Điều gì khiến một nữ sinh học giỏi trầm cảm, có ý định tự tử?
Tại buổi tọa đàm về phòng ngừa tự tử ở tuổi vị thành niên đã được Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai) vừa diễn ra, bác sĩ Hồ Thu Yến đã chia sẻ về 1 ca cô bé 15 tuổi bị trầm cảm, có ý định tự tử nhiều lần.
Theo đó, nữ bệnh nhân (sinh năm 2007, ở Hà Nội) đã nhập viện trong tình trạng chán nản, hay khóc, tự ti, bi quan, cảm thấy chán sống, có ý định tự tử. Em cũng đã có hành vi tự làm tổn thương bản thân bằng cách dùng mảnh thủy tinh cứa vào tay chảy máu.
Khai thác tiền sử cho thấy, vào năm lớp 7, em là học sinh giỏi, có bạn bè, tuy nhiên thường bị bạn bè trong lớp trêu chọc, chê bai. Em tự ti vì hình thể bản thân vì cho rằng mình béo, xấu (dù hình thể cao 1m56 nặng 53 cân).
Học tập căng thẳng, ít tiếp xúc, trò chuyện với bạn khiến nữ sinh 15 tuổi chán nản, căng thẳng dẫn đến ý định tự tử. Ảnh minh họa Istrockphoto
Tuy nhiên, từ khi học online, sự tương tác với thày cô, bạn bè càng ít hơn, em càng ngày càng ít bạn nên chán nản, buồn phiền. Học online em cũng không quen nên học hành càng ngày càng sa sút. Em cũng không còn thích tập trung học mà dành thời gian lên mạng kết bạn với người lạ trên mạng, xem mạng xã hội.
Mẹ em sốt ruột nên ép em học nhiều hơn. Ngoài thời gian học 2 buổi ở trường còn đi học thêm có ngày 2 ca. Em mệt không có thời gian chuẩn bị bài nên càng sợ đến lớp, sợ học, sợ nói chuyện với bạn bè. Em thường lấy lý do mệt để không học zoom.
Thấy con vẫn học sa sút, mẹ cho con đến nhà cô học để cô kèm. Điều này khiến em cảm thấy bạn bè càng chê cười mình.
Khoảng tháng 10/2021, em bị buồn phiền, hay khóc lóc, bi quan, chán sống và có tưởng tự tử. Em giải tỏa căng thẳng bằng cách dùng mảnh thủy tinh cứa vào cổ tay, sau khi làm đau bản thân thì em cảm thấy dễ chịu.
Gia đình đưa em đi khám và được tư vấn tâm lý nhưng không đỡ. Đến tháng 2/2022 thì triệu chứng nhiều hơn, thường xuyên cứa tay, mất ngủ… nên gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần.
“Chẩn đoán cho thấy em bị rối loạn hành vi trầm cảm có ý định tự tử, kèm theo hành vi tự hủy hoại bản thân. Tuy nhiên, đang điều trị thì em mắc Covid-19 nên gia đình đưa về nhà để cách ly và điều trị, uống thuốc theo đơn. Bệnh nhân ám ảnh về việc mình mắc Covid-19 và hậu Covid-19 nên càng trầm cảm.
Khi trẻ stress có ý định tự tử, cha mẹ không nên coi nhẹ, bỏ qua. Ảnh minh họa Istockphoto
Lúc này, bệnh nhân còn nghe thấy những tiếng nói sỉ nhục bản thân ở trong đầu, bảo bệnh nhân phải chết. Bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, hèn kém là gánh nặng cho bố mẹ”, bác sĩ Thu Yến chia sẻ thêm.
Sau một thời gian điều trị bằng thuốc và được tư vấn, các triệu chứng của em đã thuyên giảm. Tuy nhiên, bác sĩ Thu Yến lưu ý, việc điều trị trầm cảm cần phải kiên trì và không được bỏ giữa chừng. Đồng thời, cha mẹ phải luôn bên cạnh, chia sẻ và động viên em.
Khó khăn ở trường học là một trong những yếu tố khiến trẻ stress, có nguy cơ tự tử
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến (Viện Sức khỏe tâm thần), các biểu hiện trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên khá đa dạng.
Các biểu hiện chung thường gặp là tâm trạng thất thường (gắt gỏng, dễ nổi cáu bộc phát…); giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây (bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ,…); không muốn đi ra ngoài, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè; tránh né việc đi học; suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên.
Trẻ cũng có thể trong tình trạng thay đổi giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ nhiều; hay có thể thường xuyên phàn nàn không giải thích được như: cảm giác mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày.
Trẻ cũng có thể xuất hiện các vấn đề về hành vi (trở nên cố chấp hơn, trốn khỏi nhà, bắt nạt người khác); có các suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng hoặc hành vi tự tử…
Theo bác sĩ Hoàng Yến, các yếu tố stress ở lứa tuổi thanh thiếu niên thường gặp: Các vấn đề trong các mối quan hệ: gia đình, bạn bè; Sự mất mát, xung đột giữa các cá nhân; Các khó khăn ở trường học; Các vấn đề về kinh tế; Các vấn đề về pháp lý và kỷ luật; Những vấn đề về thể chất và bệnh lý…
Hãy chia sẻ với con trẻ nhiều hơn là cách hữu hiệu để ngăn chặn nguy cơ tự tử. Ảnh minh họa Istockphoto
“Lứa tuổi thanh thiếu niên là quá trình các em đối mặt với các stress và học cách ứng phó với stress. Do đó, nhiều em đã không biết cách đối mặt với stress nên tìm đến tự tử như một phương án tốt nhất.
Vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên chia sẻ với con để hiểu các rắc rối của con và cùng con giải quyết vấn đề. Khi trẻ stress mà đơn độc, không biết chia sẻ với ai thì rất dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm và có ý định tự sát”, bác sĩ Hoàng Yến nhận định.
Bác sĩ Hoàng Yến cho biết, cha mẹ có thể trò chuyện với con bằng những câu hỏi đơn giản: “Hôm nay con đi học có vui không? Bạn bè ở lớp có bạn nào con chơi thân… Sao hôm nay con có vẻ không vui…”…
Những thông tin đơn giản là cách mở cánh cửa giao tiếp với trẻ và khám phá những câu chuyện khiến con buồn bã, căng thẳng, áp lực…