Hoa mai vàng nở sớm “báo điềm vui”

Đã từ bao đời nay, gần như trước sân nhà người dân miền quê Nam bộ nào, người ta cũng trồng vài gốc hoa mai vàng. Thường trước đây chỉ thuần là giống mai năm cánh. Sau này, khoa học tiến bộ, nhiều nhà vườn đã lai tạo làm cho mỗi bông mai lên đến mấy chục thậm chí hàng trăm cánh.

Đây là loại cây thường ra bông mỗi năm mỗi lần, ngay vào dịp tết Nguyên đán. Hoa mai vàng được dân gian miền quê ở vùng sông nước Cửu Long giang xem là biểu trưng cho ngày tết, giống như hoa đào ở các tỉnh phía Bắc.

Hoa mai vàng tươi mang đến nhiều niềm vui cho người dân quê.

Theo cách chơi chữ đồng âm, mai vàng vừa mang lại cho chủ nhà nhiều may mắn, nhiều vàng lộc trong những ngày đâu năm mới. Bởi vậy, nhà nào không trồng mai, hoặc vì lý do gì đó mà hoa mai vàng nở sớm hoặc trễ thì chiều hai chín, ba mươi tết phải sang nhà hàng xóm xin nhành mai về cắm trên bàn thờ ông bà cho mai nở bung nhụy vào đúng ngày mùng một Nguyên đán.

Để mai nở đúng ngày, thường thì các bậc lão nông nhìn đoán thời tiết theo kinh nghiệm để tuốt lá mai. Cữ xê dịch khoảng rằm tháng chạp một vài ngày, tùy theo tiết trời nóng hay lạnh. Đến khi đưa Ông Táo về trời, mai bắt đầu búp nụ. Khi ấy, người ta sẽ dùng nước ấm để tưới vào gốc mai nhằm chỉnh thời gian cho phù hợp.

Những bông mai nở sớm.

Năm nay, ở miền Tây Nam bộ, lũ lớn không về, vụ đông xuân ngoài đồng cũng mới vừa gieo hạt. Trước sân nhà mai chưa cần sự can thiệp của con người, nhiều gốc đã tự rụng lá và có cây đã bung hoa như một dấu hiệu xuân đến sớm. Ong bầu, ong mật vo ve suốt cả buổi hừng đông.

Dân gian tin rằng hoa mai vàng nở, chủ nhà sẽ thêm nhiều may mắn, không việc gì phải lo. Người nông dân càng vững niềm tin thấy tiết trời đã báo hiệu một vụ mùa bội thu nữa sắp đến. Còn hơn tháng trời nữa không khí mùa xuân mới tràn về, người ta cũng sẽ có cách để làm cho những ngày Tết thật ý nghĩa nhất.

Tính cởi mở, chan hòa của người dân quê miền Tây Nam bộ là như vậy!

Rate this post

Viết một bình luận