Hướng dẫn chuẩn trực kính thiên văn phản xạ

Hướng dẫn phương pháp đơn giản chuẩn trực kính thiên văn phản xạ (trong quá trình viết bài chúng tôi sử dụng hình minh hoạ từ nhiều nguồn khác nhau). Sau đây là hướng dẫn của anh Oldstar – Trưởng nhóm Kỹ thuật Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS).

kinh-thien-van-nhat-7

Chuẩn trực kính thiên văn phản xạ là khâu rất quan trọng trong quá trình làm và sử dụng kính thiên văn phản xạ. Nhiều người thường nghĩ đây là một việc rất phức tạp và phải chuẩn bị dụng cụ này nọ (cũng phức tạp) mới có thể chuẩn trực được kính thiên văn phản xạ. Nhưng trên thực tế, chỉ cần chuẩn bị một dụng cụ khá đơn giản là có thể chuẩn trực chính xác cho KTV phản xạ. Đó là việc sử dụng chính cái nắp che bụi của bộ chỉnh nét để làm dụng cụ chuẩn trực cho KTV, ở nước ngoài người ta gọi nó là Collimation Cap, tạm dịch là nắp chuẩn trực. Tất cả những gì bạn cần làm là lấy 1 cái kim băng hoặc 1 cái dùi nhỏ kích thước tối đa 1mm, dùi 1 lỗ nhỏ ở chính giữa cái nắp che bụi của bộ chỉnh nét, như vậy là bạn đã có nắp chuẩn trực cho kính phản xạ. Đối với bộ chỉnh nét chuẩn 1.25”, các bạn cũng có thể dùng vỏ hộp đựng phim nhựa, cắt bỏ đáy hộp đi, dùi 1 lỗ nhỏ chính giữa cái nắp hộp là cũng có được nắp chuẩn trực (vì hộp đựng phim nhựa có kích thước 1,25”, lắp vừa khít vào bộ chỉnh nét).

ChuanTruc 01

Để cho việc chuẩn trực KTV được dễ dàng và chính xác, việc tiếp theo cần làm là đánh dấu tâm gương cho gương sơ cấp (gương chính của kính phản xạ). Bạn cần chuẩn bị 1 bút dạ dầu cỡ 0,7mm, compa và 1 miếng bìa sạch. Dùng compa vẽ lên miếng bìa 1 vòng tròn có đường kính bằng với đường kính của gương sơ cấp rồi cắt hình tròn đó ra, sau đó khoét 1 lỗ tròn ở giữa đường kính khoảng 7mm. Đặt miếng bìa tròn đó vừa khít lên gương sơ cấp rồi dùng bút dạ dầu tô theo viền của cái lỗ đã khoét trên miếng bìa để được 1 hình tròn nhỏ ở chính giữa gương sơ cấp như hình minh hoạ. Lưu ý vẽ 1 vòng tròn nhỏ chứ không tô đậm hình tròn đó vì nếu sau này bạn muốn chuẩn trực bằng tia laze thì sẽ không sử dụng được nữa.

ChuanTruc 02ChuanTruc 03

Bây giờ bạn sẽ lắp gương sơ cấp, gương thứ cấp vào KTV, để cho việc chuẩn trực được chính xác, bạn bắt buộc phải chỉnh “chân nhện” giữ gương thứ cấp (sipder) sao cho gương thứ cấp ở chính giữa lòng ống kính thiên văn. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu spider được làm chuẩn thì khi lắp vào KTV nó cũng tự nhiên ở vị trí “chuẩn” luôn rồi, không cần phải điều chỉnh gì nữa. Nếu spider làm không chuẩn thì rất khó để chỉnh cho nó vào vị trí “chuẩn”.

Bước tiếp theo là chuẩn bị 1 miếng bìa màu sẫm lồng vào trong thân ống kính ở vị trí đối diện với bộ chỉnh nét (những bạn có kinh nghiệm thì có thể bỏ qua bước này). Nếu làm như vậy thì khi đặt mắt nhìn vào thân ống kính qua bộ chỉnh nét, bạn sẽ thấy gương chéo nổi bật lên trong lòng ống chỉnh nét và dễ hình dung hơn.

ChuanTruc 07ChuanTruc 04

Bước tiếp theo, bạn sẽ dùng tô vít chỉnh con ốc ở chính giữa spider sao cho vị trí của gương chéo (thứ cấp) vào giữa ống chỉnh nét như hình minh hoạ.

ChuanTruc 06  ChuanTruc 05

Bây giờ, bạn sẽ đậy cái nắp chuẩn trực vào miệng ống focuser, gá lắp kính thiên văn vào giá đỡ rồi hướng kính vào gần 1 nguồn sáng mạnh nào đó, tốt nhất là hướng vào khu vực trần nhà hoặc tường nhà ở ngay sát 1 bóng đèn neon. Ghé mắt nhìn vào bộ chỉnh nét thông qua cái lỗ bé xíu của nắp chuẩn trực rồi chỉnh kính đến 1 góc độ nào đó xung quanh đèn neon sao cho hình ảnh của vòng tròn đánh dấu tâm gương sáng nổi bật lên như trong hình minh hoạ:

ChuanTruc 08ChuanTruc 09

 

Khi mới lắp gương vào, điểm đánh dấu tâm gương và các vòng tròn khác thường bị lệch tâm nhau và không ở chính giữa như hình dưới đây:

ChuanTruc 10

Nhiệm vụ tiếp theo là chỉnh 3 con ốc trên spider sao cho điểm đánh dấu tâm gương vào chính giữa đĩa ảnh của gương sơ cấp như hình minh hoạ. Như vậy là gương chéo thứ cấp đã được chỉnh vào đúng vị trí của nó. Các bạn có thể thấy ảnh của gương thứ cấp trên gương sơ cấp (vòng tròn màu đen nhỏ ở giữa) vẫn đang bị lệch so với điểm chấm tâm gương

ChuanTruc 11 ChuanTruc 12

Bước cuối cùng là chỉnh độ nghiêng của gương sơ cấp sao cho ảnh của gương thứ cấp trên gương sơ cấp (vòng tròn màu đen nhỏ ở giữa) lồng vào chính giữa điểm chấm tâm của gương sơ cấp (thông qua 3 con ốc chỉnh gương ở dưới đáy KTV) như hình minh hoạ ở dưới. Như vậy là việc chuẩn trực cho kính thiên văn phản xạ đã xong.

ChuanTruc 13

Để kiểm tra chất lượng quang học của kính, các bạn nên tiến hành thủ tục cuối cùng gọi là Star Test (kiểm tra bằng sao). Lưu ý là kiểm tra bằng sao chứ không phải bằng trăng, vì ngắm trăng thường không phát hiện ra hết lỗi của kính thiên văn. Bạn mang kính ra ngoài trời, chọn 1 ngôi sao sáng và hướng kính vào đó. Lấy nét cho kính rồi chỉnh kính sao cho ngôi sao vào chính giữa trường nhìn của thị kính. Vặn bộ chỉnh nét ra ngoài khoảng lấy nét sao cho ảnh của ngôi sao chuyển thành 1 đĩa sáng có nhiều vòng tròn khác nhau. Nếu các vòng tròn đồng tâm với nhau là đạt yêu cầu. Nếu các vòng tròn lệch tâm nhau thì chứng tỏ là việc chuẩn trực cho kính chưa tốt hoặc là các linh kiện quang học của kính như gương sơ cấp, gương thứ cấp có vấn đề.

ChuanTruc 14

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nắp chuẩn trực đơn giản này hoàn toàn có thể chuẩn trực chính xác cho kính thiên văn phản xạ. Những gương nào có chất lượng tốt thì chỉ cần chuẩn trực tương đối chính xác là đã cho ảnh rất đẹp và nét, còn gương nào không đạt yêu cầu thì dù có chuẩn trực chính xác 100% bằng phương pháp sử dụng tia laze đi nữa ảnh vẫn kém chất lượng.

 

 

 

Rate this post

Viết một bình luận