Hoa quỳnh – dạ quỳnh lâu tàn 02

Hoa quỳnh chỉ nở về đêm và sẽ tàn trước khi trời sáng là ấn tượng mà nhiều người nghĩ về. Nhưng loài hoa này hiện đã có những loại nở cả ngày và đêm cùng với nhiều màu sắc khác. Dù là nở vào thời gian nào thì nét đẹp thanh tao và hương thơm quyến rũ vẫn làm bao kẻ say mê chờ đợi. Cây rất dễ trồng, hoa có đường kính lớn nhất khoảng 20cm. Mỗi đóa hoa có 30 cánh thuôn dài, mềm mại. Không chỉ thế, loài hoa này còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Với nhiều ưu điểm trên, quỳnh càng ngày càng trở thành một trong những loài hoa nhất thiết nên có trong vườn nhà. 

  • Tên khoa học:

     

    Epiphyllum oxypetalum

  • Tên tiếng Anh:

     Night blooming cereus, Dutchman’s pipe cactus, Princess of the night flower, Queen of the night flower, Night cactus

  • Tên gọi khác:

     hoa quỳnh hương, dạ quỳnh, nhật quỳnh

    

Đặc điểm của cây hoa quỳnh

Cây thuộc họ xương rồng, thoạt nhìn khá giống cây thanh long. Thân dẹp, chia làm nhiều đốt. Thân cây mọng nước, chiều cao có thể tới 3m. Cây được ưa trồng để làm cảnh. Lá lớn, màu xanh lục khá đậm. Rìa mép lá có gai và ít lông tơ nhỏ. 

Thoạt nhìn giống cây thanh long.

Hoa quỳnh khi bung hết cỡ có đường kính lớn nhất khoảng 20cm với khoảng 30 cánh hoa mỏng, mềm mại, thuôn dài và nhọn ở phía đầu. Dạ quỳnh nở về đêm có bề mặt cánh hoa như phủ sáp mịn, màu trắng muốt. Các cánh phía ngoài màu nâu nhạt hoặc cam nhạt. Nhật quỳnh nở vào thời gian bất kỳ, cánh hoa cũng như phủ sáp, mang nhiều màu sắc khác nhau. Hình dáng hoa như chiếc kèn mở bung. Nhị và nhụy hoa dài nên trông đóa hoa thêm phần lả lướt.  

Thực chất thì nhiều người cho rằng cây quỳnh không có lá, những phần gọi là lá chính là thân cây, và chúng có thể sống bám vào một loài cây khác hoặc tự rủ xuống. Cây có nguồn gốc từ các vùng sa mạc tại Mỹ và Mexico. Có thông tin là cây hoa quỳnh du nhập vào châu Âu vào thế kỷ XV. Đến nay, cây đã phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Đường kính hoa rất lớn, cánh như sáp mịn.

Các loại hoa quỳnh

Phân loại hoa quỳnh theo kích cỡ

Các nhà thực vật học chia hoa quỳnh ra làm 3 loại chính theo kích cỡ hoa: đường kính nhỏ (7 – 12cm), trung bình (12 – 15cm) và lớn (15 – 20cm). Mỗi loại có những đặc điểm khác nhau về màu sắc và mùi hương. Hiện nay có rất nhiều loại mới được lai tạo cho màu sắc đa dạng. Hiệp hội hoa quỳnh của Mỹ (The Epiphyllum Society of America) ghi nhận khoảng 10.000 loại quỳnh và đều được đăng ký bản quyền với tên gọi riêng. Tên gọi thường có một danh pháp cố định Epiphyllum ghép với một từ khác không có nguồn gốc Latin.

Có rất nhiều loại khác nhau, phân biệt theo kích cỡ.

Phân loại hoa quỳnh theo màu sắc

Quỳnh trắng

 (Epiphyllum oxypetalum)

Loại này còn có tên gọi là đàm hoa nhất hiện – hoa chỉ nở thoáng qua. Đường kính đạt tới khoảng 20cm thì dần tàn. Hoa chỉ nở một đêm duy nhất, mang sắc trắng tinh khôi. Thời gian nở kéo dài khoảng 2 tiếng. Thời gian sau này người ta lai tạo ra thêm một giống quỳnh trắng khác hoa lâu tàn hơn, hoa nở tới tầm 9h sáng hôm sau mới bắt đầu héo. Giống mới này có hoa nhỏ hơn, thân cũng nhỏ và phát triển thấp hơn giống cũ.

Đàm hoa nhất hiện - hoa chỉ nở thoáng qua.

Quỳnh đỏ (Epiphyllum ackermannii)

Về kích cỡ, cả cây và hoa đều nhỏ hơn loại màu trắng phía trên. Hoa có màu đỏ hoặc hơi ánh cam.

Các màu sắc khác

Ngoài 2 màu tiêu biểu trên, càng về sau này càng có nhiều màu hoa quỳnh được lai tạo ra. Có thể kể đến như: cam, vàng, hồng, tím… Ở mỗi màu lại có các giống có màu đậm nhạt khác nhau. Ngoài ra dân chơi hoa quỳnh còn ghép nhiều màu quỳnh lên cây thanh long tạo ra những chậu quỳnh nhiều màu sắc. Nhiều người đã nghĩ những chậu hoa nhiều màu này là giống mới được lai tạo ra, nhưng thực tế việc ghép này không tạo ra giống mới. Giống như việc người ta ghép hoa hồng ngoại lên các gốc hồng dại, để tạo ra các gốc hồng phù hợp với điều kiện khí hậu hay vì mục đích cụ thể khác.

Cây được ghép để cho nhiều màu sắc.

Phân loại hoa quỳnh theo thời gian nở

Hoa dạ quỳnh

– hoa nở về đêm

Đóa dạ quỳnh trắng muốt khe khẽ mở cánh làm bừng lên trong lòng người ta một thứ cảm xúc trong veo và thanh tân lạ kỳ. Đóa hoa sáng rực thắp lên trong tâm hồn những phút giây lãng mạn và hạnh phúc. Hương thơm của hoa dạ quỳnh lan tỏa trong không gian đêm sâu lắng, đọng lại biết bao điều đẹp đẽ.

Hoa dạ quỳnh chỉ nở về đêm, kéo dài từ 8 giờ tối chầm chậm đến 3 giờ sáng, càng về gần sáng càng nở rộ. Cây thường ra hoa vào khoảng tháng 7, tháng 8. Một khi đã ra hoa, cây cũng sẽ lặp hoa trong năm. Tuy nhiên, vì cây chỉ ra hoa một đêm rồi tàn nên nếu cần dùng tới hoa để làm thuốc, bạn nên tranh thủ thu hái, phơi khô và bảo quản nơi thoáng mát.

Một cây quỳnh trưởng thành cho rất nhiều hoa.

Trên thực tế, dạ quỳnh chỉ có màu trắng và có 2 loại:

(1) loại hoa lớn khi hoa nở đường kính đạt tới khoảng 20cm thì dần tàn. Thời gian nở kéo dài khoảng 2 tiếng. Hoa mang sắc trắng tinh khôi sẽ tàn trước khi trời sáng.

Dạ quỳnh hoa lớn thường nở về đêm và tàn trước khi trời sáng.

(2) dạ quỳnh lâu tàn, cũng nở ban đêm, tới khoảng 9h sáng thì héo rũ. Loại này có kích thước thân và hoa bằng 1/2 so với dạ quỳnh hoa lớn (1). Chiều cao của chúng cũng thấp và mềm hơn nên phù hợp treo chậu hơn.

Dạ quỳnh lâu tàn có kích thước hoa nhỏ hơn, nở về đêm và tàn lúc 9h sáng.

Hoa nhật quỳnh

Vì si mê vẻ đẹp của hoa nở về đêm, nhiều người đã tha thiết được ngắm hoa quỳnh nở. Nhưng không phải ai cũng đủ thời gian và kiên nhẫn chờ hàng đêm. Hiểu được nỗi mong muốn to lớn này, người ta đã lai tạo ra nhật quỳnh – nở vào cả đêm và ngày. Thời gian nở của hoa kéo dài tới 3 – 4 ngày đủ để chiều chuộng tình yêu của nhiều người với loài hoa tuyệt sắc giai nhân. Giống hoa mới này có màu đỏ, hồng, cam, vàng, tím…

Nhật quỳnh

Hoa thanh long, hoa tiểu quỳnh có gì khác hoa quỳnh?

Vì cùng họ xương rồng nên 3 loại hoa này đôi khi bị nhầm lẫn với nhau. Mộc Nhiên Farm sẽ giúp các bạn phân biệt nhé:

Tiểu quỳnh - hoa quỳnh - hoa thanh long: khác nhau về kích thước thân và hoa.

Hoa thanh long

Hoa thanh long cũng nở vào ban đêm như dạ quỳnh, có hương thơm. Hoa lớn hơn so với kích cỡ lớn nhất của quỳnh. Hoa màu vàng lục hoặc hơi trắng ngà. Mỗi đốt trên thân có thể dài từ 30 – 120cm.

Hoa thanh long.

Hoa tiểu quỳnh

Đây là một chi của xương rồng, danh pháp khoa học là Schlumbergera. Vì thường ra hoa trước lễ Tạ ơn và lễ Giáng sinh nên chúng được gọi là Christmas cactus, Thanksgiving cactus. Ở Việt Nam, chúng được biết đến với tên gọi tiểu quỳnh hoặc lan càng cua.  

Cây có chiều cao thấp, khoảng dưới 1m. Ở nơi hoang dã, chúng mọc trên loài cây hoặc đá khối. Về sau, cây được đem trồng ở vườn nhà với kích thước nhỏ để làm cảnh. Chúng khá phổ biến ở các cửa hàng hoa kiểng, trồng trong chậu nhỏ đặt nơi bàn làm việc có ánh sáng hoặc chậu treo cao.

Hoa tiểu quỳnh có màu sắc khác nhau, đường kính hoa nhỏ hơn nhiều so với hoa quỳnh.

Tiểu quỳnh thường ra hoa vào mùa thu đông, trong khi đó hoa quỳnh nở vào khoảng hè thu. Mùa hoa tiểu quỳnh kéo dài khoảng 2 tháng nếu giữ nhiệt độ ổn định. Hoa có rất nhiều màu sắc thú vị.

Kích thước hoa khoảng 5 – 7cm, nhỏ hơn hoa quỳnh rất nhiều. Thân có nhiều đốt ngắn, mảnh. Thân mềm nên thường rủ xuống.

Tiểu quỳnh hay được trồng vào chậu nhỏ hoặc chậu treo và để nơi có ánh sáng hắt vào.

Ý nghĩa của hoa quỳnh

Sự tích hoa quỳnh chỉ nở về đêm

Có câu chuyện ở Trung Quốc kể về vị hôn quân Tùy Dạng Đế. Một  đêm nọ, khi ngủ, ông mơ thấy một loài hoa rất đẹp. Cũng trong đêm đó, tại thành Lạc Dương có một luồng ánh sáng tỏa ra mùi hương quyến rũ. Sáng hôm sau, người ta tìm thấy một bông hoa màu trắng ở giếng nước trong thành, mùi hương tỏa ra rất xa. Tin đồn tới tai vua, ông liền vội vã tới thành. Nhưng khi vừa đến thì đóa hoa tàn mất. Quá tức giận, nhà vua nhổ bỏ cây hoa ngay lập tức. Từ đó, loài hoa này vẫn xuất hiện nhưng chỉ nở về đêm, gần sáng thì tàn. Dân gian đặt tên là hoa quỳnh.

Đóa hoa quỳnh trắng nở trong đêm quyến rũ.

Tuy có nhật quỳnh nở ban ngày nhưng đóa dạ quỳnh nở về đêm vẫn là nét đặc trưng. Chúng còn được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm vì vẻ đẹp tuyệt mỹ. Tuy chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng lại làm biết bao người si mê. Khi nghĩ về hoa quỳnh, người ta thường nghĩ đến những nét đẹp chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Hoa cũng như lời nhắc nhở sự trân trọng cái đẹp, và niềm hạnh phúc khi chiêm ngắm cái đẹp ấy tuy thoảng qua nhưng lưu luyến mãi.

Tuy đã có nhật quỳnh nở cả đêm lẫn ngày, người ta vẫn ấn tượng hoa quỳnh là loài hoa nở về đêm.

Ý nghĩa linh thiêng của dạ quỳnh

Hoa còn có tên gọi là Brahmakamal. Theo thần thoại Hindu, loài hoa này được đặt tên theo vị thần của sự sáng tạo – Brahma. Truyền thuyết kể lại hoa chỉ nở một đêm trong một năm và kéo dài vài giờ. Nó được coi là một loài hoa linh thiêng. Hoa nở là dấu hiệu của sự may mắn và thịnh vượng, vì thế không phải ở nhà nào hoa cũng nở. Người ta còn truyền miệng nhau rằng nếu cầu nguyện khi bông hoa đang nở thì mọi ước nguyện sẽ được hoàn thành.

Loài hoa linh thiêng.

Hoa quỳnh và ý nghĩa tượng trưng

Ngày xưa, người ta thường trồng hoa quỳnh và cây giao (Euphorbia tirucalli) tựa vào nhau. Sự phối hợp này rất đẹp mắt vì quỳnh gần như không có thân gỗ còn giao lại chỉ có cành khô. Dân gian gọi đây là sự hòa hợp âm dương. Nhiều người đồn rằng hoa quỳnh và cành giao là một cặp đôi. Ở bên cạnh cành giao, quỳnh sẽ thơm, hoa nở nhiều hơn và xinh đẹp hơn nhiều. Tuy chỉ là một thói quen kết hợp cây nhưng người xưa lấy đó thành câu chuyện kể, tạo nên ý nghĩa về tình yêu đẹp đẽ.

Hoa mang nét đẹp vĩnh cửu của khoảnh khắc ngắn ngủi.

Ứng dụng của hoa

q

uỳnh trong y học

Tổng quan về tác dụng của hoa

Trước đây, người dân ở các nước đang phát triển thường tìm các nguồn thuốc trong cây cỏ và tự nhiên. Hoa quỳnh là một trong những loại thuốc hiệu quả với một số bệnh. Nhiều người xưa dùng như thuốc bôi trị mẩn ngứa, trị sốt, trị ho ra máu và phù nề.

Cây không chỉ phù hợp trồng làm cảnh mà còn là vị thuốc quý cho gia đình.

Hoa có vị ngọt, tính bình, có tác dụng làm mát phổi, giảm cơn ho, giảm sưng viêm. Hoa được dùng hỗ trợ chữa các bệnh về đường hô hấp. Thân cây có xíu vị mặn, tính mát, hỗ trợ giảm đau và giảm sưng viêm.

Theo y học hiện đại, cây quỳnh có tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn. Thân cây được sử dụng để chữa bệnh cổ chướng và bệnh tim, giảm mỡ máu. Hoa giúp cho vết thương mau lành, giảm đau và trung hòa máu đông. Quỳnh còn hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa và rối loạn tiết niệu.

  • Bộ phận sử dụng: thân, hoa

  • Các hình thức sử dụng: dịch chiết cây tươi, phơi khô, làm trà, ngâm rượu

  • Thời điểm thu hái: ngay khi hoa nở

Các bộ phận của cây đều tốt cho sức khỏe.

Hoa quỳnh được sử dụng dưới các hình thức sau:

  • Khô

  • Trà

  • Dịch chiết cây tươi

  • Ngâm rượu

  • Nấu canh

Cách ngâm rượu

  • Nguyên liệu: hoa tươi hoặc khô, rượu gạo.

  • Thời gian ngâm: có thể dùng sau 20 ngày, càng lâu càng tốt, để dùng lâu năm

  • Tác dụng: xoa bên ngoài chữa đau bụng, giảm bầm tím; ngậm chữa ho

  • Liều dùng: ngày 2 lần, mỗi lần 1 – 2ml.

Ngâm rượu hoa quỳnh để xoa bóp và để uống.

Các bài thuốc từ hoa quỳnh

Mộc Nhiên Farm tổng hợp một số bài thuốc theo dân gian. Đây không phải là các hướng dẫn trị bệnh. Vui lòng tham khảo ý kiến thầy thuốc nếu cần.

  • Chữa viêm phế quản:

     

    10 – 30gr hoa tươi nấu với một ít thịt nạc, sử dụng như món ăn hàng ngày.

  • Chữa ho có đờm, hen:

     chưng cách thủy hoa tươi với mật ong; hoặc nấu hoa quỳnh với trứng gà.

  • C

    hữa viêm họng:

     

    • Nguyên liệu: 30gr hoa quỳnh, 10gr lá xương rồng, 10ml mật ong

    • Cách thực hiện: rửa sạch, thái nhỏ, chưng cách thủy khoảng 15p. Lấy ra để nguội, dùng mỗi ngày 2 lần.

Đây là vị thuốc được sử dụng phổ biến.

  • Chữa suy nhược cơ thể:

      30gr hoa quỳnh, 30gr hoa kim tước, 30gr hà thủ ô, 50gr đỗ trọng. Đem sắc để lấy nước uống.

  • Chữa đau bụng, vết thương bị sưng, đau:

     Ngâm một lượng rượu với hoa tươi trong vòng 10 – 15 ngày. Mỗi ngày uống 1 – 2 ml/ lần.

  • Chữa các bệnh về sỏi thận và bàng quang:

    ướp hoa tươi với mật ong, sao lên. Dùng khoảng 20gr pha nước uống.

  • Chữa

     bệnh đái tháo đường: hoa quỳnh, 20gr diếp cá, 20gr kim tiền thảo, 10gr rễ cỏ tranh. Sắc lấy nước uống.

Trồng quỳnh đâu chỉ để ngắm, còn để thu hái và dùng chữa bệnh.

  • Bổ phổi:

     30gr hoa quỳnh và 30gr hoa bách hợp.

  • Trị đinh nhọt, sưng đau

    : ngoài việc dùng rượu xoa, có thể giã nát hoa đắp lên vị trí đau.  

  • Trị tử cung xuất huyết:

    2 – 3 hoa quỳnh, 50 – 100gr thịt heo phần nạc. Chưng cách thủy. Dùng với cơm.

Lưu ý khi sử dụng hoa quỳnh

Những thông tin trong bài được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bất kể dược tính tốt như thế nào, việc điều trị bệnh luôn cần hướng dẫn chuyên môn của thầy thuốc. Riêng một số trường hợp sau cần đặc biệt cẩn thận:

  • Người dễ dị ứng và mẫn cảm về da, thức ăn, đồ uống.

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú

  • Không sử dụng chung với các loại thuốc khác, trừ khi có ý kiến của bác sĩ.

Lưu ý khi sử dụng để chữa bệnh.

Cách trồng

cây

hoa quỳnh

Vì thuộc họ xương rồng, vốn dĩ sống nơi sa mạc hoặc dưới các tán cây nhiệt đới, nên chúng khá dễ trồng.

  • Đất trồng: cây khá dễ tính, không đòi hỏi nhiều về sự chăm sóc. Tuy nhiên để cây phát triển tốt nhất thì giá thể nên tơi xốp và thoát nước tốt. Đất mùn, xỉ than, vỏ đậu, trấu hun… đều hỗ trợ cho một giá thể nhẹ và thoáng.

  • Ánh sáng: phù hợp khí hậu mát mẻ, có thể đặt cây ở dưới những tán cây lớn. Cần tránh ánh nắng quá gay gắt. Nhiệt độ phù hợp cho hoa quỳnh là 17 – 28 độ C.

Cây chịu hạn nhưng không chịu úng, cũng không cần chăm sóc quá kỹ.

  • Tưới nước: nếu bị úng, cây quỳnh sẽ rất nhanh chết. Vào mùa mưa, nên tránh đặt cây dưới mưa lớn. Vì thân của giống cây này mọng nước, nếu ngập úng sẽ bị hư thối và không cứu vãn kịp.

  • Bón phân: nếu giá thể đã đủ dinh dưỡng, cây gần như không cần phải bón phân thường xuyên. Sau khoảng 2 – 3 tháng, bón phân bổ sung với liều lượng vừa phải là đủ.

  • Giâm cành: cây được nhân giống bằng cách giâm cành. Chọn những cành không quá già, không quá non, với độ dài khoảng 30cm.

Kết luận

Dù rất lâu mới nở nhưng rất nhiều người ước ao được một lần tận mắt ngắm khoảnh khắc đó. Hoa quỳnh còn là cảm hứng sáng tác của biết bao nghệ sĩ thơ và nhạc. Quá nhiều sự yêu mến đủ để thấy được sự quý giá của loài hoa này.

Đời của hoa thơm ngát
Con ong nào biết đâu
Hoa nở trong lặng lẽ
Âm thầm vào đêm sâu
E ấp mà kiêu hãnh
Hoa nghiêng trong trăng sao
Như đàn thiên nga nhỏ
Sắp bay lên trời cao
(Bài thơ Hoa Quỳnh – Lâm Thị Vỹ Dạ)

Những đóa hoa trong đêm trắng muốt tỏa sáng cả góc vườn.

©Copyright by Moc Nhien Farm

Rate this post

Viết một bình luận