Chào luật sư, tôi tiết kiệm được một ít vốn và muốn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ ở nhà. Vậy luật sư cho hỏi để bán hàng tạp hóa cần giấy tờ gì? Thủ tục mở tiệm tạp hóa hết nhiều tiền không và thủ tục xin giấy phép kinh doanh tạp hóa thế nào? Cảm ơn luật sư!
Chào bạn, kinh doanh tạp hóa hiện đang rất phổ biến ở cả nông thôn và thành thị. Để mở tiệm tạp hóa bạn bắt buộc phải có giấy phép đăng ký kinh doanh (có đăng ký ngành nghề kinh doanh hàng tạp hóa). Theo quy định bạn có thể làm giấy phép đăng ký kinh doanh một trong hai hình thức là Doanh nghiệp hoặc Hộ kinh doanh.
I. Ngành nghề đăng ký kinh doanh mở cửa hàng tạp hóa.
Giấy phép đăng ký kinh doanh mở cửa hàng tạp hóa cần có một số ngành nghề kinh doanh sau:
-
Mã ngành 4610: Đại lý, môi giới hàng hóa
-
Mã ngành 4631: Bán buôn gạo, lúa mỳ, hạt ngũ cốc khác, bột mỳ
-
Mã ngành 4632: Bán buôn thực phẩm
-
Mã ngành 4633: Bán buôn đồ uống
-
Mã ngành 4634: Bán buôn sản phẩm thuốc lá, thuốc lào
-
Mã ngành 4690: Bán buôn tổng hợp
-
Mã ngành 4711: Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp
-
Mã ngành 4719: Bán lẻ khác trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp
-
Mã ngành 4721: Bán lẻ lương thực trong các cửa hàng chuyên doanh
-
Mã ngành 4722: Bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh
-
Mã ngành 4723: Bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh
-
Mã ngành 4724: Bán lẻ sản phẩm thuốc lá, thuốc lào trong các cửa hàng chuyên doanh
-
Mã ngành 4773: Bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh
-
Mã ngành 4781: Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào lưu động hoặc tại chợ
-
Mã ngành 4782: Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào lưu động hoặc tại chợ.
Ngoài ra, nếu kinh doanh thêm một số các sản phẩm khác cần bổ sung mã ngành kinh doanh với sản phẩm tương ứng (Mã ngành nghề kinh doanh căn cứ theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg)
II. Xin giấy phép kinh doanh mở cửa hàng tạp hóa.
Tùy thuộc vào quy mô, số người lao động mà bạn có thể xin giấy phép bán tạp hóa bằng một trong hai hình thức sau:
1. Thành lập hộ kinh doanh để mở cửa hàng tạp hóa
Hộ kinh doanh phù hợp với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, dưới 10 lao động. Hộ kinh doanh có thể do một hoặc nhiều người/ hộ gia đình đứng ra thành lập. Tuy nhiên, hộ kinh doanh có thể kinh doanh tại một hoặc nhiều địa điểm cố định nhưng phải có một địa điểm chính và phải thông báo cho cơ quan quản lý các địa điểm khác
a) Hộ kinh doanh khi mở cửa hàng tạp hóa cần giấy tờ gì?
Mở cửa hàng tạp hóa hộ kinh doanh cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
-
Giấy đề nghị thành lập hộ kinh doanh tạp hóa (Do chúng tôi soạn thảo)
-
Danh sách các cá nhân/hộ gia đình đứng ra góp vốn mở cửa hàng tạp hóa (Nếu có)
-
Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của những người mở hộ kinh doanh
-
Giấy tờ chứng minh địa điểm mở hộ kinh doanh hợp pháp (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên một trong những người mở hộ kinh doanh hoặc Hợp đồng thuê nhà làm cửa hàng tạp hóa).
Lưu ý: Trong Giấy đề nghị thành lập hộ kinh doanh phải ghi đầy đủ các ngành nghề đăng ký kinh doanh bán hàng tạp hóa ở trên.
b) Thủ tục và chi phí mở hộ kinh doanh mở cửa hàng tạp hóa.
Thủ tục mở hộ kinh doanh: Bạn chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp tại UBND huyện nơi đặt địa điểm.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: Sau 03 ngày làm việc, Phòng tài chính – Kế hoạch trả Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bạn liên hệ với chi cục thuế địa phương để xin cấp mã số thuế, nộp phí môn bài và lệ phí môn bài.
Chi phí mở hộ kinh doanh cửa hàng tạp hóa:
-
Chi phí xin giấy phép kinh doanh là 100.000 VNĐ
- Đối với phí môn bài và các nghĩa vụ tài chính khác sẽ căn cứ vào doanh thu của hộ kinh doanh để thực hiện.
2. Thành lập công ty để mở cửa hàng tạp hóa.
Khác với hộ kinh doanh, mở công ty kinh doanh hàng tạp hóa thường áp dụng với cơ sở có quy mô lớn, có thể linh hoạt chuyển trụ sở chính và mở nhiều địa điểm, chi nhánh để bán hàng.
a) Chọn mở loại hình công ty gì?
Bạn có thể lựa chọn một trong các loại hình công ty sau để kinh doanh hàng tạp hóa:
-
Công ty TNHH một thành viên: Do 01 cá nhân đứng ra làm chủ sở hữu thành lập. Chủ sở hữu chỉ trách nhiệm trong phạm vị vốn điều lệ đã đăng ký với cơ quan nhà nước.
-
Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Do từ 02 đến tối đa 50 người đứng ra góp vốn vào thành lập. Các thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty trong phạm vi vốn đã góp.
-
Công ty cổ phần: Có từ 03 người (gọi là cổ đông sáng lập) đứng ra mở công ty. Công ty cổ phần không hạn chế số lượng người tham gia góp vốn vào như công ty TNHH. Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp vào doanh nghiệp.
-
Công ty hợp danh: Do ít nhất 02 cá nhân hợp danh hoặc tổ chức hoặc thành viên góp vốn đứng ra thành lập. Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toán bộ tài của của mình đối với các khoản nợ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp
-
Doanh nghiệp tư nhân: Do 01 cá nhân đứng ra thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình đối với các khoản nợ của doanh nghiệp.
b) Công ty khi mở cửa hàng tạp hóa cần giấy tờ gì?
Để thành lập doanh nghiệp, cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
-
Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp mở cửa hàng tạp hóa (Do chúng tôi soạn thảo)
-
Điều lệ công ty kinh doanh tạp hóa (Do chúng tôi soạn thảo)
-
Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của cá nhân hoặc đăng ký kinh doanh của tổ chức đứng tên thành lập công ty.
-
Danh sách cá nhân/tổ chức đứng tên thành lập công ty.
c) Thủ tục và chi phí mở cửa hàng tạp hóa cho doanh nghiệp
Thủ tục xin giấy phép đăng ký kinh doanh công ty
-
Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ.
-
Nộp hồ sơ qua mạng hoặc trực tiếp tại Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty có trụ sở.
-
Sau 03 ngày làm việc, Phòng đăng ký kinh doanh trả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp kinh doanh tạp hóa cho bạn.
Chi phí mở công ty kinh doanh tạp hóa
-
Chi phí công bố khi thành lập doanh nghiệp: 100.000 VNĐ
-
Phí môn bài:
-
2.000.000 VNĐ/năm (với doanh nghiệp vốn điều lệ dưới 10 tỷ).
-
3.000.000 VNĐ/năm (với doanh nghiệp vốn điều lệ từ 10 tỷ trở lên).
-
Ngoài ra, doanh nghiệp cần thực hiện các nghĩa vụ báo cáo thuế và nộp thuế như: Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân,…
III. Các câu hỏi thường gặp khi mở cửa hàng tạp hóa.
Bán tạp hóa nhỏ có cần xin giấy phép đăng ký kinh doanh không?
Theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP, chỉ kinh doanh hàng lưu động, hộ kinh doanh muối, nông, lâm, ngữ, nghiệp,… không phải xin giấy phép đăng ký kinh doanh. Như vậy kinh doanh hàng tạp hóa bắt buộc phải xin giấy phép đăng ký kinh doanh. Trường hợp của bạn muốn bán tạp hóa nhỏ có thể xin giấy phép hộ kinh doanh.
Mở cửa hàng tạp hóa có cần xin giấy phép cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm không?
Trong trường hợp của hàng tạp hóa bán các sản phẩm chế biến, đóng gói sẵn, không chế biến thực phẩm để kinh doanh thì không cần xin giấy phép cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Sau khi xin giấy phép hộ kinh doanh để mở cửa hàng tạp hóa có cần thủ tục thuế gì không?
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký ký kinh doanh cần làm thủ tục thông báo và xin cấp mã số thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Sau khi được cấp mã số thuế, căn cứ vào mức doanh thu để xác định nghĩa vụ thuế đóng cho nhà nước. Thông thường, hộ kinh doanh đóng phí môn bài và thuế thu nhập cá nhân
Muốn mở hàng tạp hóa ở địa điểm khác phải làm thế nào?
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 mới có hiệu lực, hộ kinh doanh có thể mở ở nhiều địa điểm khác nhau. Tuy nhiên phải lựa chọn 01 điểm là địa điểm kinh doanh chính và phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý các địa điểm kinh doanh khác đã mở.
Đối với trường hợp là doanh nghiệp muốn mở cửa hàng tạp hóa ở địa điểm khác có thể làm thủ tục thay đổi trụ sở công ty hoặc đăng ký thành lập chi nhánh/địa điểm kinh doanh ở địa điểm mới.
Trên đây là tư vấn về kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hóa của chúng tôi. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 0969.324.395 để được hỗ trợ