Nguồn tin từ Đài truyền hình Press TV cho hay, Bộ trưởng Nhân quyền Wijdan Mikhail Salim sẽ là người trực tiếp gửi đơn kiện chống lại Mỹ – Anh. Vụ kiện sẽ được tiến hành dựa trên những báo cáo từ các Bộ Khoa học và Môi trường của Iraq mà theo đó, cả Mỹ và Anh đều đã sử dụng bom uranium khi phát động cuộc chiến ở Iraq năm 2003.
Ngày càng nhiều trẻ em Iraq bị dị tật bẩm sinh do nhiễm phóng xạ từ bom uranium nghèo
Tờ Assabah dẫn lời của Bộ trưởng Wijdan Mikhail Salim khẳng định, trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Mỹ – Anh đã liên tiếp sử dụng những quả bom có chứa uranium nghèo và ném xuống Iraq gần 2.000 tấn bom uranium nghèo. Điều đáng nói là loại bom này không chỉ gây sát thương lớn mà còn có tính chất hủy hoại môi trường, đầu độc cuộc sống của người dân Iraq và nhất là gây ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sau này.
Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Iraq đã chỉ ra rằng, phóng xạ nguyên tử đã làm gia tăng số trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh và mắc bệnh ung thư ở các tỉnh miền Nam Iraq – nơi bị hứng chịu nhiều trận bom uranium nghèo nhất. Và từ miền Nam, ảnh hưởng về môi trường sẽ dần lan rộng sang các tỉnh miền Trung và miền Bắc Iraq. Đó là chưa kể đến tác dụng về việc phóng xạ có thể thấm xuống đất và nước.
Quan điểm của chính phủ Iraq là không chỉ tìm cách đòi bồi thường cho nạn nhân của những vụ đánh bom này mà còn buộc Mỹ – Anh có trách nhiệm trong việc làm giảm thiểu sự ảnh hưởng của uranium nghèo trong không khí, đất và nước.
Cho đến chiều 2-2, Washington và London vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về thông tin này. Trong khi đó, nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiếng ủng hộ động thái từ phía chính phủ Iraq và cho rằng cần phải hành động ngay để cứu thế hệ tương lai của quốc gia này.
Các nhà quan sát nhận định, việc Iraq kiện Mỹ – Anh có thể sẽ đẩy cuộc điều tra về cuộc chiến Iraq ở một số nước sang hướng khác. Chẳng hạn như tại Anh, cuộc điều trần về cuộc chiến Iraq của cựu Thủ tướng Tony Blair hôm thứ 6 tuần trước đang gây khá nhiều tranh cãi.
Cả dân Mỹ và Anh đều cho rằng, cuộc chiến Iraq năm 2003 là một cuộc chiến phi pháp và cả cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đều đã đánh lừa công luận.
Riêng ở Anh, thân nhân của các binh sĩ tử trận tại Iraq còn yêu cầu Bộ Tư pháp khởi tố ông Tony Blair vì tội ác chiến tranh. Tuy nội dung của cuộc điều trần hiện chưa được công bố, song theo một số nguồn tin, ông Tony Blair đã giải thích rằng, cuộc chiến Iraq bắt nguồn từ việc Iraq đã tỏ ra “bất trị trong 10 năm” và cần phải “đưa vào vòng tuân thủ”.
Chính sách của Anh đối với chính quyền cố Tổng thống Saddam Hussein cũng thay đổi sau vụ tấn công của khủng bố ở Mỹ hồi tháng 9-2001 và ông Tony Blair không ân hận vì ủng hộ cuộc chiến.
Còn tại Mỹ, Quốc hội cũng từng có những cuộc tranh cãi về lý do tiến hành chiến tranh Iraq và cách thức để Mỹ “rút chân” khỏi quốc gia vùng Vịnh này.
Theo Sông Thương (báo CAND)