Khi bị cước tay, đầu ngón tay của người bệnh có hiện tượng sưng đỏ, tê buốt, ngứa, nóng rát, đau như bị kim châm, da chuyển màu xanh tím. Thậm chí một số trường hợp còn bị sưng da, phồng rộp, mưng mủ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng vì nếu biết cách, căn bệnh này hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả.
10/01/2022 | Những gợi ý giúp bạn “đối phó” với bệnh cước chân tay vào mùa đông
08/01/2022 | Vì sao bị cước chân vào mùa đông? Phải làm sao để khắc phục hiệu quả?
1. Vì sao bị cước tay?
Bệnh cước tay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng thời tiết lạnh ẩm được đánh giá là yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh thường gặp nhất.
-
Yếu tố thời tiết
Khi cơ thể tiếp xúc với thời tiết lạnh và ẩm quá đột ngột, những mạch máu dưới da có phản ứng co lại để giúp cơ thể duy trì thân nhiệt. Do đó, quá trình lưu thông máu bị cản trở, chậm hơn bình thường, khiến người bệnh bị đau, viêm ở những vùng da như đầu ngón tay, đầu ngón chân. Ngoài ra, việc sưởi ấm quá đột ngột ở nhiệt độ cao vào mùa đông cũng dễ dẫn đến bệnh cước.
Thời tiết lạnh ẩm có liên quan mật thiết đến tình trạng cước tay
-
Yếu tố gia đình
Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho rằng bệnh cước tay liên quan đến gen di truyền. Tuy nhiên, bệnh có thể mang yếu tố gia đình, nghĩa là nếu cha mẹ mắc bệnh thì con cái sinh ra cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn những đối tượng khác.
-
Do đặc thù nghề nghiệp
Bệnh cước cũng có thể liên quan đến yếu tố công việc. Chẳng hạn, những người làm nghề chế biến hải sản, nghề làm đá,… thường xuyên phải tiếp xúc với điều kiện thời tiết lạnh ẩm sẽ làm tăng nguy cơ bị cước.
-
Do thói quen mặc quần áo
Vào mùa lạnh, nếu bạn mặc quần áo quá bó sát và những kiểu quần áo không che kín làn da khi tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh sẽ khiến cho mạch máu co lại, lưu thông máu kém và cuối cùng có thể khiến bạn dễ dàng bị cước.
Để tay tiếp xúc với thời tiết lạnh sẽ rất dễ bị cước
-
Do bệnh lý
Những trường hợp bệnh nhân có hệ tuần hoàn hoạt động kém, chẳng hạn như bệnh nhân bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu và thường xuyên hút thuốc lá,.. sẽ nhạy cảm hơn với sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ. Do đó, họ cũng sẽ có nguy cơ bị cước cao hơn những người khỏe mạnh khác.
Những trường hợp bị lupus ban đỏ, xơ cứng bì, hội chứng Raynaud… không chỉ có nguy cơ bị cước cao mà còn dễ gặp phải triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ bị viêm loét do tình trạng thiểu dưỡng ở đầu ngón tay và đầu ngón chân.
2. Một số phương pháp điều trị cước tay
Cước tay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Phần lớn, mục đích của các phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện này thường là điều trị triệu chứng và phòng ngừa nguy cơ biến chứng.
2.1. Cách chữa cước tay ngay tại nhà
Với những trường hợp bệnh nhẹ, có thể khắc phục ngay tại nhà bằng những phương pháp sau:
– Giữ ấm cơ thể đặc biệt là các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân. Lưu ý, rửa sạch tay, chân và lau khô rồi mới đeo găng tay, đi tất.
Đi găng tay để phòng tránh nguy cơ bị cước
– Không nên rửa tay, rửa chân bằng nước lạnh,
– Khi ra ngoài nên đi loại giày ấm, ôm kín và vừa vặn với chân.
– Điều trị bệnh cước bằng một số phương pháp dân gian:
+ Ngâm tay chân bằng gừng tươi và muối: Bạn sử dụng một củ gừng tươi khoảng 20g. Rửa sạch rồi giã nhỏ. Sau đó cho thêm một chút muối biển hạt to và đổ nước ấm vào hỗn hợp này, dùng để ngâm chân. Nên ngâm khoảng 15 phút và thực hiện 2 đến 3 lần mỗi tuần.
+ Ngâm tay bằng gừng tươi và quế chi: Bạn rửa gừng, đập nhỏ và cho khoảng 15g quế chi tạo thành hỗn hợp. Sau đó, đổ nước ấm vào để ngâm tay.
+Ngâm tay bằng hỗn hợp cỏ xước và lá lốt: Chuẩn bị một nắm lá lốt và một nắm cỏ xước, rửa sạch và đun sôi với khoảng 1,5 lít nước. Khi nước sôi, bạn tắt bếp và cho thêm một chút muối. Chờ nước ấm là có thể ngâm tay được.
2.2. Chữa cước tay bằng thuốc
Đối với những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng, cần phải đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp với mục đích giúp giảm ngứa và chống phù nề hoặc một số loại thuốc giúp cải thiện lưu thông máu.
Nếu bệnh có biểu hiện nghiêm trọng cần đi khám bác sĩ
Bệnh nhân lưu ý, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp, cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường hay gặp phải tác dụng phụ, cần thông báo ngay với bác sĩ đề được xử trí kịp thời. Không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
2.3. Một số gợi ý giúp bạn phòng tránh tình trạng cước tay
Bệnh cước tay chưa tìm được nguyên nhân cụ thể và bệnh cũng đáp ứng kém với các thuốc điều trị nhưng bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng một số phương pháp sau:
– Chú ý giữ ấm tay khi trời lạnh. Khi ra ngoài, bạn cần đeo găng tay khi ra ngoài, tránh để tay tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh. Trong trường hợp trời mưa, có tuyết, nên dùng găng tay có lớp bông lót.
– Nên loại bỏ thuốc lá vì nicotin trong thuốc lá có thể làm co mạch máu và làm tăng nguy cơ bị cước.
– Nên sinh hoạt và làm việc ở phòng ấm và kín gió.
– Có thể ngâm tay bằng nước ấm để tránh nguy cơ bị cước. Tuy nhiên, không nên ngâm vào nước quá nóng vì sự thay đổi đột ngột có thể khiến bạn dễ bị cước hơn.
– Nên thường xuyên tập thể dục để cải thiện lưu thông máu. Đây là thói quen tốt không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh cước mà còn giúp bạn tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa nhiều bệnh khác.
– Bạn có thể mát-xa tay nhẹ nhàng để lưu thông máu đến các đầu ngón tay.
Trên đây là những cách điều trị bệnh cước tay đơn giản và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Nếu có biểu hiện bệnh nghiêm trọng, bạn có thể liên hệ tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và điều trị hiệu quả.