Hỏi – Đáp về tuyển sinh ĐH-CĐ quân sự tại các trường Quân đội năm 2020 – Thông tin tuyển sinh

Hỏi – Đáp về tuyển sinh ĐH-CĐ quân sự tại các trường Quân đội năm 2020

Dưới đây là 35 câu Hỏi – Đáp mà Ban tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng đưa ra để cung cấp thông tin đầy đủ nhất về tuyển sinh năm 2020

 

Câu hỏi 1: Các trường Quân đội nào có tuyển sinh vào đào tạo trình độ đại học, cao đẳng quân sự năm 2020.

Trả lời:

a) Đào tạo đại học quân sự: trong Quân đội có 17 học viện, trường được Bộ Quốc phòng giao tuyển sinh vào đào tạo trình độ đại học quân sự gồm:

– Học viện Kỹ thuật quân sự;

– Học viện Quân y;

– Học viện Khoa học quân sự;

– Học viện Phòng không

– Không quân;

– Học viện Hải quân;

– Học viện Biên phòng;

– Học viện Hậu cần;

– Trường Sĩ quan Lục quân 1 (tên dân sự: Trường Đại học Trần Quốc Tuấn);

– Trường Sĩ quan Lục quân 2 (tên dân sự: Trường Đại học Nguyễn Huệ);

– Trường Sĩ quan Chính trị (tên dân sự: Trường Đại học Chính trị);

– Trường Sĩ quan Công binh (tên dân sự: Trường Đại học Ngô Quyền); – Trường Sĩ quan Thông tin (tên dân sự: Trường Đại học Thông tin liên lạc);

– Trường Sĩ quan Pháo binh;

– Trường Sĩ quan Không quân;

– Trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp;

– Trường Sĩ quan Đặc công;

– Trường Sĩ quan Phòng hóa.

b) Đào tạo cao đẳng quân sự: có 02 trường được Bộ Quốc phòng giao tuyển sinh vào đào tạo cao đẳng quân sự:

– Trường Sĩ quan Không quân (đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không);

– Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ôtô (đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Ôtô).

 

Câu hỏi 2: Phương thức tuyển sinh của các trường quân đội năm 2020 như thế nào?  

Trả lời:

Năm 2020, thực hiện Thông tư số 22/2019/TT-BQP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội; tất cả 18 học viện, trường sĩ quan, trường cao đẳng trong Quân đội có tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự đều tổ chức xét tuyển vào đào tạo theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT), thực hiện xét tuyển từ kết quả Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020.

Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự các trường quân đội phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Từ ngày 01/3 đến 25/5/2020 (đã được điều chỉnh theo Công văn số 07/TSQS – NT ngày 26/02/2020), Ban TSQS cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức sơ tuyển cho các em có nguyện vọng dự tuyển vào các trường Quân đội.

 

Câu hỏi 3: Điểm khác biệt của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại các trường Quân đội với đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài Quân đội là gì?

Trả lời:

Điểm khác biệt lớn nhất của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại các trường Quân đội và đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài Quân đội là thí sinh phải qua sơ tuyển:

– Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội đăng ký sơ tuyển tại Ban TSQS cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú;

– Thí sinh là quân nhân tại ngũ đăng ký sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương. Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong Quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành); các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD & ĐT.

 

Câu hỏi 4: Hồ sơ sơ tuyển như thế nào?

Trả lời:

Mỗi thí sinh đăng ký sơ tuyển phải có 01 bộ hồ sơ sơ tuyển do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành thống nhất, gồm:

– 1 bản thẩm tra xác minh lý lịch (do cán bộ tuyển sinh quân sự cấp huyện và đơn vị đi thẩm tra); 3

– 1 phiếu khám sức khoẻ (do Hội đồng khám tuyến sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện và đơn vị khám);

– 3 phiếu đăng ký sơ tuyển (do thí sinh tự khai, có xác nhận của Ban TSQS cấp huyện, đơn vị cấp trung đoàn);

– Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên, nộp 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ, đúng quy định. Thí sinh không phải nộp bản sao học bạ THPT.

 

Câu hỏi 5: Thí sinh tham gia sơ tuyển phải làm gì?

Trả lời:

Khi tham gia sơ tuyển:

– Thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ sơ tuyển thuộc phần quy định thí sinh tự khai và trực tiếp đến nộp hồ sơ sơ tuyển cho Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện (đối với thanh niên ngoài Quân đội) hoặc cấp trung đoàn (đối với quân nhân tại ngũ) theo đúng thời gian quy định. Khi đến nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, thí sinh phải mang theo Giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân), sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác để đối chiếu;

– Tham gia chụp ảnh để dán vào hồ sơ sơ tuyển;

– Tham gia khám sức khỏe sơ tuyển do Ban TSQS cấp huyện hoặc cấp trung đoàn tổ chức.

 

Câu hỏi 6: Thí sinh tham gia khám sức khỏe sơ tuyển ở đâu?

Trả lời:

1. Đối với thí sinh là quân nhân:

            – Khám sức khỏe (khám lâm sàng) tại các bệnh viện Quân đội thuộc tuyến của đơn vị quân nhân đăng ký dự thi; trường hợp đơn vị ở xa các bệnh viện Quân đội việc khám sức khỏe thực hiện tại Hội đồng khám sức khỏe của đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên; đối với các đơn vị ở xa tuyến trung đoàn, đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, không có điều kiện khám sức khỏe cho quân nhân tại các đơn vị thuộc tuyến, cho phép khám sức khỏe tại Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện nơi đóng quân.

– Trường hợp cần khám chuyên khoa hoặc làm các xét nghiệm, do bác sĩ khám chỉ định và thực hiện tại các bệnh viện Quân đội.

2. Đối với thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội:

Do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện khám: khám lâm sàng và kết luận sức khỏe theo 8 chỉ tiêu quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

 

Câu hỏi 7: Thời gian sơ tuyển năm 2020?

Trả lời:

Thực hiện theo Công văn số 07/TSQS – NT ngày 26/02/2020 của Ban TSQS Bộ Quốc phòng, thời gian sơ tuyển được điều chỉnh như sau: Các địa phương, đơn vị tổ chức sơ tuyển cho thí sinh từ ngày 01/3 đến ngày 25/5/2020.

Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt:

– Đợt 1 vào tuần 4 tháng 4 năm 2020;

– Đợt 2 vào tuần 2 tháng 5 năm 2020.

Sau khi khám sức khỏe đợt 2, trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển (25/5/2020), nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho số thí sinh đăng ký sơ tuyển.

 

Câu hỏi 8: Lệ phí sơ tuyển là bao nhiêu?

Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư số 135/2015/TT-BQP ngày 09 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn một số chế độ chi tiêu cho hoạt động giáo dục đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội. Lệ phí sơ tuyển là: 50.000 đồng. Lệ phí hồ sơ sơ tuyển là: 4.500 đồng.

 

Câu hỏi 9: Đối tượng được đăng ký dự tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại các trường Quân đội?

Trả lời:

Đối tượng được đăng ký dự tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại các trường Quân đội, gồm:

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 4 năm 2020); quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ Quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm 2020).

2. Nam thanh niên ngoài Quân đội, kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân (số lượng đăng ký dự tuyển không hạn chế).

3. Nữ thanh niên ngoài Quân đội và nữ quân nhân được đăng ký dự tuyển vào: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Khoa học quân sự và Học viện Hậu cần.

 

Câu hỏi 10: Chỉ tiêu tuyển thí sinh nữ như thế nào?

Trả lời:

Theo Quy định của Bộ Quốc phòng, chỉ tiêu tuyển thí sinh nữ như sau:

– Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành: Quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự;

– Tuyển không quá 06% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự;

– Tuyển không quá 10% chỉ tiêu đào tạo ngành Tài chính vào đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu cần. Đối với các ngành được giao chỉ tiêu tuyển thí sinh nữ, mỗi ngành tuyển ít nhất 02 thí sinh.

 

Câu hỏi 11: Khu vực tuyển sinh của các trường Quân đội như thế nào? Có chia miền Nam – Bắc không?

Trả lời:

Có 16/18 trường Quân đội tuyển thí sinh trong cả nước (trừ Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2).

– Trường Sĩ quan Lục quân 1: Tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Bình trở ra phía Bắc.

            – Trường Sĩ quan Lục quân 2: Tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam.

+ Thí sinh dự tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 phải có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh phía Nam theo quy định tại Khoản 3 Điều này, đồng thời phải có ít nhất một năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp trung học tại các tỉnh phía Nam.

+ Trường hợp thí sinh tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, đã học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục Trung học phổ thông của Bộ GD & ĐT, phải có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh phía Nam theo quy định, đồng thời phải học và tốt nghiệp trung cấp tại các tỉnh phía Nam.

 

Câu hỏi 12: Khi đăng ký dự tuyển vào các trường Quân đội, các thí sinh phải đủ điều kiện tiêu chuẩn ở những nội dung nào?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ Quốc phòng, để được đăng ký dự tuyển vào các trường Quân đội, các thí sinh phải đủ điều kiện tiêu chuẩn về:

            – Lý lịch chính trị;

– Sức khỏe;

– Độ tuổi;

– Văn hóa.

 

Câu hỏi 13: Tiêu chuẩn về lý lịch chính trị của thí sinh như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ Quốc phòng, thí sinh phải đủ các tiêu chuẩn sau:

– Lý lịch chính trị gia đình và bản thân phải rõ ràng, đủ điều kiện để có thể kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, không vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 05/2020/TT-BQP ngày 16/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn chính trị của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

– Trường hợp quân nhân phải được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ.

 

Câu hỏi 14: Tiêu chuẩn về sức khỏe của thí sinh dự tuyển?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 15, Thông tư tuyển sinh, các trường Quân đội tuyển chọn các thí thí sinh phải đủ các tiêu chuẩn sau:

1. Tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của liên Bộ Y tế – Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYTBQP), theo các chỉ tiêu: Thể lực (trừ chiều cao, cân nặng có quy định riêng); mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng); tai-mũi-họng; răng-hàm-mặt; nội khoa; tâm thần kinh; ngoại khoa; da liễu và sản phụ khoa đối với nữ (nếu có).

2. Một số tiêu chuẩn quy định riêng, như sau:

a) Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không – Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng – Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa:

– Về Thể lực: Tuyển thí sinh nam cao từ 1,65 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải đạt sức khoẻ Điểm 1 theo quy định tại Mục I/Phụ lục 1/ Phân loại sức khoẻ theo thể lực và bệnh tật, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP (cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên).

– Về Mắt: Không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.

b) Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự; Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không – Không quân:

– Về Thể lực: Tuyển thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải đạt sức khoẻ Điểm 1 theo quy định tại Mục I Phụ lục 1 Phân loại sức khoẻ theo thể lực và bệnh tật, ban hành kèm theo Thông tư 7 liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP (cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên).

– Về Mắt: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp, kiểm tra thị lực sau chỉnh kính đạt Điểm 1 theo quy định tại Khoản 1 Mục II Phụ lục 1 Phân loại sức khoẻ theo thể lực và bệnh tật, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

c) Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể lực đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Mục I Phụ lục 1 Phân loại sức khoẻ theo thể lực và bệnh tật, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, riêng thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62 m trở lên.

d) Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người (gồm các dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ) dự tuyển vào tất cả các trường: Được lấy chiều cao từ 1,60 m trở lên, các tiêu chuẩn khác thực hiện như đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung.

            đ) Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung.

e) Tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không – Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện xét tuyển vào đào tạo phi công quân sự.

 

Câu hỏi 15: Độ tuổi của thí sinh đăng ký dự tuyển được quy định như thế nào?

Trả lời:

            Độ tuổi của thí sinh, tính đến năm dự tuyển, được quy định như sau :

– Thanh niên ngoài Quân đội từ 17 đến 21 tuổi;

– Quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi.

 

Câu hỏi 16: Để được đăng ký dự tuyển, thí sinh phải đạt trình độ văn hóa như thế nào?

Trả lời:

Về trình độ văn hóa của thí sinh đăng ký dự tuyển, Bộ Quốc phòng quy định như sau:  

– Tính đến thời điểm xét tuyển, đã tốt nghiệp trung học phổ thông (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp.

– Người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định.

 

Câu hỏi 17: Thí sinh đã đăng ký sơ tuyển có phải đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia không?

Trả lời:

Các thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường trong Quân đội phải tham gia sơ tuyển và đăng ký tham dự Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong năm đăng ký dự tuyển để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định của Bộ GD & ĐT.

– Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội: Mua hồ sơ và đăng ký tham dự Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại địa điểm do các Sở GD & ĐT quy định.

– Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ: Mua hồ sơ, làm thủ tục và đăng ký tham dự Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại địa điểm của thí sinh tự do (số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2019 trở về trước) do các sở GD & ĐT các tỉnh, thành phố nơi đơn vị quân nhân đang đóng quân quy định.

 

Câu hỏi 18: Các trường Quân đội sử dụng các tổ hợp xét tuyển nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 27, Thông tư tuyển sinh, trong tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự, các trường Quân đội sử dụng 7 tổ hợp xét tuyển, gồm:

– Tổ hợp xét tuyển A00 (gồm các môn: Toán, Lý, Hoá);

– Tổ hợp xét tuyển A01 (gồm các môn: Toán, Lý, tiếng Anh);

– Tổ hợp xét tuyển B00 (gồm các môn: Toán, Hoá, Sinh);

– Tổ hợp xét tuyển C00 (gồm các môn: Văn, Sử, Địa);

– Tổ hợp xét tuyển D01 (gồm các môn: Toán, Văn, tiếng Anh);

– Tổ hợp xét tuyển D02 (gồm các môn: Toán, Văn, tiếng Nga);

– Tổ hợp xét tuyển D04 (gồm các môn: Toán, Văn, tiếng Trung Quốc).

Quy định cụ thể về tổ hợp xét tuyển của các trường:

– Học viện Quân y: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển A00 và B00;

– Học viện Biên phòng: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển A01 và C00;

– Học viện Khoa học quân sự: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển D01, D02, 9 D04 và A00, A01;

– Trường Sĩ quan Chính trị: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển A00, C00 và D01;

– Các học viện: Kỹ thuật quân sự, Hậu cần, Phòng không – Không quân, Hải quân và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Thông tin, Công binh, Đặc công, Tăng – Thiết giáp, Không quân, Pháo binh, Phòng hóa: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển A00 và A01.

 

Câu hỏi 19: Thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển như thế nào? Hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ Quốc phòng hay Bộ GD & ĐT?

Trả lời:

Các trường trong Quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng quân sự đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng, dự Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong năm đăng ký xét tuyển để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng; các môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào trường thí sinh đăng ký.

– Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển cùng với hồ sơ đăng ký dự thi Trung học phổ thông quốc gia theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo kèm theo lệ phí đăng ký xét tuyển. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của trường;

– Thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại trường Quân đội nộp hồ sơ sơ tuyển; các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội Hồ sơ đăng ký xét tuyển: Thực hiện theo quy định của Bộ GD & ĐT.

 

Câu hỏi 20: Thí sinh có được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường Quân đội không?

Trả lời:

Sau khi có kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần theo quy định của Bộ GD & ĐT.

Đối với việc điều chỉnh đăng ký xét tuyển vào các trường Quân đội, cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (nguyện vọng 1) theo nhóm trường như sau:

– Nhóm 1: Gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, PK-KQ (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.

– Nhóm 2: Gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, PK-KQ (hệ Kỹ sư hàng không).

 

Câu hỏi 21: Quy định về xét tuyển nguyện vọng 1 của các trường Quân 10 đội như thế nào?

Trả lời:

– Các học viện, trường trong Quân đội chỉ xét tuyển vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển hoặc trường cùng nhóm xét tuyển (trong nhóm trường thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 1) và được trường tiếp nhận hồ sơ sơ tuyển thông báo đủ điều kiện sơ tuyển;

– Không xét tuyển đối với các thí sinh:

+ Không có hồ sơ sơ tuyển hoặc không đủ điều kiện sơ tuyển;

+ Nguyện vọng đăng ký xét tuyển không phải là nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất); nộp hồ sơ xét tuyển vào trường không cùng nhóm trường được đăng ký xét tuyển;

+ Không nộp hoặc nộp không đủ hồ sơ xét tuyển, không đúng thời gian quy định; đăng ký không đúng tổ hợp xét tuyển của trường.

 

Câu hỏi 22: Điểm xét tuyển của thí sinh được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điểm xét tuyển của thí sinh gồm: Tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển, được làm tròn đến hai chữ số thập phân (các trường có quy định bài thi/môn thi chính, bài thi/môn thi chính nhân hệ số 2 và quy đổi theo quy định của Bộ GD & ĐT) và điểm ưu tiên.

 

Câu hỏi 23: Các trường Quân đội tổ chức xét tuyển như thế nào?

Trả lời:

Sau khi kết thúc thời gian thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường Quân đội khai thác thông trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD & ĐT để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường. Trên cơ sở kết quả đăng ký xét tuyển theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển của thí sinh và chỉ tiêu đào tạo, các trường đề xuất điểm tuyển nguyện vọng 1, báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

Các trường xét tuyển theo đúng ngành đăng ký của thí sinh; thực hiện xét tuyển từ thí sinh có tổng điểm thi cao nhất trở xuống đến đủ chỉ tiêu.

 

Câu hỏi 24: Điểm chuẩn tuyển sinh theo đối tượng và khu vực được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ Quốc phòng:

– Thực hiện một điểm chuẩn chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài Quân đội, thực hiện điểm chuẩn riêng theo 2 miền Bắc – Nam hoặc theo từng quân khu.

– Một số quy định riêng:

            + Học viện Khoa học quân sự: Ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng và các ngành đào tạo ngoại ngữ: Thực hiện một điểm chuẩn chung cho cùng một đối tượng nam, nữ trong cả nước;

+ Trường Sĩ quan Không quân thực hiện một điểm chuẩn xét tuyển chung cho thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc và thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam.

 

Câu hỏi 25: Điểm chuẩn tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ Quốc phòng:

            – Các học viện, trường có xét tuyển đồng thời 02 Tổ hợp xét tuyển: A00 và A01: Thực hiện một điểm chuẩn chung cho cả 2 tổ hợp xét tuyển A00 và A01.

– Học viện Quân y thực hiện một điểm chuẩn chung cho cả 2 tổ hợp xét tuyển B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Lí. Hóa).

– Học viện Khoa học quân sự: Thực hiện một điểm chuẩn chung cho cùng một đối tượng thí sinh nam hoặc đối tượng thí sinh nữ đối với các ngành xét tuyển đồng thời các tổ hợp sau: Tổ hợp D01 và D02 vào đào tạo ngành Ngôn ngữ Nga; tổ hợp D01 và D04 vào đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.

– Học viện Biên phòng và Trường Sĩ quan Chính trị: Thực hiện điểm chuẩn riêng cho từng tổ hợp xét tuyển.

 

Câu hỏi 26: Quy định về điểm chuẩn của thí sinh khu vực phía Nam như thế nào?

Trả lời:

Thí sinh được tính điểm chuẩn theo hộ khẩu thường trú phía Nam phải có đủ các điều kiện:

– Có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh phía Nam (từ tỉnh Quảng Trị trở vào) 3 năm liên tục trở lên, tính đến năm dự tuyển;

– Có ít nhất một năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp trung học tại các tỉnh phía Nam.

 

Câu hỏi 27: Các trường Quân đội có sử dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển không?

Trả lời:

Trường hợp xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu, nhưng số thí sinh cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại, thực hiện xét tuyển theo các tiêu chí phụ, như sau:

a) Tiêu chí 1:

– Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Văn, Sử, Địa thì thí sinh có điểm thi môn Văn cao hơn sẽ trúng tuyển;

– Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, tiếng Anh thì thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển;

– Một số trường áp dụng tiêu chí phụ riêng như sau:

+ Học viện Khoa học quân sự: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ (môn Ngoại ngữ là môn thi chính nhân hệ số 2) thì thí sinh có điểm môn Ngoại ngữ cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Học viện Quân y: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Hóa, Sinh thì thí sinh có điểm thi môn Sinh học cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Chính trị: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, tiếng Anh thì thí sinh có điểm môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Phòng hóa: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Lý, Hóa thì thí sinh có điểm thi môn Hóa cao hơn sẽ trúng tuyển; xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Lý, tiếng Anh thì thí sinh có điểm thi môn tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển.

b) Tiêu chí 2:

Sau khi xét tiêu chí 1, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng bằng điểm, cùng có tiêu chí 1 như nhau, thì xét đến tiêu chí 2, như sau:

– Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Văn, Sử, Địa thì thí sinh có điểm thi môn Sử cao hơn sẽ trúng tuyển;

– Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, tiếng Anh thì thí sinh có điểm thi môn Lý cao hơn sẽ trúng tuyển;

– Một số trường áp dụng tiêu chí phụ riêng như sau:

+ Học viện Khoa học quân sự: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ thì thí sinh có điểm môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Học viện Quân y: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Hóa, Sinh thì thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Chính trị: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, tiếng Anh thì thí sinh có điểm môn Văn cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Phòng hóa: Thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.

c) Tiêu chí 3:

Sau khi xét tiêu chí 2, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng 13 bằng điểm, cùng có tiêu chí 1 và tiêu chí 2 như nhau thì xét đến tiêu chí 3, như sau:

– Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Văn, Sử, Địa thì thí sinh có điểm thi môn Địa cao hơn sẽ trúng tuyển;

– Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, tiếng Anh (trừ trường Sĩ quan Phòng hóa) thì thí sinh có điểm thi môn Hóa hoặc môn tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển;

– Một số trường áp dụng tiêu chí phụ riêng như sau:

+ Học viện Khoa học quân sự: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ thì thí sinh có điểm môn Văn cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Học viện Quân y: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Hóa, Sinh thì thí sinh có điểm thi môn Hóa cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Chính trị: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, tiếng Anh thì thí sinh có điểm môn tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Phòng hóa: Thí sinh có điểm thi môn Lý cao hơn sẽ trúng tuyển.

d) Khi xét đến tiêu chí 3 vẫn chưa đủ chỉ tiêu, thì Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định”.

 

Câu hỏi 28: Các trường Quân đội có tuyển nguyện vọng bổ sung không?

Trả lời:

Các trường sau khi xét tuyển đợt 1, số lượng vào học thực tế còn thiếu so với chỉ tiêu, thì được xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho đủ chỉ tiêu; quy trình xét tuyển thực hiện theo quy chế của Bộ GD & ĐT và quy định của Bộ Quốc phòng.

 

Câu hỏi 29: Quy định về xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào đào tạo đại học quân sự của các trường Quân đội như thế nào?

Trả lời:

Nếu được Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các trường Quân đội chỉ xét tuyển đối với những thí sinh đủ các điều kiện sau:

– Đã nộp hồ sơ sơ tuyển vào đào tạo đại học hệ quân sự tại 01 trường Quân đội và được trường tiếp nhận hồ sơ sơ tuyển thông báo đủ tiêu chuẩn dự tuyển;

– Tham dự Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (trong năm đăng ký xét tuyển);

– Không trúng tuyển nguyện vọng 1 và có đủ điều kiện về sức khỏe, vùng tuyển, tổ hợp môn xét tuyển của trường đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung;

– Trong thời gian quy định, nộp đủ hồ sơ xét tuyển về trường có tuyển nguyện vọng bổ sung.

 

Câu hỏi 30: Thí sinh có thể theo dõi kết quả tuyển sinh ở đâu?

Trả lời:

Các trường công bố kết quả xét tuyển của thí sinh (danh sách theo thứ tự cao trên, thấp dưới), trên Trang Thông tin điện tử (website) của trường, Trang Thông tin điện tử của Cục Nhà trường/BTTM (http://nhatruongquandoi.bqp), Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng (http://bqp.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội.

 

Câu hỏi 31: Thí sinh trúng tuyển nhập học trong thời gian nào?

Trả lời:

Theo quy định, Giám đốc (Hiệu trưởng) các trường chịu trách nhiệm thông báo kết quả tuyển sinh và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học theo quyết định điểm chuẩn của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.

Thời gian nhập học nguyện vọng 1 xong trước ngày 05 tháng 9 hằng năm (nếu Bộ GD&ĐT điều chỉnh lịch công tác tuyển sinh so với năm 2019, Ban TSQS Bộ Quốc phòng sẽ có thông báo cụ thể).

 

Câu hỏi 32: Thí sinh có phải khám lại sức khỏe không?

Trả lời:

– Các trường tổ chức khám tuyển sức khỏe cho số thí sinh trúng tuyển nhập học ngay trong tuần đầu về trường nhập học. Việc khám sức khoẻ do Hội đồng khám sức khoẻ tuyển sinh quân sự các bệnh viện Quân đội thực hiện theo sự phân công của Cục Quân y.

– Sau 15 ngày, kể từ ngày thí sinh nhập học (theo thời gian quy định trong giấy báo nhập học), các trường phải thông báo kết luận về phân loại tiêu chuẩn sức khỏe đến thí sinh đã nhập học biết, làm thủ tục trả về địa phương đối với các thí sinh không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

 

Câu hỏi 33: Có phải thí sinh trúng tuyển vào các trường Quân đội, được tuyển chọn gửi đi đào tạo ở các trường ngoài Quân đội và gửi đi đào tạo ở nước ngoài?

Trả lời:

Theo kế hoạch hàng năm, Bộ Quốc phòng đều tuyển chọn các thí sinh trúng tuyển, đạt kết quả cao gửi đi đào tạo ở các trường ngoài Quân đội và gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Số lượng gửi đi học theo kế hoạch từng năm của Bộ Quốc phòng.

 

Câu hỏi 34: Thí sinh trúng tuyển có quyền lợi gì?

Trả lời:

 – Thí sinh trúng tuyển vào đào tạo sĩ quan được Quân đội bảo đảm về ăn, ở, mặc, phụ cấp hàng tháng, không phải đóng học phí, được đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho học tập;

– Sau từng năm học, những học viên được xếp loại xuất sắc, loại giỏi được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Bộ Quốc phòng;

– Học viên được hưởng chế độ nghỉ hè, nghỉ tết theo quy định;

– Học viên tốt nghiệp ra trường sẽ được giám đốc, hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp; văn bằng tốt nghiệp cấp cho học viên khi tốt nghiệp ra trường là bằng đại học thuộc hệ thống văn bằng quốc gia, mẫu văn bằng do Bộ GD & ĐT phát hành;

– Học viên tốt nghiệp được Bộ Quốc phòng phong quân hàm sĩ quan và phân công công tác. Những học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi được ưu tiên xem xét nguyện vọng khi phân công công tác.

 

Câu hỏi 35: Thí sinh trúng tuyển phải có nghĩa vụ gì?

Trả lời:

            Học viên phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ của Quân đội và quy định của nhà trường. Trong trường Quân đội, ngoài việc học tập, học viên được rèn luyện toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, nếp sống, sinh hoạt chính quy theo điều lệnh Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao khi ra trường;

Tất cả học viên sĩ quan đều phải nghiêm chỉnh chấp hành việc phân công công tác sau tốt nghiệp. Bộ Quốc phòng phân công công tác căn cứ vào mục tiêu đào tạo và nhu cầu của từng đơn vị.

Rate this post

Viết một bình luận