Học địa lý là học những gì ?

Đối với những quốc gia phương Tây như Pháp, Anh, địa lý là môn học quan trọng để dẫn dắt thế hệ trẻ hiểu được những thách thức và cơ hội trong bối cảnh thế giới vô cùng phức tạp.

Chẳng hạn chương trình dạy địa lý ở Pháp xây dựng xuyên suốt từ tiểu học đến THPT đi từ những khái niệm cơ bản đến phát triển tư duy về địa chính trị, từ đó phát triển và củng cố tư duy logic.

Theo website của Bộ Giáo dục Pháp, ở cấp THCS, HS được dạy về đất đai, sự phân bổ dân cư theo vùng miền, phát triển bền vững, sống như thế nào để hòa hợp thiên nhiên, mối quan hệ giữa con người và các nguồn tài nguyên. Các lớp cuối cấp đề cập những vấn đề rộng như lãnh thổ trong thời đại toàn cầu hóa, những vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa…

Chương trình THPT xoáy sâu vào sự phát triển bền vững, vai trò của các vùng miền đối với sự sống của con người, tầm quan trọng của nước, vai trò của năng lượng, các vùng biển và những khu vực đối mặt với thảm họa thiên nhiên, địa chính trị. Đến năm cuối cấp THPT, nội dung khai thác các khía cạnh phức tạp của toàn cầu hóa và địa chính trị, ảnh hưởng của các cường quốc…

Còn Bộ Giáo dục Anh cũng nêu rõ mục đích của môn địa lý trong chương trình phổ thông là cung cấp cho HS các cơ hội hiểu thêm về thế giới, những thách thức mà thế giới phải đối mặt. Nội dung từng khối lớp hướng HS tìm hiểu về các quá trình thay đổi của địa lý, làm sáng tỏ những tác động và sự thay đổi trong mối quan hệ giữa con người và môi trường… Môn học này còn giúp HS phát triển nhiều kỹ năng như điều tra và phương pháp tiếp cận nghiên cứu thực địa, sử dụng bản đồ và hệ thống thông tin (GIS)… Đặc biệt môn học này giúp HS trở thành những công dân toàn cầu, có hiểu biết và quan tâm về môi trường.

Trong thời đại công nghệ đang cực thịnh, chuyện dạy và học môn địa lý càng thay đổi theo hướng thực tế. Tờ The New York Times từng đăng tải đề xuất của HS về môn học này theo hướng kết hợp các hệ thống đồ họa, mô hình trên máy tính, bản đồ các loại, tin tức xảy ra tại các vùng miền để kết nối với điều kiện địa lý, xã hội của vùng đó.

Như vậy rõ ràng đối với các nước, địa lý không chỉ là những địa điểm có tên trên bản đồ mà còn về con người, văn hóa, lịch sử của từng vùng miền; các tác động về thiên tai đến cuộc sống con người và cách đối xử của nhân loại đối với tự nhiên đã làm thay đổi bề mặt địa lý, hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế như thế nào. Có thể nói, nắm vững địa lý sẽ giúp thế hệ tương lai hiểu hơn về quá khứ, hiện tại và tương lai của toàn cầu, cũng như vai trò của từng địa phương đối với phần còn lại của thế giới.

Rate this post

Viết một bình luận