Với vẻ đẹp dịu dàng như những đám mây hồng, mỗi khi nở rộ tầm xuân khiến bao người xao xuyến. Ngoài nét đẹp như thiếu nữ tuổi đôi mươi, tầm xuân còn là thảo dược quý trong y học. Vậy hoa tầm xuân là hoa gì? Cách trồng cây tầm xuân ra sao? Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1/ Sự tích, ý nghĩa của hoa tầm xuân
Sự tích hoa tầm xuân
Sự tích hoa tầm xuân là một câu chuyện rất cảm động về tình cảm chị em: Ngày xưa, có hai chị em mồ côi cha từ nhỏ. Hàng ngày cô chị phải vào rừng chặt củi bán lấy tiền nuôi em. Một hôm, nhân lúc cô chị đi vắng, một con quỷ đã bắt cậu em cho vào lồng và treo lên cành cây cao được bao quanh bởi một loại dây leo rất nhiều gai. Cô chị vì quá thương em nên chẳng quản gai sắc cào nát da thịt đã dũng cảm bám dây leo lên cứu em trai mình. Những giọt máu đào của chị rơi đến đâu thì nở thành những chùm hoa làm đẹp cho dây leo đến đấy. Có lẽ vì vậy, người đời sau còn gọi hoa tầm xuân là hoa chị em (tỉ muội). Qua câu chuyện trên, ngoài giá trị làm thuốc của tầm xuân, hẳn người ta còn thêm yêu loài hoa này vì vẻ đẹp tinh thần của nó.
Ý nghĩa của hoa tầm xuân
Hoa tầm xuân (hoa hồng leo) từ lâu đã xuất hiện trong những bài ca dao, dân da của Viêt Nam. Hơn nữa nó còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ, thi sĩ…
Không những đẹp hoa tầm xuân còn có ý nghĩa sâu sắc. Nó biểu tượng cho tình cảm chị em, anh em gắn bó như keo sơn dù trải qua bao khó khăn vẫn luôn ở bên nhau.
2/ Tầm xuân là cây gì?
Cây tầm xuân có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam cách đây nhiều năm về trước.
Trong dân gian, tầm xuân hay còn biết đến là hồng tầm xuân. Đây là một loại hoa hồng dại, dạng dây leo có sức sống mãnh liệt. Ngoài ra còn được gọi với tên như: Dã tường vi, thập tỉ muội, ngưu cúc, thích hoa… Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn giữa tầm xuân và hoa hồng gai, bởi chúng có vẻ ngoài tương đối giống nhau.
3/ Đặc điểm của cây tầm xuân
Phân loại
Có 2 loại, chính là tầm xuân cánh đơn và cánh kép.
Đặc điểm thực vật học
– Cây dạng bụi và có nhiều gai nhọn toàn thân. Chiều cao trung bình khoảng 1-5 mét. Tuy nhiên, một số cây sống bám vào thân cây khác thì có thể phát triển cao đến tận ngọn của chúng.
– Lá dạng kép lông chim, mỗi lá có 5-7 lá chét nhỏ. Lá màu xanh đậm, gân nổi rõ, nhỏ và dài khoảng 2-5cm. Mép lá có răng cưa và bề mặt có lớp lông tơ nhỏ.
– Hoa có 5 cánh mỏng, đường kính khoảng 4-6cm. Ban đầu hoa có màu hồng nhạt, sau chuyển sang hồng đậm và trước khi tàn có màu trắng.
– Hoa tầm xuân mọc thành chùm và có hương thơm nhẹ nhàng. Trong một năm chỉ nở hoa một lần duy nhất vào mùa xuân, khoảng tháng 2 đến tháng 4 dương lịch.
– Quả khi chín có màu đỏ cam với kích thước khoảng 1,5-2cm.
Đặc điểm sinh trưởng
– Ánh sáng: loại cây ưa sáng.
– Nhiệt độ: ưa khí hậu mát mẻ và sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ từ 15-20 độ C.
– Cây hồng tầm xuân có sức sống mạnh, dễ chăm sóc và không bị sâu bệnh nhiều như các loại hồng khác.
Phân bố
Cây có mặt khắp các nơi trên cả nước. Với đặc điểm sinh trưởng, cây cho hoa quanh năm khi được trồng những nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, SaPa,… Những nơi có khí hậu nóng như miền Nam (Sài Gòn…) cây vẫn sinh trưởng tốt nhưng khó ra hoa hơn. Nếu năm đó, miền Nam có khí lạnh vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 thì ra hoa bình thường.
4/ Cách trồng cây tầm xuân
Thời vụ
Cây sinh trưởng và phát triển tốt trong mùa xuân, khi có khí hậu ấm áp. Do đó, sau Tết Nguyên Đán bắt đầu trồng cây tầm xuân là phù hợp nhất.
Giống trồng
Chọn những cành khỏe mạnh, tròn đều và nổi rõ mầm ngủ. Sau đó, cắt bỏ đoạn ngọn non và đoạn gốc già để mầm mới phát triển khỏe mạnh hơn.
Đất trồng
Do cây có khả năng sinh trưởng cao nên không đòi hỏi quá nghiêm khắc về đất trồng. Nhưng cây không chịu được tình trạng ngập úng. Do đó, đất trồng cần thoáng khí và dễ thoát nước. Tốt nhất là trồng với đất cát pha hay đất thịt nhẹ.
Đất trồng hồng tầm xuân
Nếu trồng chậu,để cây sinh trưởng khỏe mạnh và tiện lợi cho người trồng. Nên sử dụng đất sạch hữu cơ chuyên trồng hoa – kiểng, với các ưu điểm:
– Phối trộn tiện lợi các thành phần hữu cơ
– Nguồn nguyên liệu hoàn toàn sạch mầm bệnh
– Dinh dưỡng đa dạng và đầy đủ trong vòng 60 ngày
– Dồi dào vi sinh vật bản địa với vi sinh vật đối kháng nấm bệnh và phân giải các chất
– Đất tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm tốt và không cần phối trộn thêm các thành phần khác
– Không mùi, tiện lợi, dễ dàng bảo quản và sử dụng
Cách trồng cây tầm xuân
Tầm xuân được trồng bằng cách chiết, giâm hay gieo từ hạt. Cách trồng chậu hoặc trồng đất vô cùng đơn giản, cụ thể:
– Trồng đất: Đây là cách trồng dễ dàng và phù hợp nhất. Sau khi chọn được cành trồng, dùng dao sắc chặt thành nhiều hom dài khoảng 25cm. Cắm nghiêng khoảng 45 độ, sâu 5cm theo hàng ngang cách nhau 50cm, cây cách cây 30cm trên mặt luống. Sau đó tủ cỏ khô hoặc rơm rạ và tưới đủ ẩm.
– Trồng chậu: Cho đất sạch hữu cơ SFARM vào khoảng ⅔ chiều cao chậu. Đặt cây giống vào giữa chậu rồi phủ đất kín. Sau đó, tưới nước cho cây đủ ẩm.
Vị trí trồng hoa tầm xuân
Do cây thuộc họ hoa hồng leo, nên trồng gần cột, hàng rào hay trụ. Hoặc gần những cây thân gỗ để cây thuận lợi leo bám. Vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cây, vừa tạo ra hàng rào tuyệt đẹp cho nhà.
5/ Cách chăm sóc cây tầm xuân
Tưới nước
Cây không cần quá ẩm và không chịu úng. Do đó, lúc trồng không cần tưới quá nhiều nước. Khi trồng đất, vào mùa khô chỉ nên tưới thêm một ít nước. Khi trồng chậu thì 2-3 ngày tưới một lần.
Bón phân
Tầm xuân là loại hồng sinh trưởng mạnh nên không cần bón quá nhiều. Nên bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, lành tính cho cây phát triển khỏe mạnh hơn. Có thể sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ tự ủ hay phân trùn quế. Nên bón 1-2 tháng/lần và tưới nước sau khi bón.
Vào khoảng tháng 9-10 hàng năm, cần bón thêm phân hữu cơ giàu kali để cây phân hóa mầm hoa to và khỏe hơn bình thường.
Làm cỏ
Làm sạch cỏ dại xung quanh cây, cần xới xáo nhẹ nhàng bằng bay nhỏ hoặc dụng cụ chuyên dụng.
Cắt tỉa
Tiến hành tỉa bớt những mầm, chồi nhỏ vào mùa ngủ nghỉ hoặc trước khi ra hoa. Mỗi khóm chỉ giữ lại từ 7-8 cành dài, khỏe để hoa thêm to và đậm sắc. Sau khi hoa tàn nên tỉa bớt 2-3 đốt lá để loại bỏ những mầm tạo hột giúp cây khỏe mạnh.
Khi cây chuẩn bị ra hoa vào mùa xuân, cần tỉa bớt những cành già, mầm phụ và chồi non để cây tập trung cho những khóm hoa rực sắc hơn.
6/ Phòng trừ sâu bệnh cho hoa tầm xuân
Cũng giống như các loại hoa hồng khác, tầm xuân thường xuất hiện các bệnh gỉ sắt, mốc đen, phấn trắng, rệp sáp và nhện đỏ. Khi trên lá xuất hiện các đốm đỏ, cần phun thuốc Boocđô 1% với liều lượng được khuyến cáo để phòng trừ bệnh gỉ sắt. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra và dọn dẹp nơi trồng thoáng mát để côn trùng, sâu hại không có điều kiện phát sinh.
7/ Làm sao để tầm xuân mau ra hoa?
Thông thường, sau 2-3 năm trồng thì tầm xuân mới cho đợt hoa đầu tiên. Để cây ra hoa sớm và say hoa cần cắt tỉa thường xuyên cho cây. Sau khi trồng 1 năm, cần tiến hành cắt tỉa những cành già để cây mau mọc chồi non, nụ hoa. Để cây trĩu hoa và ra hoa nhiều lần trong năm, cần hái hoa khi đã nở.
8/ Tác dụng của cây tầm xuân
Với đặc điểm dạng thân leo và nhiều gai nhọn, tầm xuân được trồng làm hàng rào chống trộm. Ngoài ra còn được trồng làm tiểu cảnh cho nhà thêm sắc xanh và tươi đẹp.
Bên cạnh đó, tầm xuân là vị thuốc quý của y học. Trong y học cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt, giảm nóng, khu phong, lợi thấp, kích thích tuần hoàn máy, tiêu độc và giảm đau. Theo y học hiện đại thì có khả năng chống đông máu, loại bỏ cholesterol, bảo vệ cơ tim và giúp nhanh liền vết thương hở.
9/ Một số hình ảnh vườn hoa tầm xuân đẹp
Vườn nhà Thơm Nguyễn
Vườn hoa tầm xuân nhà Trần Bin
Giàn hoa tầm xuân
Đám mây hồng tầm xuân vô cùng dễ trồng và chăm sóc. Hy vọng với cách trồng cây tầm xuân mà chúng mình chia sẻ sẽ giúp bạn trồng tầm xuân thành công. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!
Sfarm.vn
*Xem thêm
4.8/5 – (17 bình chọn)