Hồng ban đa dạng – Bệnh viện da liễu trung ương

          Hồng ban đa dạng là một phản ứng tăng nhạy cảm, khởi phát do nhiễm trùng (thường do viruss herpes simplex-HSV) hoặc do thuôc. Bệnh đặc trưng bởi các thương tổn hình bia bắn trên da, có thể kèm theo thương tổn niêm mạc. Bệnh cấp tính và tự lành, không để lại biến chứng.

          Hồng ban đa dạng thường hay gặp ở những người trẻ (20-40 tuổi), tuy nhiên, mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, nam nhiều hơn nữ.
Yếu tố gen có vai trò trong hồng ban đa dạng: HLA-DQw3 trong hồng ban đa dạng liên quan với herpes, HLA-B15, -B35, -A3, -DR53, -DQB1*0301 trong hồng ban đa dạng tái phát.

          Nhiễm trùng liên quan tới khoảng 90% trường hợp hồng ban đa dạng. Tác nhân hay gặp nhất là HSV, trong đó HSV1 nhiều hơn HSV2. Nhiễm herpes thường xuất hiện trước phản ứng da 3-14 ngày. Mycoplasma pneumonia gây bệnh phổ biến thứ hai. Ngoài ra còn có một số tác nhân khác như cytomegalo virus, parapoxvirus, virus varicella zoster, virus viêm gan, HIV, sau vaccin, nhiễm nấm sợi.

          Thuốc là nhóm nguyên nhất ít gặp hơn của hồng ban đa dạng (dưới 10%). Các thuốc hay gây hồng ban đa dạng là barbiturate, thuốc chống viêm không steroid, penicillin, sulphonamide, phenothiazine, và thuốc chống co giật. Trong nhóm này, cần phân biệt hồng ban đa dạng do thuốc với các dị ứng thuốc khác như hội chứng Steven-Johnson, phát ban do thuốc dạng hồng ban đa dạng, mày đay.
          Đặc điểm lâm sàng

                   Hồng ban đa dạng được chia thành 2 nhóm: nhẹ (minor) và nặng (majeur). Hồng ban đa dạng thể nhẹ ít khi có triệu chứng toàn thân. Hồng ban đa dạng thể nặng có thể khởi phát với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau khớp.

          Các thương tổn da với số lượng từ ít tới hàng trăm xuất hiện trong vòng 24 giờ. Vị trí đầu tiên thường là mu bàn tay, mu bàn chân, sau đó lan rộng dọc theo các chi tới thân mình. Chi trên hay bị hơn chi dưới. Lòng bàn tay, lòng bàn chân có thể bị ảnh hưởng, cùng với mặt, cổ. Thương tổn da thường tập trung thành đám ở khủy tay và đầu gối. Thường có ngứa nhẹ hoặc rát bỏng. Thương tổn đầu tiên là các dát màu đỏ hoặc hồng, hình tròn, ranh giới rõ, sau dày lên tạo thành các sẩn sờ được, có thể kết hợp với nhau thành các mảng vài cm đường kính. Trung tâm của sẩn tối màu hơn, có thể hình thành bọng nước hoặc vảy tiết. Thương tổn tiến triển trên 72 giờ.

          Thương tổn hình bia bắn điển hình của hồng ban đa dạng có ba vòng tròn đồng tâm ranh giới rõ với ba vùng màu sắc khác nhau:

          – Trung tâm có màu đỏ sẫm với mụn nước hoặc vảy tiết

          – Vòng giữa có màu hồng nhẹ, phù nề

          – Vòng ngoài cùng có màu đỏ tươi

          Thương tổn hình bia bắn không điển hình chỉ có 2 vòng tròn đồng tâm.

          Các thương tổn có thể ở nhiều độ tuổi khác nhau, hình bia bắn điển hình và hình bia bắn không điển hình xen kẽ nhau. Ngoài hìn bia bắn, có thể có các thương tổn khác như sẩn đỏ, mụn nước, bọng nước. Có thể gặp hiện tượng Kobner, nghĩa là thương tổn mới xuất hiện ở vùng da bị chấn thương.

          Không có phù nề mặt, bàn tay hoặc bàn chân, tuy nhiên môi thường sưng nhẹ, đặc biệt là trong hồng ban đa dạng thể nặng.

          Thương tổn niêm mạc, nếu có, thường xuất hiện ít ngày sau khi có thương tổn da, chủ yếu gặp ở hồng ban đa dạng thể nặng. Niêm mạc miệng hay có thương tổn nhất. Môi và má thường đỏ, thỉnh thoảng xuất hiện bọng nước, nhanh chóng dập vở tạo thành các vết xước và vết loét.

          Các niêm mạc hay có thương tổn nhất là môi, mặt trong của má, lưỡi, sau đó là sàn miệng, khẩu cái. Các niêm mạc khác có thể bị ảnh hưởng bao gồm mắt, hậu môn và sinh dục, khí quản, phế quản, ống tiêu hóa. Thương tổn niêm mạc bao gồm hiện tượng sưng nề đỏ và hình thành mọng nước. Bọng nước nhanh chóng dập vở để lại các vết loét đau, bờ không đều, phủ giả mạc màu trắng. Môi thường sưng lên với vảy tiết chảy máu. Bệnh nhân thường khó nói, khó nuốt do đau.

          Đối với hồng ban đa dạng do mycoplasma, niêm mạc có thể là vị trí duy nhất bị ảnh hưởng, bệnh thường nặng và người bệnh phải nhập viện.       Hồng ban đa dạng tái phát thường do nhiễm HSV1, với nhiều đợt bệnh trong một năm và diễn biến trong nhiều năm.


Cận lâm sàng

Bảng 1. Đặc điểm của hồng ban đa dạng (HBĐD) và hội chứng Steven-Johnson (SJS)

Mô bệnh học

Không đặc hiệu, liên quan tới thượng bì và trung bì. Có các tế bào sừng hoại tử trong vùng viêm trung gian (interface), xâm nhập viêm lympho bào, mô bào quanh mạch máu ở trung bì. Miễn dịch huỳnh quang âm tính.

Các xét nghiệm tìm tác nhân nhiễm trùng như HSV, Mycoplasma pneumonia.
Điều trị

          Hầu hết các trường hợp không cần điều trị, thương tổn da mất đi trong vài tuần mà không có biến chứng.
Điều trị triệu chứng

– Chống ngứa bằng thuốc kháng histamin, bôi corticosteroid, kem dưỡng ẩm làm dịu da.

– Giảm đau ở miệng bằng các dung dịch hoặc gel bôi gây tê như lidocain (Kamistad gel).

– Việc sử dụng corticosteroid đường uống vẫn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng có thể sử dụng corticosteroi toàn thân trong giai đoạn sớm của bệnh.

– Các thuốc khác: dapson 100-150mg/ngày, thuốc kháng sốt rét (hydroxychloroquin 200-400 mg/ngày), azathioprin 100-150mg/ngày, thalidomide, ciclosporin, mycophenolate mofetil.
Điều trị căn nguyên

– Ngừng các thuốc nghi ngờ gây bệnh

– Do HSV: dùng acyclovir đường uống

– Do Mycoplasma pneumonia: dùng kháng sinh nhóm macrolide như erythromycin, azithromycin

– Hồng ban đa dạng tái phát có thể được điều trị liên tục acyclovir trong 6 tháng với liều 10mg/kg/ngày. Ngoài ra có thể sử dụng valciclovir (500-1000mg/ngày) và famciclovir (250mg hai lần/ngày) trong trường hợp acyclovir không có tác dụng
Tiên lượng, tiến triển

– Thể nhẹ lành trong 2-3 tuần

– Thể nặng lành trong 6 tuần

– Thương tổn mắt có thể để lại các biến chứng, thậm chí gây mù lòa

Một số hình ảnh hồng ban đa dạng 





Bài và ảnh: Bác sỹ Trần Thị Huyền, Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương

Đăng: Phòng CNTT&GDYT

Rate this post

Viết một bình luận