–
Thứ sáu, 24/01/2020 19:12 (GMT+7)
Xông đất đầu năm được diễn ra ngay sau thời khắc giao thừa , đây là lúc đánh dấu vận thế mới của con người và nơi sinh sống.
Ảnh minh họa.
Theo tục lệ, giờ “xông đất” được tính bắt đầu từ sau giờ giao thừa trở đi, người “xông đất” là người khách đầu tiên bước vào cửa nhà từ sau giờ khắc giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm, người “xông đất” sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong năm mới.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, mỗi gia đình có một địa vực riêng của mình, người khác đến địa vực đó được gọi là xông đất. Xông là tiến lên, nhập vào, đất là địa vực của gia đình đó. Bởi vậy, ngày tết là ngày mở đầu cho một năm mới thì những người đến đầu tiên với gia đình đó chính là “xông đất”.
Người dân Việt tin rằng ngày mồng Một là ngày khai trương cho năm mới, vào ngày đầu năm những người hợp tuổi “xông đất”, xông nhà trong năm mới sẽ là người đem lại cho gia đình tài lộc, bình an, may mắn và sức khỏe trong năm mới.
Khi nói về việc lựa người “xông đất” nhà Nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng vĩ chia sẻ với báo Lao Động:
“Chủ nhà rất kén người ‘xông đất;. Những người ‘xông đất’ mà được người ta chờ đón nhất đó chính là trẻ em. Bởi vì trẻ em chưa chịu trách nhiệm về tử vi, về số mạng, trẻ em đem đến sự vui vẻ, may mắn cho gia chủ. Các đồng tử còn hồn nhiên vô tư bao giờ cũng vui vẻ nên người ta rất muốn đón trẻ em đến.
Ngoài trẻ em ra, có người kĩ tính họ xem tuổi của người đến năm nay xem có hợp với gia chủ hay không, có làm ăn phát đạt hay không, có đem đến may mắn hay không và mời những người hợp tuổi đến ‘xông đất’ cho mình”.
Theo tục lệ “xông đất” đầu năm, khách đến nhà “xông đất” cần phải chuẩn bị trang phục tươm tất, gọn gàng, màu sắc rực rỡ, tươi sáng để gia chủ cả năm no ấm, đủ đầy. Nếu có thể, khách đến xông nhà nên đem theo một chút quà Tết để biếu gia chủ như: một chai rượu, bánh chưng, bánh tét hay một hộp mứt tết.
Ngày nay, phong tục “xông đất” được đơn giản hóa, khách đến xông nhà chỉ cần mang theo những phong bao lì xì đỏ để mừng tuổi cho gia chủ, trẻ con trong nhà. Chủ nhà cũng tặng cho vị khách “xông đất” phong bao lì xì để chúc may mắn.
Ảnh minh họa.
Một cách “xông đất” khác theo tục lệ là chính người thân trong gia đình tự xông đất. Người thân trong gia đình sẽ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa trở về xông nhà mang theo những cành lộc đầu xuân, mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình.
Tuy nhiên, theo cùng thời gian, những phong tục tập quán xưa cũng có những biến đổi để phù hợp với những thay đổi phát triển của cuộc sống hôm nay. Tục “xông đất” cũng vậy, mọi người trong gia đình vẫn đi xông đất nhà bà con, bạn bè nhưng đa phần như một niềm vui trong ngày Tết.