Là một trong những kỹ năng quan trọng mà mọi sinh viên cần có, ghi chép không chỉ dừng lại ở việc ghi lại đủ các ý được nghe mà cần có chọn lọc và trình bày dễ hiểu. Kỹ năng ghi chép Cornell có thể giúp ích rất nhiều cho sinh viên, giúp việc ghi chép trở nên khoa học và hiệu quả hơn. Cùng Edu2Review tìm hiểu về cách ghi chép này nhé!
Sơ lượt về Kỹ năng ghi chép Cornell
Cornell Notes hay phương pháp ghi chép Cornell là một phương pháp được phát triển vào những năm 1950 bởi giáo sư Walter Pauk thuộc trường Đại học Cornell, nếu bạn chưa biết thì đây là ngôi trường thuộc nhóm những trường tốt nhất nước Mỹ.
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là trình bày nội dung mạch lạc và dễ hiểu. Khi bạn cần tìm bất cứ thông tin nào thì chỉ cần nhìn trên trang giấy là có thể nhanh chóng nắm bắt được nội dung. Chính nhờ ưu điểm này mà kỹ năng ghi chép Cornell có thể dùng trong công việc hàng ngày, kể cả khi bạn đi học trên trường, tham gia các khóa học online, xem video trên mạng, đọc sách…
Phương pháp ghi chép này còn giúp cải thiện kỹ năng ghi nhớ của bạn. Thay vì việc chuẩn bị đề cương theo kiểu truyền thống thì bạn có thể sử dụng kỹ năng ghi chép Cornell để chuẩn bị cho các bài kiểm tra hay bài thi.
Hướng dẫn kỹ năng ghi chép Cornell
Để ghi chép theo phương pháp Cornell, bạn chia tờ giấy thành 2 cột: Cột bên trái (độ rộng khoảng ¼ trang giấy) để ghi các ý chính hoặc các câu hỏi, các từ khóa, cột bên phải (rộng khoảng ¾ trang giấy) để ghi chép những chi tiết liên quan đến ý chính tương ứng ở bên trái. Ở phần cuối của trang giấy, bạn dành khoảng 5-7 dòng để ghi lại bản tóm tắt toàn bộ nội dung những gì mình đã học. Bạn có thể tham khảo hình minh họa dưới đây để hình dung rõ hơn.
Khái quát cách ghi chép theo kiểu Cornell (Nguồn: ivyprep)
Theo hình minh họa ở trên thì thực sự đơn giản đúng không, nó không khác nhiều với cách ghi chép thông thường. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện cách ghi chép đúng quy trình như hình minh họa dưới đây để đảm bảo hiệu quả.
Quy trình ghi chép theo phương pháp Cornell (Nguồn: ivyprep)
- Record: Nội dung của bước 1 này được diễn ra chủ yếu ở trên giảng đường khi bạn nghe và ghi chú nội dung bài giảng. Trên thực tế, bài học tại giảng đường thường được giảng khá nhanh, các sinh viên thường không kịp ghi chép và vừa động não cho những câu hỏi nhanh mà giảng viên đưa ra. Vì thế, yêu cầu tối thiểu của phần này là bạn tốc ký và ghi lại nội dung dưới dạng keyword, các câu tóm tắt.
- Reduce: Đây là nội dung cho phần cột bên trái. Chúng có thể là các ý lớn quan trọng, các câu hỏi được đặt ra trong quá trình giảng bài. Nếu bạn đang ôn tập thì ở mục này bạn có thể tự đặt câu hỏi về những vấn đề mà bản thân còn thắc mắc hoặc các câu hỏi đề cương có sẵn. Hoặc người học có thể chép các câu hỏi trong phần bài tập vào đây để nghiên cứu bài học và tìm ra câu trả lời.
- Recite: Tương ứng với bước 2, đây là câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn đã ghi chú. Nếu bạn có thể đưa ra câu trả lời ngay thì nên ghi ra câu trả lời luôn ở nội dung cột bên cạnh. Nếu bạn chưa biết câu trả lời thì nên để khoảng 5 – 6 dòng để bổ sung sau đó. Khi ôn tập và trả lời câu hỏi, bạn có thể kiểm tra lại những nội dung đã ghi ở bước 1 để tìm ra những gợi ý cho câu trả lời ở bước 2.
- Reflect: Khi đã tiếp thu kiến thức thì việc ôn luyện có vai trò củng cố lại để ghi nhớ hiệu quả hơn. Bạn có thể kết hợp phần này với nội dung ở bước 3 bằng cách tự đề xuất thêm câu hỏi hoặc dành thời gian suy nghĩ cho các câu hỏi chưa được giải đáp.
- Review: Ở bước này, bạn sẽ nhìn lại phần ghi chép một cách tổng quan. Hãy tận dụng các công cụ như bút khác màu, bút highlight, note đánh dấu trang… để có thể làm nổi bật những nội dung quan trọng. Khéo léo hơn thì có thể sử dụng kỹ năng sketchnote để minh họa bằng các hình ảnh ngộ nghĩnh.
Kỹ năng ghi chép Cornell giúp bạn ghi chú mạch lạc hơn (Nguồn: hoctot)
- Recapitulate: Phần cuối cùng là nội dung tóm tắt cho cả bài học. Bạn đừng quá phân vân kỹ năng diễn đạt phải ra sao để có thể tóm tắt ngắn gọn và hay. Đây không phải là một bài tập làm văn để đánh giá kỹ năng viết của bạn, chỉ cần đưa ra một số gạch đầu dòng về các nội dung quan trọng hoặc những câu hỏi mà bạn chưa thể trả lời, cần đầu tư thời gian tìm hiểu.
Ứng dụng của kỹ năng ghi chép Cornell
Không chỉ hỗ trợ trong việc ghi chép và trình bày nội dung, phương pháp Cornell còn có thể giúp bạn ôn luyện hiệu quả theo cách sau:
- Nếu bạn cần rà soát lại các ý chính thì chỉ cần nhìn vào cột bên trái là đủ. Đây được xem là sườn nội dung để bạn có thể nắm bắt nhanh khi bất chợt bị hỏi bài cũ.
- Nếu bạn cần tìm hiểu sâu hơn về nội dung để chuẩn bị đi thi, lấy tư liệu cho một buổi thuyết trình… thì cần nghiên cứu nội dung cột bên phải.
- Bạn cũng có thể lần lượt che phần nội dung bên trái hoặc bên phải để học câu trả lời hoặc luyện tập dự đoán câu hỏi.
- Phần nội dung tóm tắt sẽ là những khái quát để bạn chia sẻ nội dung khi bàn bạc, thảo luận nhóm. Trong trường hợp kiểm tra nhưng bạn không thể nhớ nội dung chi tiết của cột bên phải thì nội dung tóm tắt cũng có thể giúp bạn “vớt vát” được chút điểm cộng.
Kỹ năng ghi chép Cornell đã được chứng minh không chỉ có tác dụng ghi nhớ rất tốt mà còn đặc biệt hữu ích khi muốn áp dụng kiến thức học được vào trong thực tế. Bạn hãy thử áp dụng phương pháp này trong công việc, học tập và cảm nhận sự cải thiện. Chúc bạn thành công!
Khuê Lâm (Tổng hợp)