Bà Liễu vốn làm nghề sản xuất và kinh doanh nem chả tại H.Hoài Ân. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, bà nhận ra nếu xây dựng quy trình khép kín giữa chăn nuôi, giết mổ heo để cung ứng cho thị trường và sản xuất nem chả sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2016, bà lập dự án xây dựng trang trại nuôi heo trên đệm lót sinh học đạt tiêu chuẩn VietGAP tại khu vực Lỗ Bom (thôn Khoa Trường). Năm 2018, trang trại của bà xây dựng xong nhưng phải đến năm 2019 mới bắt đầu nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Quy trình nghiêm ngặt
Heo con đầu vào được bà Liễu thả nuôi tại sàn úm, ăn các loại men và dung dịch trùn quế để kích thích tiêu hóa và tạo hệ miễn dịch kháng thể. Khi heo được khoảng 20 kg sẽ chuyển sang chuồng đệm lót sinh học để nuôi cho đạt 40 – 50 kg thì chuyển sang chuồng rộng hơn, có hồ tắm, khu vực vận động… Trang trại nuôi heo của bà Liễu cách ly hoàn toàn với bên ngoài để đề phòng dịch bệnh. Công nhân, bác sĩ thú y… luôn túc trực. Người từ bên ngoài vào trang trại đều phải trải qua quy trình sát trùng nghiêm ngặt.
Thành công với quy trình nuôi heo trên đệm lót sinh học, bà Liễu thử nghiệm nuôi heo bằng các loại thảo mộc. Giai đoạn đầu, heo vẫn được nuôi trên đệm lót sinh học nhưng khi đạt khoảng 50 kg thì bà chọn ra 100 con để thử nghiệm cho ăn bằng thảo mộc. Thức ăn chính cho heo vẫn là bột cám, gạo, bắp… nhưng bổ sung thêm 10 loại cây thuốc nam như: trà đại, đinh lăng, cách cách, hồng ngọc, sâm đất, húng quế, xạ hương… Lứa heo nuôi bằng thảo mộc đầu tiên đạt đến 100 – 120 kg thì bà Liễu xuất bán. Nhiều khách hàng thử ăn hoặc kinh doanh heo thảo mộc đã lập tức mua thêm, thậm chí đặt hàng trước nếu có đợt nuôi thứ 2.
Khu vực trồng thảo mộc trong trang trại nuôi heo của bà Liễu
Lứa heo nuôi bằng thảo mộc thứ 2 của bà Liễu cũng với số lượng 100 con được khách hàng mua hết. Không chỉ có các doanh nghiệp đặt mua số lượng lớn, nhiều người dân cũng mua về dùng. Lứa heo để bán dịp Tết Nguyên đán sắp đến, vì nhiều người đặt hàng trước nên bà Liễu nuôi 500 con, bên cạnh 1.000 con heo thịt. Ngoài ra, trang trại còn nuôi 200 con heo giống.
Hiệu quả cao hơn hẳn
Theo bà Liễu, heo nuôi bằng thức ăn thảo mộc, dung dịch trùn quế kích thích tiêu hóa nên khả năng miễn dịch và tăng trưởng cao hơn heo nuôi thông thường, tỷ lệ nhiễm dịch bệnh cũng ít, trong khi thịt heo chất lượng, an toàn, thơm ngon hơn. Để có đủ thảo mộc cho heo ăn, ngoài trồng trong trang trại, bà Liễu còn tổ chức thu mua của người dân địa phương.
“Chi phí nuôi heo thảo mộc cao hơn so với nuôi bình thường khoảng 20% nhưng giá bán cũng cao hơn, khoảng 85.000 đồng/kg (heo hơi), cao hơn giá heo truyền thống khoảng 20.000 đồng/kg. Hiện chưa có nhiều người biết đến heo thảo mộc nhưng chắc chắn khi đời sống càng cao thì người ta càng có nhu cầu ăn ngon hơn, chất lượng hơn và heo thảo mộc sẽ được ưa chuộng hơn”, bà Liễu tự tin.
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND H.Hoài Ân, huyện vốn được mệnh danh là “vựa heo miền Trung”, có thời điểm đàn heo của huyện gần 400.000 con, chiếm hơn 1/3 tổng đàn heo của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi vào năm 2019 nên đàn heo của huyện giảm, hiện tổng đàn heo của Hoài Ân còn khoảng 228.000 con. Thành công bước đầu của mô hình nuôi heo bằng thảo mộc của bà Lê Thị Liễu mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi ở H.Hoài Ân, giúp địa phương đa dạng thêm sản phẩm để cung cấp cho thị trường.
“Tuy chưa có công trình khoa học nào kiểm chứng việc ăn thịt heo nuôi bằng thảo mộc sẽ tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng nhiều người ăn thịt heo này đã khẳng định là thơm, ngon hơn thịt heo nuôi thông thường. Lãnh đạo H.Hoài Ân đang khuyến khích, tạo điều kiện để nhân rộng mô hình chăn nuôi heo bằng thảo mộc, hứa hẹn sẽ tạo ra được sản phẩm đặc trưng, độc đáo phục vụ cho các mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai của H.Hoài Ân”, ông Khúc nói.