Trên thực tế, ngành luật hiện nay vẫn luôn là ngành “hot” bởi nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này ngày càng cao. Học luật không chỉ để làm Luật sư mà còn có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nữa. Hiện nay, khối cơ quan nhà nước và cả khối tư nhân đều rất cần nguồn nhân sự có trình độ kiến thức và hiểu biết về luật pháp.
Ở Việt Nam hiện có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành Luật (tính cả các chương trình học luật online) và cấp bằng cử nhân Luật, với số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm lên tới hàng nghìn người.
Có thể nói, tốt nghiệp cử nhân Luật chỉ là điều kiện cần cho nhiều lĩnh vực công tác khác nhau và là đầu vào để tham gia đào tạo chuyên sâu cho các vị trí khác, như thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm sát viên, chấp hành viên thi hành án dân sự.
Sau khi tốt nghiệp ngành luật, các cử nhân Luật sẽ lựa chọn ngành nghề phù hợp, sau đó tham gia học tiếp các khoá đào tạo chuyên sâu về kỹ năng rồi mới được công nhận đủ điều kiện hành nghề.
Bên cạnh đó, rất nhiều cử nhân Luật lựa chọn công việc trong các lĩnh vực khác, như cán bộ pháp chế trong các doanh nghiệp; giảng viên, giáo viên trong các trường trung cấp, cao đẳng hoặc đại học; hoặc cũng có thể tham gia các công việc trái ngành như báo chí, kinh doanh, hành chính – nhân sự với những vị trí cần kiến thức về luật.
Một lựa chọn thường gặp nữa là về địa phương làm công chức trong khối cơ quan hành chính – sự nghiệp.
Nói chung, trong hầu hết ngành nghề và vị trí công tác thuộc lĩnh vực kinh tế – khoa học xã hội, cử nhân Luật đều có thể làm tốt và gặt hái thành công. Các vị trí quản lý và lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước hiện nay đều được yêu cầu tham gia các khoá học chuyên sâu về Luật. Có chứng chỉ, bằng cấp chuyên ngành Luật là một điều kiện ưu tiên trong quá trình xem xét bổ nhiệm.
Theo quy định, tùy từng nhóm ngành nghề mà cử nhân Luật sẽ phải qua quá trình đào tạo khác. Ví dụ: Để hành nghề Luật sư, cử nhân cần tham gia khoá đào tạo kỹ năng hành nghề Luật sư ở Học viện tư pháp trong một năm, sau đó tham gia kỳ thi của Bộ Tư pháp, qua được kỳ thi sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Còn đối với chức danh thẩm phán, cần tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ thẩm phán của Học viện Tư pháp hoặc Học viện Tòa án. Quy định này không chỉ ở Việt Nam mà các nước cũng khá giống nhau.
Một điều chắc chắn là học luật không chỉ để làm Luật sư mà còn có thể làm nhiều việc khác nhau, không chỉ thuộc khối cơ quan nhà nước mà còn thuộc khối tư nhân. Nhưng thử thách cũng sẽ rất nặng nề, không phải ai học luật ra cũng có thể thành công. Là công việc đòi hỏi có quan hệ và tương tác trực tiếp với cộng đồng nên những người hành nghề luật cần những kỹ năng không chỉ về luật mà còn đòi hỏi hiểu biết về chính sách Nhà nước, tâm lý học, kinh tế học, xã hội học và nhiều chuyên ngành khác như luật kinh tế. Đã có nhiều người vượt qua được những cửa ải khó khăn như vậy và thành danh trong cuộc sống
Luật là bộ môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có quan hệ mật thiết các vấn đề liên quan đến con người, quản lý con người và quản lý xã hội. Người được đào tạo chuyên ngành Luật được tiếp cận, nghiên cứu sâu và được trang bị các phương pháp luận về thế giới quan để quản lý con người và quản lý xã hội, có khả năng tư duy sâu sắc, khách quan, có hệ thống, tỉnh táo trước các hiện tượng xã hội và hành vi của con người.
Không chỉ biết cách nắm bắt các quy luật nhận thức và quy luật hành động của con người, những người tốt nghiệp ngành Luật còn được trang bị những kỹ năng cần thiết để đưa ra các phương án, giải pháp giải quyết bài toàn về tồn tại xã hội
Chính vì vậy, cơ hội cho những người học luật ngày càng trở nên rộng mở và rõ ràng hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.