Hành trình lập thân, lập nghiệp của thanh niên cần những gì, học ngành nghề nào… luôn là câu hỏi khó đối với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, các bạn đừng chùn bước mà hãy mạnh dạn “phá rào” với hướng đi mới – học nghề.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019, trong đó, trên 650.000 thí sinh xét tuyển đại học. Trên 279.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%). Như vậy, số học sinh này sẽ lựa chọn hướng đi nào cho bản thân?
Để không “phí thanh xuân”…
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp ở xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội), điều kiện kinh tế của gia đình Nguyễn Văn Dương không mấy khá giả. Chính vì vậy, Dương đã sớm có dự định cho bản thân. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, Dương chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong khi các bạn bè háo hức từng ngày chờ điểm thi thì Dương đã có hơn một tháng học nghề sửa chữa xe máy ở quận Hà Đông. Dương chia sẻ: “Đây là công việc em rất yêu thích. Hơn nữa, qua thực tế cuộc sống và tham khảo ý kiến từ gia đình, em cũng nhận ra nghề này có nhiều cơ hội phát triển ở quê hương. Các cửa hàng, cửa hiệu sửa xe chất lượng ở quê em rất ít”.
Đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ, Dương cần mẫn với từng chi tiết trên chiếc xe khách mang đến bảo dưỡng. Học nghề ở đây, Dương không mất chi phí nhiều vì đổi công để lấy kiến thức. Chiều tối, khi học xong, Dương lại bắt xe buýt về nhà.
Ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn học trường nghề.
“Em vừa đỗ tốt nghiệp THPT. Khi nào có chứng nhận tốt nghiệp, em sẽ nộp hồ sơ đi học trường nghề để có kiến thức bài bản hơn. Khi học xong, em dự tính về mở cửa hàng sửa xe máy ngay tại nhà”, Dương nói.
Cùng chung chí hướng học nghề như Dương, Nguyễn Thanh Loan (quê ở xã Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) cũng chỉ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp. Nhiều bạn khi biết dự định của Loan tỏ ý không tán thành bởi “không được làm sinh viên sẽ phí tuổi thanh xuân”. Tuy nhiên, Loan nghĩ khác: “Em đã nhìn thấy rất nhiều anh, chị tốt nghiệp đại học nhưng vô cùng chật vật khi tìm kiếm việc làm. Nhiều người trong số họ phải đi làm trái nghề, bán hàng online, thậm chí cất bằng đại học đi xin làm công nhân. Như vậy vừa lãng phí thời gian, lại tốn kém tiền bạc. Em quyết định đi học nghề ngay từ khi còn trẻ để rút ngắn thời gian tự lập”.
Loan có dự định đi học nghề may để về “đầu quân” cho các công ty trong khu công nghiệp gần nhà…
Xu hướng chọn trường nghề ngày càng tăng
Đánh giá về thực tế này, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, các em chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký xét tuyển là một xu hướng khá mới trong vài năm trở lại đây. Xu hướng này phản ánh thị trường lao động đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.
Thực tế những năm qua, sau các kỳ thi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề, các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ngay tại trường rất đông. Có những ngành nghề, học sinh, sinh viên còn chưa học xong, doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Tại những buổi lễ tốt nghiệp, thường có từ 80 – 90% học sinh sinh viên được tuyển dụng ngay. Thậm chí, doanh nghiệp đến chậm còn không tuyển được lao động theo yêu cầu. Có được những kết quả này do chính sách về hướng nghiệp, phân luồng của Nhà nước trong những năm qua đã phát huy hiệu quả. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ GD&ĐT và các địa phương, tập trung tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh THPT, THCS. Từ đó, các em có thêm những thông tin bổ ích trong việc lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai của mình, xóa bỏ suy nghĩ đại học mới là con đường duy nhất.
Không gian học tập lý thuyết kết hợp thực hành của sinh viên trường nghề
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được Nhà nước đầu tư khá mạnh mẽ, các điều kiện bảo đảm chất lượng được nâng lên, chất lượng và hiệu quả của các trường nghề đã có khởi sắc rõ nét. Trong hai năm vừa qua, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp luôn đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Sáu tháng đầu năm 2019, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh học nghề khoảng 1,1 triệu người, đạt 48% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 112 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 969 nghìn người. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 200 nghìn lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Theo ông Trương Anh Dũng, năm 2018, có tới 85% học sinh, sinh viên hệ thống giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm, thu nhập ổn định từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Thực tế trên cho thấy, nhu cầu của thị trường về lực lượng lao động có tay nghề đã tăng lên. Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề. Đây là một lực hút hấp dẫn đối với lao động trẻ tham gia giáo dục nghề nghiệp trước khi bước vào thị trường lao động.
Thống kê năm 2018 cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã hợp tác với 753 doanh nghiệp. Trong tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2018 là 113.946 người, có 12.212 học sinh, sinh viên được doanh nghiệp đặt hàng đào tạo từ khi vào học và được tuyển dụng ngay vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Doanh nghiệp phối hợp tham gia xây dựng được 302 bộ chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia giảng dạy 510 ngành nghề; tiếp nhận gần 17.200 học sinh, sinh viên đến thực tập; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được 249 ngành nghề; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở trên 11 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Hội nghị “Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019”, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ, những năm gần đây phụ huynh và học sinh đã có sự thay đổi trong tư duy. Họ không coi đại học là con đường duy nhất mà thấy rằng có thể lựa chọn học nghề, tu nghiệp. Vì vậy, tỷ lệ theo trường nghề ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn cũng cho rằng, chỉ có gắn giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm mới tạo nên hiệu quả bền vững. Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đã tăng cường làm tốt việc này, bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa Sở LĐTB&XH với Sở GD&ĐT. Hiện nay, nhiều trường trung cấp nghề đã được cấp phép đào tạo văn hóa, học viên ra trường có cả bằng THPT và trung cấp nghề.
Với lợi thế là trường Công lập, được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất, thiết bị thực hành thường xuyên được bổ sung, phương pháp đào tạo gắn kết với Doanh nghiệp, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam sẽ là nơi giúp người học thực hiện được ước mơ nghề nghiệp của mình: Tìm được công việc ổn định, mức lương cao, tốn ít thời gian và chi phí đào tạo.
Ban truyền thông.