giá trị cần chia sẻ. Dự án Hiến chương Trái đất được bắt đầu như một sáng kiến của Liên Hợp Quốc, nhưng sau đó đã lan rộng và trở thành một sáng kiến xã hội dân sự toàn cầu. Hiến chương trái đất được hoàn tất và ra mắt vào năm 2000 như một hiến chương của nhân loại bởi Ủy ban Hiến chương Trái đất, một tổ chức quốc tế độc lập.
Việc lập dự thảo của Hiến chương Trái đất là một quá trình toàn diện nhất và có sự tham gia nhiều nhất từng được biết đến trong lịch sử của việc tạo lập một tuyên bố quốc tế. Quá trình này là nền tảng tạo tính chính danh cho Hiến chương như là một khung hướng dẫn có tính đạo đức. Tính chính danh của văn kiện này đã và đang được củng cố bởi sự tán thành của hơn 4500 tổ chức, bao gồm nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Dưới ánh sáng của tính chính danh đó, ngày càng nhiều các luật sư quốc tế nhận thấy rằng Hiến chương Trái đất đang trở thành một văn bản luật không chính thức. Các văn bản luật không chính thức như là Tuyên bố Thế giới về Nhân quyền đã được xem là có thể ràng buộc về mặt đạo đức, chứ không phải về mặt pháp lý, các chính phủ đã phê chuẩn và áp dụng chúng, và chúng thường tạo nền tảng cho sự phát triển của luật.
Ở vào thời điểm mà những thay đổi cơ bản trong cách chúng ta nghĩ và sống đã trở nên cấp bách, Hiến chương Trái đất đã thách thức chúng ta kiểm nghiệm lại những giá trị của mình để tìm ra một đường đi tốt hơn. Ở vào thời điểm mà hợp tác quốc tế đã trở nên ngày càng cần thiết, Hiến chương Trái đất đã khuyến khích chúng ta tìm ra nền tảng chung trong sự đa dạng của thế giới và bao chứa một đạo lý toàn cầu mới, được chia sẻ bởi rất nhiều người trên toàn cầu. Ở vào thời điểm khi giáo dục về phát triển bền vững đã trở thành thiết yếu, Hiến chương Trái đất cung cấp một công cụ giáo dục rất có giá trị.