Mỗi độ tháng ba, cây gạo rụng hết lá, chỉ còn những bông hoa ”thắp lửa” đỏ rực khoe sắc trên nền trời, như dấu hiệu chào đón mùa hè.
Từ khoảng đầu tháng ba, cây hoa gạo ở chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại bắt đầu nở hoa, làm nên nét đẹp rất riêng trong không gian ngôi chùa cổ kính. Hoa gạo nở đỏ rực nổi bật, thu hút mọi ánh nhìn của người đến vãn cảnh, dâng hương lễ Phật.
Tháng 3 về cũng là lúc hoa gạo nở đỏ rực trước sân chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), ngôi chùa cổ kính hàng nghìn năm tuổi.
Theo lời kể của người dân địa phương, trước đây tại Chùa Thầy có 5 cây hoa gạo nhưng 4 cây đã chết, hiện chỉ còn một cây nằm mé bên trái chùa, gần cầu “Nhật Tiên Kiều”.
Vào mùa hoa, cây rụng hết lá, chỉ còn những bông hoa đỏ rực khoe sắc trên cành như dấu hiệu chào đón mùa hè.
Những ngày này, nhiều người yêu thích chụp ảnh thường tìm về chùa Thầy để ghi lại khoảnh khắc bình yên, trầm mặc bên hoa gạo.
Yêu thích hoa gạo bởi vẻ đẹp bình yên chốn quê nhà, hay tin hoa gạo đã nở, chị Đặng Mai Phương cùng gia đình từ quận Hoàng Mai về chùa Thầy để chụp ảnh, đồng thời giới thiệu cho các con biết thêm về hoa gạo và nguồn ngốc của cây gạo ở ngôi chùa cổ kính, linh thiêng.
Chị Đặng Mai Phương cùng gia đình đến chùa Thầy lễ Phật, vãn cảnh và chụp ảnh với hoa gạo.
“Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quốc Oai, rất thích đến chùa Thầy để vãn cảnh. Trong hai năm qua trước, vì dịch bệnh nên tôi không về chùa được. Mới đây, xem trên mạng xã hội, tôi biết được hoa gạo ở đây đã nở nên tôi đưa gia đình đến đây để tham quan, nhân tiện chụp bộ ảnh với hoa gạo”, chị Phương chia sẻ.
Cũng như chị Phương, chị Đinh Thị Thắm (ở Phúc Thọ, Hà Nội) cũng rủ bạn tìm về chùa Thầy để vãn cảnh, chụp ảnh với hoa gạo khi biết đến cây gạo ở đây đã nở hoa.
Chị Thắm lặn lội gần 30 cây số đến chùa Thầy để chụp ảnh với hoa gạo.
“Tôi vô tình xem được một bức ảnh của bạn tôi đăng trên mạng xã hội, thấy cây hoa gạo trong khuôn viên cảnh chùa đẹp quá, tôi liền rủ bạn xuống đây chơi. Đến chùa thời gian này rất thoáng đãng, cảm giác không gian thật thanh tịnh. Thêm nữa, hình ảnh cây gạo cổ thụ nằm ngay cạnh ngôi chùa cổ nghìn năm khiến cho tôi cảm giác khung cảnh này trở nên trầm mặc, linh thiêng hơn”, chị Thắm nói.
Mùa hoa, cây rụng hết lá, chỉ có những bông hoa đua nhau ”thắp lửa” đỏ rực trên cành.Cây gạo cổ thụ trogn khuôn viên chùa Thầy cao khoảng 30m, gốc cây đồ sộ, 2 người trưởng thành ôm mới xuể.Hoa gạo nở có 5 cánh, mùa hoa kéo dài gần một tháng và rụng dần trước khi cây ra lá non.
Cây gạo cổ thụ ở trước chùa Cả. Nơi đây là một khoảng sân rộng.Những bông hoa đỏ rực như đốm lửa, rực rỡ cả một góc trời.Mùa hoa gạo nở cũng là thời điểm rất nhiều du khách tìm đến chụp ảnh.Những bông hoa rụng dưới sân chùa trở thành “đạo cụ” thực hiện bộ ảnh đẹp, lưu trữ kỷ niệm một mùa hoa.Những cô gái tha thướt trong những tà áo dài trắng kết hợp với sắc đỏ của hoa gạo tạo nên những bức ảnh giản dị mà đẹp đẽ, có sức hút lạ kỳ.Cây hoa gạo với sắc đỏ đặc trưng không chỉ tô điểm cho cảnh sắc chùa Thầy mà còn như minh chứng cho nét cổ kính và văn hóa ngàn đời của mảnh đất nhà Phật.Ở nội đô, khi đến gần Bảo tàng Lịch sử quốc gia, sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo nổi bật giữa không gian đầy màu sắc, bởi trong Bảo tràng cũng có một cây gạo cổ thụ.Cây gạo cùng cánh đồng lúa là hình ảnh quen thuộc ở vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ.Dưới những gốc cây gạo, hoa rụng xuống vẫn giữ được màu đỏ đặc biệt. Những bông hoa rực đỏ trên thảm cỏ xanh thu hút sự chú ý rất nhiều người. Chỉ cần vài phút dừng trên phố là có ngay những tấm ảnh đẹp mà không phải lúc nào cũng ghi được.Hoa gạo được ví là loài hoa gây thương nhớ ở phố thị mỗi độ tháng ba.Cây gạo nở đỏ rực đứng bên cạnh một công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương từng được người Hà Nội gọi bằng cái tên quen thuộc “nhà Bác Cổ”.Sắc đỏ giản dị cùng nét đẹp cổ kính của Bảo tàng cứ thế hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh mang đậm màu sắc hoài cổ ngay giữa trung tâm Thủ đô.
Thu Trang