Học văn để làm gì? – Tạp chí điện tử Nghề nghiệp và Cuộc sống

Khi chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên, các giá trị văn hóa, văn học càng được trân trọng. Tuy nhiên nhiều người lãng quên sứ mệnh của văn học trong đời sống, không ít học sinh hoài nghi và đặt câu hỏi kiến thức của các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa ngày càng cao thì học văn để làm gì trong xã hội?

Dẫu biết rằng mục tiêu cho mỗi môn học là sự khởi đầu, định hướng cho chuỗi hoạt động giáo dục về sau. Nhưng từ trước đến nay chương trình Ngữ văn trong nhà trường thường tham vọng quá lớn mà cách dạy và cách học chưa khơi dậy được tình yêu văn chương. Điều quan trọng nhất trong dạy và học văn là niềm đam mê, yêu thích.

Nhưng một sự thật không thể chối cãi là lâu nay các em học sinh ít mặn mà với môn văn, không cảm nhận được cái hay cái đẹp của nó. Cũng có thể giáo viên đã quên đi nét đặc trưng của văn học, các em học văn mà cứ như học chính trị, các em chăm chú nghe giảng, cặm cụi viết mà không hề có một lời bình, thảo luận, không thấy được những điểm sáng của hình tượng văn học, vậy nên sau khi ra khỏi lớp là học sinh quên sạch.

Chưa kể sách giáo khoa hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của học sinh chính vì thế học sinh không còn thói quen đọc sách, may ra thì đọc một vài trang blog trang web hoặc internet. Điều đó cho thấy văn hóa đọc đang bị lấn át bởi các phương tiện nghe, nhìn có thể nói văn hóa đọc đang bị xuống cấp một cách đáng báo động.

Một câu hỏi tưởng như ai cũng biết, học văn để hiểu biết về con người, để cảm thụ cái đẹp, để nâng cao vốn văn hóa và giá trị nhân văn cũng là một cách để diễn đạt tư tưởng và cảm xúc.

Học văn đâu nhất thiết để làm thơ hay, viết văn giỏi nhưng ít nhất nó giúp chúng ta sử dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là cơ sở giao tiếp bằng tiếng nói, chữ viết. Bởi trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần sử dụng đến năng lực viết từ bài thi đến dự án hay các văn bản hành chính đều rất cần thiết, nếu không học văn sẽ không biết sắp xếp câu từ, ý tứ sao cho phù hợp, ngoài ra học văn còn là cơ sở để tiếp thu các môn học khác.

Vì vậy chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của môn văn là phương pháp giáo dục đạo đức, nhân cách thông qua những hình tượng văn học giàu cảm xúc. Với tư cách là một môn học, mà môn học thì mục tiêu phải cụ thể, rõ ràng và buộc phải có cách nào đó để đánh giá dù chỉ mang tính tương đối. Nếu không đánh giá được bằng một cách khách quan thì mục tiêu đặt ra là không khả thi và thiếu tính khoa học.

Hiện nay qua các cuộc thi cử điểm thi môn Ngữ văn khá cao điều này chắc không hẳn là do học sinh có năng lực mà do cách ra đề thi mở theo lối học thuộc, đề văn mẫu… với một đề bài mở và chấm điểm bài làm thì vấn đề sẽ được sáng tỏ học sinh nhiều em bây giờ không biết nói chứ đừng nói đến viết, nếu một học sinh có thể tham gia giao tiếp trôi chảy mạch lạc đã là hiếm, còn viết thì gần như không còn. Chưa kể, những năm gần đây cách chấm điểm và ra đề môn Ngữ văn dấy lên không ít ý kiến trong dư luận khi được nhận xét là cứng nhắc, không phát huy được sự sáng tạo, cảm nhận riêng.

Nhà văn Nga M. Gorky từng viết “Văn học là nhân học”. Còn ở phương Tây, A-ri-xtốt tin rằng “Văn học phải mang sứ mệnh thanh lọc”, tức là hướng con người tới những phẩm chất tốt đẹp.

Ở Việt Nam từ xa xưa cha ông chúng ta đã quan niệm “Văn dĩ tải đạo” (Nghĩa là trong nội dung văn chương phải chứa được đạo làm người), là một thứ giáo lý “văn sử bất phân”, “văn dĩ cải tạo” từ Tam tự kinh cho đến Tứ thư, Ngũ Kinh đều được quán triệt ý thức Nho giáo, lấy đạo thánh hiền làm chân lý được áp dụng khắp bốn biển không sai và muôn đời vẫn đúng.

Vì vậy, nếu không thay đổi cách dạy và học thì có lẽ những giá trị cao đẹp của môn văn là cảm nhận cái đẹp, học cách làm người, nâng cao văn hóa, đạo đức, nhân phẩm con người sẽ không thể đạt được môn văn sẽ tiếp tục bị lu mờ lâu dần người ta không hiểu Học văn để làm gì?

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành văn bản hướng dẫn về mục tiêu và gợi ý về phương pháp dạy học tương thích. Cần có những hướng dẫn cụ thể và đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở trường phổ thông. Đề cao chương trình nghiên cứu bài học để giáo viên bộ môn phát triển một cách thực chất và làm quen với lối tư duy dân chủ cũng như thảo luận để cho học sinh thau đổi bằng những chương trình học tích cực hơn.

T.D

Rate this post

Viết một bình luận