ANTĐ – Khoác lên mình “bộ giáp” với từng chiếc vảy to như cái chén tống, cá Rồng có dáng bơi khoan thai, mềm mại như “Long chầu”; thế nhưng khi cần săn mồi thì nó vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt tựa “Hổ phục”… Cá Rồng thực xứng đáng là “ông Hoàng” của các loài cá cảnh.
Cận cảnh cái đầu vàng của một con Quá Bối. Để có cái đầu như thế này, con cá phải trải qua
quá trình “khổ luyện” gần 2 năm trong thùng composite
Cận cảnh cái đầu vàng của một con Quá Bối. Để có cái đầu như thế này, con cá phải trải quaquá trình “khổ luyện” gần 2 năm trong thùng composite
Loài cá cảnh duy nhất có Certificate
Trong Sách Đỏ Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật) xuất bản năm 2007, cá Rồng chiếm vị trí số 1 của mục Cá nước ngọt (trang 277-278). Đó là minh chứng rõ nhất về độ quý hiếm của loài cá cảnh này trong tự nhiên. Được biết đến như một loài cá nước ngọt sơ khai và không tiến hóa gì nhiều kể từ kỷ Hạ đệ tam (khoảng hơn 200 triệu năm trước), cá Rồng có kích thước khá lớn: khi trưởng thành cá đạt chiều dài từ 60-80cm, một số trường hợp cá biệt có thể dài hơn. Thuộc loài cá dữ, gần như chỉ có thể nuôi đơn lẻ, tuổi thọ của cá Rồng lên đến hàng chục năm, trở thành biểu tượng của sự trường tồn; ngoài ra bộ vảy lớn với màu sắc rực rỡ khiến người ta dễ liên tưởng đến vảy rồng; môi dưới của cá có hai râu dài hệt như râu rồng… Bởi thế, giới chơi cá cảnh các nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… và Việt Nam đều tôn vinh cá Rồng lên ngôi vị số 1. Nuôi một con cá Rồng trong nhà, đối với người Trung Quốc đây còn là biểu tượng của sự quyền quý, may mắn và thịnh vượng. Nhiều gia đình ở Hồng Kông hay Macao, dù đất đai rất hạn hẹp, họ vẫn cố tìm chỗ đặt một bể cá Rồng trong nhà như một thuật phong thủy: trấn tà ma xui rủi, đón phúc lành lộc tốt vào nhà…
Cá Rồng hiếm trong tự nhiên, tuy nhiên lại sinh sản rất nhiều tại các trại cá lớn và sau khi được CITES (Hội nghị Công ước Quốc tế về Giao thương các giống loại Động-Thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng) cấp phép, cá Rồng được xuất khẩu đi khắp nơi. Để phân biệt, chủ trại bắn vào mỗi con cá một cái microchip chỉ bằng hạt gạo, trong đó có mã số riêng. Dãy số này được in lên từng tờ
Certificate (giấy chứng nhận), có đóng dấu nổi riêng của từng trại, như: trại Munjul (Indonesia); trại Xian Leng (Malaysia); trại Mitra (Indonesia)… Khi chuyển lẫn lộn cả đàn về đến Việt Nam, người bán chỉ cần dùng máy dò chíp là tìm ra đúng Certificate của con cá đó. Muốn kiểm chứng xem con cá đó có đúng của trại mình muốn mua không, người chơi chỉ cần vào website từng trại để tra số microchip.
Vui buồn chuyện nuôi cá Rồng
Thực tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác, phong trào chơi cá Rồng mới phát triển mạnh mẽ vào khoảng 5 năm trở lại đây. Loài cá “Hoàng đế” này có nhiều dòng, nhưng tựu chung lại có thể chia thành hai dòng chính là Quá Bối (toàn thân màu vàng) và Huyết Long (toàn thân màu đỏ). Người chơi có thể xem tuổi của mình hợp với màu gì để nuôi, ngoài ra còn để làm… bể nuôi. Phức tạp đầu tiên là chính từ kích thước của bể nuôi cá Rồng quá lớn so với hầu hết diện tích nhà tại các đô thị lớn. Chí ít cũng phải dài từ 1,5m trở lên, chứa được cả khối nước, mới đảm bảo cho con cá có thể phát triển bình thường. Đặc biệt, đối với người chơi khu vực phía Bắc, vào mùa đông, để làm ấm khối lượng nước này lên 28-30 độ C (nhiệt độ thích hợp để cá Rồng sinh trưởng) cần tốn một lượng điện năng không nhỏ. Cả một cái bể to như thế song lại chỉ nuôi được 1 con cá Rồng (do đặc tính loài cá này nếu nuôi từ 2 con trở lên, chúng sẽ đánh nhau đến rách nát vây, vẩy), trông cũng khá đơn điệu.
Vì thế nên một số người chấp nhận cho cá… te tua, chuyển qua chơi bể cộng đồng. Loại bể này dài không dưới 2,5m – được ráp lại từ những tấm kính cường lực dày. Có không ít người làm bể dài đến 4m để nuôi Bát Long hoặc Cửu Long (8 hoặc 9 con). Với hàng tấn nước chứa bên trong, chưa kể trọng lượng của chính cái bể, chủ nhân thường phải thuê kiến trúc sư khảo sát xem nền móng nhà có chắc không, rồi mới dám đặt bể. Đương nhiên, bể lớn thì… to tiền, riêng tiền bể cá đã hàng trăm triệu đồng.
Nếu tiền bể 1, thì tiền cá 10. Trung bình giá một con cá Rồng hiện nay vào khoảng 30 triệu đồng, những con cá đẹp có giá từ 80-100 triệu đồng, những con đặc biệt thì… vô giá. Giá cá “chát chúa” như thế, nhưng có những người sở hữu đến trên 30 con cá Rồng cùng lúc; số người chơi Bát Long, Cửu Long cũng vô khối; còn lượng người chơi 2 con (1 vàng, 1 đỏ) thì nhiều vô kể. Nhiều người tiền chơi cá lên đến bạc tỉ, và họ vẫn chưa dừng lại.
Nuôi cá Rồng, cần tốn rất nhiều công sức. Đầu tiên là thức ăn cho cá, nghe qua người ngoại đạo có thể sởn da gà: Rết, chuột bao tử, gián, thạch sùng, lươn, chạch và một loại sâu gọi là “super worm” – dài đến 4-5cm. Thực ra, thức ăn tốt nhất cho cá Rồng chính là tôm đông lạnh, song do yêu chiều con cá, nhiều người đã tìm ra thêm các loại thức ăn mới, nhằm bổ sung thêm chất cho cá; cá Rồng lại là loài cá ăn thịt, nên… xơi tuốt. Ghê nhất là cảnh cá Rồng xơi rết: những con rết Trung Quốc to như ngón tay, đầu đỏ chót, dài gần 20cm, được bán với giá vài chục nghìn đồng song cá Rồng chỉ đớp gọn lỏn một phát là hết; tuy nhiên nhiều khi với hàng chục đôi chân của mình, con rết chưa chịu thua ngay, bấu chặt vào mặt, làm cá Rồng phải vùng vằng một lúc mới xơi được. Gián thì sẵn và giúp cho Huyết Long lên màu, song rủi ro cao, do có thể gián bị đánh thuốc xịt. Chuột bao tử an toàn và nhiều vitamin, song không phải lúc nào cũng kiếm được. Nhiều dân chơi cá Rồng thường chịu khó buổi tối đi bắn thạch sùng bằng dây thun. Con vật mềm mềm, nhun nhũn này thường đứt đuôi khi rơi xuống, trở thành “đặc sản” cho cá Rồng. Riêng đối với những người chơi cá Rồng cộng đồng, họ thường phải cho ăn chạch cho rẻ: cả rổ chạch hất vào bể, chỉ loáng cái là mất dạng.
Cho ăn uống tốt để cá Rồng phát triển đầy đủ về kích thước là một chuyện, kỹ thuật nuôi để cho con cá lên màu rực rỡ lại là chuyện khác. Một trong những kỹ thuật đặc biệt quan trọng trong giới chơi cá Rồng được gọi là “tem đèn”. Trong tự nhiên, dưới ánh nắng mặt trời, cá Rồng thường lên màu đỏ hoặc màu vàng rất đẹp; khi đưa vào trong bể nuôi thì đương nhiên bị mất đi nguồn sáng tự nhiên này. Giới chơi cá Rồng bèn sử dụng một loại đèn trắng, có cường độ ánh sáng gần tương đương, chiếu sáng bể cả ngày lẫn đêm để kích thích con cá lên màu. Đối với dòng Huyết Long cần “tem đèn” ngang thành bể để kích thích những hàng vảy hai bên thân cá lên viền màu đỏ (cũng có thể là cả vảy), thường khi con cá đạt kích thước 30cm, người chơi sẽ tiến hành “tem đèn”.
Kỹ thuật “tem đèn” cho dòng Quá Bối lại khác: Người ta nuôi con cá ngay từ khi chỉ nhỏ bằng cái bật lửa trong thùng composite trắng và soi đèn từ trên nóc thùng xuống, cũng với thời lượng 24/24h và kéo dài cho đến khi con cá đạt kích thước chừng 45cm, mới đưa lên bể kính để chơi, trưng bày. Nói sơ thì ngắn, nhưng trên thực tế khoảng thời gian này có thể kéo dài từ 1,5 -2 năm, đủ để phần da màu đen trên đầu con cá biến đổi thành màu vàng – gọi là Quá Bối Đầu Vàng – dòng cá Rồng rất có giá trị. Ngoài ra nếu đi sâu hơn, người chơi cá Rồng kỳ cựu thường săn lùng những con Huyết Long Đầu Đỏ hoặc Quá Bối Đầu Vàng nhưng lại gù (gọi là Fafulong). Loại có cả 2 đặc điểm này là cực hiếm, tỉ lệ từ các trại cá có thể là 1/10.000. Nhiều khi có, trại cá cũng không chịu bán ra, hoặc xuất khẩu với giá rất đắt.
Thực hư chuyện cá Rồng gánh xui cho chủ
Dù có kích thước lớn và sống lâu, song nuôi cá Rồng luôn tiềm ẩn rủi ro. Trong tự nhiên, cá Rồng có thể phóng từ dưới mặt nước lên cao cả mét, để đớp mồi. Không may nó mang nguyên đặc tính này vào trong bể cá cảnh, nếu chủ nhà đậy nắp bể không kĩ, cá có thể phóng vọt ra ngoài. Đây là loại rủi ro hàng đầu, và không ít người chơi đã gặp phải. Nhiều người vừa mua cá về hôm trước thì sáng hôm sau tìm thấy cá trên… nền nhà. Khoảng thời gian đầu tiên cho cá làm quen với bể mới vì thế rất quan trọng. Dân chơi cá Rồng coi đây là việc cá Rồng gánh xui cho chủ.
Vượt lên hết tất cả những chuyện này, những người yêu cá Rồng thực sự vẫn không từ bỏ niềm đam mê của mình. Họ lập ra những diễn đàn trên mạng, cùng nhau sinh hoạt và chia sẻ kinh nghiệm, số lượng thành viên lên đến hàng chục nghìn người, trên khắp mọi miền Tổ quốc. Và hàng ngày, hàng giờ, lượng thành viên vẫn tiếp tục tăng lên – đó có thể chỉ là một cậu tân sinh viên, với khởi đầu là một con Ngân Long – dòng có giá trị thấp nhất trong họ cá Rồng.