Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 11% dân số, trong đó có khoảng 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Theo các chuyên gia, tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm kéo theo nhiều biến đổi về mặt tâm lý, tình cảm. Do đó, gia đình, người thân cần hiểu và quan tâm, động viên bố mẹ già để giúp họ ổn định tinh thần, sống vui, sống khỏe hơn.
Con cháu cần ở bên quan tâm, động viên bố mẹ già để họ thấy cuộc sống ý nghĩa và có ích hơn. Ảnh minh họa
Nhiều NCT cô đơn trong chính ngôi nhà của mình
Theo các chuyên gia lão khoa, trung bình mỗi NCT hiện nay mắc từ 3-5 bệnh mãn tính như: Tim mạch, xương khớp, tiểu đường, tăng huyết áp…phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời. Việc “nhăm nhăm” nhớ phải uống thuốc và điều trị thường xuyên khiến NCT dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, sinh ra khó tính, cáu bẳn với những người xung quanh. Bên cạnh đó, mỗi khi thời tiết thay đổi, NCT cũng dễ bị “quật” bởi những cơn ho, cảm mạo thông thường. Vì vậy, họ cảm thấy mình già nua, ốm yếu, vô tích sự với con cái.
Ngoài ra, tuổi cao, các chức năng trong cơ thể cũng suy giảm, kéo theo một loạt các vấn đề khác. Chẳng hạn, do răng yếu, khẩu vị thay đổi, việc nhai, nuốt và tiêu hóa thức ăn ở NCT cũng khó khăn hơn nên họ thường cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng hay không muốn ăn. Điều này kéo dài dễ khiến NCT bị suy dinh dưỡng, uể oải, không muốn gặp gỡ, giao lưu với mọi người.
Một vấn đề nữa cũng dễ xảy ra ở NCT là họ hay có những suy nghĩ, trăn trở riêng về cuộc sống. Tâm sinh lý của cha mẹ khi già đi cũng thay đổi rất nhiều so với thời còn trẻ hoặc ở độ tuổi trung niên. Tình trạng này làm NCT hay bị trằn trọc khó ngủ, hay thức giấc lúc nửa đêm khiến họ mệt mỏi và dễ bị “tụt” tinh thần.
Bệnh tật, tâm sinh lý có nhiều biến đổi là thế, tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Hường, Trưởng ban Chăm sóc NCT, Trung ương Hội NCT Việt Nam, NCT hiện chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc thấu đáo từ chính những người thân trong gia đình – những người đáng lý ra phải là người gần gũi và động viên NCT nhiều nhất.
Theo bà Lưu Thị Hường, hiện nay, 70% NCT sống ở nông thôn và 30% sống ở thành thị. Trong đó, nhiều người già sống ở thành thị lại cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Bởi lẽ, cuộc sống ở thành thị, con cháu đa phần đi làm công sở, nhiều người lại đi làm thêm ngoài giờ, đi học nâng cao trình độ, chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Do đó, họ chưa có thời gian nhiều chú ý, hỏi han bố mẹ già ở nhà.
Trong khi đó, các cháu nhỏ ngoài việc đi học cả ngày, học ca thêm, về nhà lại chơi điện tử hoặc tham gia các lớp ngoại khóa theo độ tuổi, không còn thời gian để nói chuyện, tâm sự với ông bà, cha mẹ. Chính vì thế, niềm vui được quây quần bên con, bên cháu của NCT đang bị cuộc sống hiện đại “cướp” mất.
Cũng theo bà Hường, nhiều gia đình, con cái lại không muốn cho bố mẹ tham gia các hoạt động xã hội, sợ các cụ bị ngã hay có những việc ảnh hưởng tới sức khỏe. Các cụ bị “nhốt” ở trong khuôn viên ngôi nhà chật chội, bị thiếu về cả hoạt động xã hội cũng như hoạt động tinh thần. Vì vậy, NCT ở đô thị rất hay cô đơn, tủi thân, nhất là những cụ đã mất đi người bạn đời của mình.
Còn với những NCT ở nông thôn, dù không bị gò bó trong khoảng không gian chật hẹp nơi thành thị nhưng do điều kiện vật chất khó khăn, nhiều cụ phải gác lại các hoạt động cá nhân để ở nhà trông cháu hoặc tham gia lao động sản xuất như những nhân lực chính trong gia đình. Điều này cũng khiến nhóm đối tượng này bị thiếu thốn cả về sức khỏe vật chất lẫn tinh thần.
Quan tâm, động viên, vận động NCT tham gia hoạt động xã hội
Trên cương vị Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe NCT của Trung ương Hội NCT, bà Lưu Thị Hường cho biết, thời gian qua Trung ương Hội đã có những hoạt động phối hợp giữa hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để nâng cao ứng xử của giới trẻ đối với NCT. Bên cạnh đó, bà cũng hy vọng các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới nhu cầu của NCT như khu vui chơi, giải trí; đầu tư xây dựng trung tâm chăm sóc NCT cũng như đào tạo đội ngũ y, bác sĩ dành riêng cho NCT để chất lượng cuộc sống NCT ngày càng được nâng cao.
Về việc làm thế nào để giúp NCT thoát khỏi sự cô đơn, theo bà Hường, điều đầu tiên và cần thiết là sự thay đổi trong nhận thức của các bậc con cháu. “Chúng tôi mong rằng, con cháu hãy quan tâm nhiều hơn tới đời sống của NCT bằng các hành động cụ thể như đi về chào hỏi, thưa gửi; thường xuyên hỏi han, quan tâm để NCT cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn trong gia đình mình. Các cụ ngày xưa đã từng dạy “trọng già, già để tuổi cho”, kính trọng, yêu thương người già là điều cần thiết và cũng là truyền thống tốt đẹp của người Việt”, bà Hường nói.
Với cha mẹ già, nhất là những người bị bệnh tật lâu năm, theo các chuyên gia, con cháu trong gia đình cần thường xuyên động viên tinh thần để cha mẹ không cảm thấy tủi thân và lo lắng quá mức làm ảnh hưởng thể chất – tinh thần và dẫn đến suy giảm sức khỏe. Trong nhà, nên sắp xếp đồ vật ở những nơi dễ nhớ để cha mẹ dễ tìm thấy hoặc lên lịch cụ thể những sự việc quan trọng để cha mẹ có thể theo dõi dễ dàng hơn.
Mặt khác, nếu thấy bố mẹ có thay đổi về tâm sinh lý dễ sinh ra cáu bẳn, khó tính hoặc luôn nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, con cái cần lắng nghe, thấu để xua tan những nỗi lo bị bỏ rơi của cha mẹ. Phải tạo không khí gần gũi và hỏi han ý kiến để cha mẹ không cảm thấy mình trở thành người thừa trong gia đình. Lúc này, con cháu cần phải giữ kiên nhẫn, tránh những cử chỉ, lời nói làm cho NCT cảm thấy tủi thân, mủi lòng hay thậm chí tự ái.
Ngoài ra, tích cực vận động NCT tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho tuổi già. Việc giao lưu, gặp gỡ những người bạn già có thể giúp NCT quên đi những mệt mỏi của bệnh tật cũng như xua đi những mặc cảm bị bỏ rơi của NCT. Điều này khiến NCT cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn.
Nguồn: Báo Gia đình và xã hội