Những tiếng trống tùng dinh, những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu và mâm cỗ trông trăng đang đến gần. Bạn muốn làm bánh trung thu với nhân bánh thật ngon? Bạn có đồng ý là một chiếc nhân ngon sẽ cho ra một chiếc bánh trung thu đậm vị hoàn hảo? Để chuẩn bị cho dịp Tết Đoàn viên ấm cúng này, bạn hãy thử trổ tài làm các loại nhân bánh Trung thu đặc biệt dưới đây nhé!
1. Bánh Trung thu nhân thập cẩm
Bánh Trung thu nhân thập cẩm theo công thức truyền thống vẫn luôn được lòng cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Hương vị trong bánh nướng và bánh dẻo đều rất ngon và hấp dẫn. Nguyên liệu phần nhân được kết hợp một cách tinh tế và chế biến rất cầu kỳ.
Trước khi đem trộn lại thành nhân, những thành phần này được sơ chế theo nhiều cách khác nhau. Từ đó tạo nên hương vị phong phú, thơm ngon. Chất chứa trong đó là tuổi thơ của biết bao thế hệ.
Nguyên liệu làm nhân bánh Trung thu thập cẩm
-
Phần nhân thập cẩm: 3 lá chanh thái sợi nhuyễn hoặc băm nhỏ, 50g mỡ đường, 60g hạt điều rang, 60g lạp xưởng loại ngon, 60g mứt bí, 60g mứt sen, 60g hạt dưa, 60g vừng rang.
-
Phần nước sốt: 1/2 muỗng cà phê xì dầu, 10ml rượu trắng loại ngon, 30g bột nếp rang, 30g đường trắng mịn, 30g mật ngô hoặc mật mía, 30g nước lọc, 5ml dầu mè.
Cách sên nhân bánh
-
Thái hạt lựu tất cả nguyên liệu rồi trộn với phần nước sốt đã làm (trừ bột nếp rang).
-
Từ từ cho từng thìa bột nếp rang vào phần nhân đã chuẩn bị và trộn đều. Nếu thấy nhân chưa đủ độ kết dính thì có thể cho thêm rượu hoặc siro ngô. Nếu phần nhân quá ướt thì cho thêm bột nếp rang.
-
Trộn đến khi nào dùng thìa thử ép nhân vào thành tô mà thấy nhân kết dính lại thành một khối là đạt yêu cầu.
-
Chia nhân thành những phần bằng nhau phù hợp với khối lượng của vỏ bánh và khuôn. Cuối cùng vo tròn lại là hoàn thành.
2. Bánh Trung thu thập cẩm chay
Đối với những người yêu thích bánh Trung thu nhưng cần kiêng ngọt hoặc muốn giữ được vóc dáng cân đối. Thì bánh Trung thu thập cẩm chay vừa ngon miệng, vừa dinh dưỡng là sự lựa chọn hoàn hảo. Về cách thức, tương tự như cách làm bên trên nhưng khác một chút về nguyên liệu. Bạn hãy thay thế lạp xưởng bằng sườn non chay và nấm đông cô. Cụ thể:
-
Đem ngâm nấm đông cô trong nước sôi trong khoảng 1h. Sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo nước, vắt cho khô.
-
Sườn non chay muốn mềm thì ngâm trước với nước lạnh, vớt ra để ráo.
-
Nấm đông cô và sườn non đều đem cắt hạt lựu cho vào nồi xào với một chút dầu ăn cho săn lại. Trộn đều cùng các nguyên liệu khác và phần nước sốt đã chuẩn bị. Tiếp tục với các bước như trên.
3. Bánh Trung thu thập cẩm gà quay
Nguyên liệu làm bánh Trung thu thập cẩm nhân gà quay khá giống với bánh trung thu thập cẩm cổ truyền. Chỉ khác là cho thêm thịt gà quay xé sợi vào. Rồi tiến hành trộn các phần nguyên liệu lại với nhau sẽ có được nhân bánh thượng hạng. Phần nhân có thêm thịt gà vừa thơm ngon, mềm và rất bùi. Chắc hẳn sẽ làm siêu lòng những ai thích nhân mặn đấy.
4. Bánh Trung thu thập cẩm trứng muối
Trong các loại nhân bánh Trung thu đặc biệt, thập cẩm trứng muối không thể vắng mặt trong mâm cỗ trông trăng của nhiều gia đình. Mỗi người có thể tạo ra nhiều loại nhân khác nhau, tùy theo sở thích của mình. Thông thường phần nhân sẽ giống bánh thập cẩm truyền thống. Chỉ khác là có thêm trứng muối ăn cho đậm vị. Tất cả nguyên liệu đều được chế biến theo từng công đoạn riêng.
5. Bánh Trung thu nhân đậu xanh
Các loại nhân thập cẩm tuy rất được ưa chuộng và không kén người ăn. Nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy hơi ngấy. Vì thế bánh Trung thu nhân đậu xanh sẽ là sự thay thế hoàn hảo. Bánh có vị ngọt thanh, bùi bùi, tan dần trong khoang miệng.
Để làm được phần nhân sánh mịn là sự kết hợp của các nguyên liệu. Ví dụ như: đậu xanh, dầu ăn, đường trắng, bột mỳ, rượu, bột bánh dẻo, xí dầu, dầu mè. Đặc biệt, đậu xanh phải lựa kỹ lưỡng, ngâm trong nước nhiều giờ rồi đem xay nhuyễn. Và để tạo nên nét riêng biệt, bạn cũng có thể cho thêm trứng muối vào để khi cắt bánh ra trông bắt mắt và ngon miệng hơn.
6. Bánh Trung thu nhân trà xanh
Trà xanh rất tốt cho sức khỏe nên cũng được tận dụng làm nguyên liệu chế biến bánh Trung thu. Thành phần của bánh trung thu trà xanh bao gồm nhiều nguyên liệu. Như: trà xanh, bột mì, sữa tươi, nước đường và sử dụng nhân đậu xanh, dừa hoặc hạt sen.
Đây là hương vị mới lạ, thơm nồng mùi trà xanh, nhẹ nhàng, thanh mát. Nhâm nhi cùng tách trà nóng thì hết ý. Cách làm nhân cũng rất đơn giản:
-
Vo sạch đậu xanh và ngâm nước 2 tiếng cho mềm rồi đem nấu chín.
-
Sau đó cho vào cối giã thật nhuyễn rồi đổ đậu ra chảo. Cho thêm đường trắng, dầu ăn trộn đều, bật bếp lửa nhỏ để xào nhân. Lưu ý trong quá trình xào đảo đều tay và liên tục. Tiếp theo, cho bột nếp vào đảo đều.
-
Khuấy bột trà xanh với nước sôi. Khi nhân đã nhuyễn mịn không dính chảo thì cho nước bột trà xanh vào trộn thật đều. Sên tiếp 10 phút nữa là được.
-
Cuối cùng, để nhân nguội bớt thì vo tròn thành từng viên nhỏ.
7. Bánh trung thu nhân khoai môn
Bánh trung thu nhân khoai môn đang là cái tên khá hot trên thị trường bánh Trung thu năm nay. So với nhân thập cẩm hay đậu xanh thì nhân khoai môn có mùi vị riêng, không gây ngán mà màu sắc lại lạ mắt.
8. Bánh trung thu nhân dừa
Chúng ta có thể làm bánh Trung thu nhân dừa với cách thức giống như bánh trung thu nhân đậu xanh. Thay thế đậu xanh thành dừa bào và thực hiện các bước tương tự.
9. Bánh trung thu nhân sữa dừa
Không có lý gì bạn bỏ qua chiếc bánh Trung thu nhân sữa dừa thơm lừng trong ngày Rằm tháng 8 năm nay. Vỏ bánh mềm dẻo quyện cùng lớp sữa dừa bùi béo, giòn giòn đầy thú vị. Bạn sẽ khó lòng cưỡng lại được khi thử miếng đầu tiên đấy.
Cách thực hiện phần nhân cũng không quá phức tạp. Chỉ mất chưa tới 1h chuẩn bị với nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm, sẽ giúp bạn có thêm hứng thú để hoàn thành.
-
Đổ sữa đặc vào phần dừa nạo sợi, trộn đều và để trong 30 – 45 phút cho ngấm. (Gia giảm lượng sữa tùy khẩu vị)
-
Cho nước cốt dừa vào chảo chống dính và đun ở mức lửa vừa. Đến khi nóng và có hơi nước bay lên thì cho phần hỗn hợp dừa đã trộn ở trên vào đảo đều.
-
Đảo liên tục cho tới khi nước bay hơi hết, sợi dừa hơi se lại thì bắc ra khỏi bếp. Chú ý không nên sên nhân quá khô hoặc quá ướt vì bánh sẽ không ngon hoặc nhanh bị hỏng.
-
Rắc từ từ bột bánh dẻo, vừng, vani vào chảo trộn đều. Khi thấy nhân đủ độ dính thì dừng tay.
-
Nặn tròn nhân để sẵn sàng cho vào bánh. Nhân sữa dừa không để được lâu nên bạn sử dụng càng sớm càng tốt nhé!
10. Bánh trung thu nhân trứng muối
Bánh trung thu trứng muối tan chảy có xuất xứ từ HongKong. Và là một trong các loại nhân bánh trung thu đặc biệt được nhiều người Việt ưa chuộng. Vỏ bánh mềm, khi cắt lớp nhân trứng muối bùi béo tan chảy, vàng sóng sánh. Hơn nữa lại thơm nức mùi kem tươi làm biết bao người say mê.
Cách làm món bánh này khá phức tạp, đặc biệt là phần nhân. Tuy nhiên, nếu nắm được công thức dưới đây bạn hoàn toàn có thể trổ tài để chiêu đãi cả gia đình.
Nguyên liệu cho phần nhân bánh
-
150g whipping cream
-
100g nhân sen tươi
-
20g cream cheese
-
30g bơ nhạt
-
30g bột custard
-
50g đường
-
2 quả trứng muối
-
2 quả trứng gà
-
5ml vani
Các bước làm nhân bánh
-
Rây bột custard vào trứng và cho nhân sen tươi vào đánh đều.
-
Cho hỗn hợp whipping cream, bơ nhạt, cream cheese, đường vào nấu sôi nhẹ
-
Sên lửa nhỏ đến khi nhân không dính phới
-
Cho phần nhân này vào các túi nhỏ và đem cấp đông khoảng 2h để nhân cứng lại.
Chú ý: Nhiệt độ nướng thích hợp để phần nhân tan chảy là 180 – 200 độ C trong khoảng 7 phút. Để bánh chín cần nướng đều trong 3 lần. Mỗi lần nướng nên để bánh nghỉ khoảng 30 phút.
11. Bánh Trung thu nhân đậu đỏ
Bánh Trung thu nhân đậu đỏ có khó làm không? Thực tế bánh rất dễ làm, quy trình giống như làm bánh nhân đậu xanh. Đây là sự lựa chọn tốt nhất cho những ai không có lò nướng. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao thì bánh nhân đậu đỏ còn rất dễ ăn, không ngấy như các loại nhân khác. Hợp cho cả người ăn chay, trẻ nhỏ. Bánh sẽ giúp các mẹ có thêm nhiều lựa chọn hơn vào mùa Trung thu này.
12. Bánh Trung thu nhân socola
Socola vốn luôn là món ăn “vạn người mê”, nhất là trẻ nhỏ. Vậy nên một chiếc bánh Trung thu nhân socola sẽ là món quà đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa để thể hiện tình cảm giữa người thân trong gia đình. Cách làm nhân socola không hề khó chút nào!
Nguyên liệu làm nhân bánh:
-
100g đường
-
50g nước
-
130g socola nguyên chất không đường (cắt nhỏ)
-
50g kem tươi
Các bước thực hiện:
-
Hòa tan đường vào nước rồi đun sôi trên bếp khoảng 3 phút. Tắt bếp và để nguội hoàn toàn.
-
Đun sôi kem tươi ở lửa nhỏ rồi tắt bếp và nhanh tay cho phần socola đã cắt nhỏ vào khuấy đều.
-
Khi socola đã tan chảy hoàn toàn thì bạn cho vào ngăn đá của tủ lạnh khoảng 40 phút.
-
Giờ thì vo socola thành từng viên nhỏ sao cho vừa với kích thước bánh nhé!
13. Bánh Trung thu nhân sầu riêng
Các loại nhân bánh Trung thu đặc biệt có rất nhiều lựa chọn. Nhưng phổ biến nhất vẫn là đậu xanh hay thập cẩm. Để đổi vị cho cả nhà, tại sao bạn không thử sáng tạo với phần nhân sầu riêng. “Tín đồ” của loại trái cây nhiệt đới này đâu rồi! Chắc chắn sẽ bị đốn tim bởi món bánh dẻo sầu riêng thanh tao mà thơm nức mũi.
Cách thực hiện:
-
Cho nhân hạt sen và phần thịt sầu riêng tươi vào một cái tô.
-
Bóp đều hai loại nguyên liệu này vào nhau rồi khuấy đều tạo thành một hỗn hợp đồng nhất.
-
Chia nhỏ các phần nhân rồi cuộn tròn vào màng bọc thực phẩm. Định lượng thông thường là 60g/phần nhân.
-
Xếp ra khay rồi bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh trong 40 phút để phần nhân cứng lại.
-
Sau khi làm vỏ bánh xong thì lấy phần nhân đông lạnh trong tủ ra. Đặt vào giữa lớp vỏ bánh vừa cán, bóp đều các góc rồi vê tròn lại.
14. Bánh Trung thu nhân mè đen
Hương vị mè đen khi xay ra sẽ khiến phần nhân beo béo nhưng thanh nhẹ, không quá ngấy. Đặc biệt là có mùi vị đặc biệt khó có thể lẫn vào đâu được. Kết hợp thêm trứng muối mặn mặn kích thích vị giác một cách mãnh liệt. Chưa cần ăn, chỉ cần nhìn thôi cũng thích mê rồi. Để làm bánh Trung thu nhân mè đen, bạn có thể tham khảo công thức sau:
Nguyên liệu
-
140g mè đen
-
45g đường bột
-
55g bơ nhạt
-
40g bột gạo nếp
-
5 lòng đỏ trứng muối cắt đôi
Cách làm
-
Rang mè đen với lửa vừa đến khi dậy mùi thơm rồi trút ra đĩa để nguội.
-
Cho mè đen vào máy xay xay tới khi mè bắt đầu tiết dầu, nhuyễn mịn và đặc lại. Chú ý lấy phới trộn đảo đều để gạt hết phần mè đen dính trên thành máy.
-
Thêm đường và bơ vào xay tiếp tới khi tạo được hỗn hợp đồng nhất và trút ra tô.
-
Thêm bột gạo nếp vào trộn đều tay tới khi được một khối bột dẻo có kết cấu ổn định. (Nếu hỗn hợp hơi nhão, thêm một chút bột nữa vào trộn).
-
Chia khối bột mè đen thành 10 phần bằng nhau và vo thành viên tròn.
-
Lấy cán dàn mỏng viên bột này rồi thêm trứng muối vào giữa và vo tròn lại. Đặt nhân bánh vào tủ lạnh cho cứng là đã hoàn thành.
15. Bánh Trung thu nhân cốm
Cách làm bánh Trung thu nhân cốm đang là từ khóa được nhiều chị em quan tâm. Nhất là khi cốm xanh là thức quà được ưu ái nhất trong mùa thu. Bánh có vị dẻo thơm, ngọt ngào, thoảng hương cốm đặc trưng thật đáng để thưởng thức!
Thông thường, phần nhân sẽ gồm cốm khô/tươi, đường, muối, dầu, nước cốt dừa dừa non, dừa non nếu thích. Nếu sử dụng cốm khô thì bạn nên rửa sạch với nước và để ráo.
Cách thực hiện:
-
Bạn cho cốm, nước cốt dừa, đường, muối vào máy xay cho thật nhuyễn.
-
Đổ cốm ra chảo không dính cùng một chút dầu, muối rồi bắc lên bếp sên với lửa vừa trong 5 phút.
-
Sau đó để lửa nhỏ sên cho đến khi nhân quyện thành một khối không dính chảo.
-
Cho tiếp dừa non bào sợi vào trộn vài phút là tắt bếp. Phần nhân này để hơi nguội và đem vo tròn lại là được.
Nhìn chung, hầu hết các nhân nhuyễn đều có chung một cách làm. Do vậy chỉ cần nắm được cách làm một loại, bạn có thể làm cho các loại nhân còn lại.
-
Ngâm hạt vào nước cho nở. Còn nếu là bột thì hòa tan với nước.
-
Cho hạt/củ/quả vào nồi nấu tới khi nhừ.
-
Xay phần hạt/củ/quả đã nấu cho tới khi được hỗn hợp nhuyễn mịn. Nếu dùng các loại bột thì hòa chung với bột mì và nước cho tới khi tạo được hỗn hợp đồng nhất.
-
Cho đường vào hỗn hợp và trộn đều, gia giảm theo khẩu vị.
-
Sên nhân bằng cách cho hỗn hợp đã xay vào chảo với chút dầu ăn. Đảo liên tục, đều tay tới khi được hỗn hợp nhân sánh quyện vào nhau.
-
Nặn nhân thành các viên tròn đều nhau phù hợp với kích thước khuôn và khối lượng bánh.
Tùy từng loại nhân mà tỷ lệ các thành phần các nguyên liệu sẽ khác nhau, hoặc sẽ có thêm một vài nguyên liệu khác để tạo thêm hương vị.
Công thức làm các loại nhân bánh Trung thu đặc biệt trên đây đều rất đơn giản phải không? Bạn có thể thực hiện ngay tại chính gian bếp của mình. Mùa Trung thu sẽ thêm ý nghĩa, đầm ấm với những chiếc bánh “tự tay làm hết” đấy!
MUA BÁNH TRUNG THU ONLINE