Xông hơi là phương pháp chăm sóc sức khỏe và làn da được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, nếu xông hơi không cách và không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy đâu là thời điểm thích hợp để xông hơi?
Khi cơ thể bị sốt nhẹ và cảm cúm:
Theo các bác sĩ và chuyên gia, xông hơi có thể cải thiện tình trạng sốt nhẹ và cảm cúm. Hơi nước nóng kết hợp tinh dầu từ những thảo dược như sả, chanh, gừng, tía tô… có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp, lưu thông khí huyết, đào thải độc tố ra ngoài theo các lỗ chân lông, nhờ đó nhanh chóng giải cảm và phục hồi sức khỏe.
Tuy nhiên, không nên xông hơi khi cơ thể bị sốt cao kéo dài và ăn uống kém vì lúc này thân nhiệt đang ở mức cao, cơ thể mất nước và suy nhược. Khi bị tác động đột ngột bởi nhiệt độ cao bên ngoài, cơ thể không thể thích ứng kịp thời, có thể gây nên cảm giác mệt mỏi, thậm chí ngất hoặc đột quỵ.
Khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng:
Xông hơi có khả năng kích thích các cơ bắp giãn nở, giải phóng năng lượng hoàn toàn, giúp tinh thần và cơ thể trở nên thư thái, sảng khoái. Tuy nhiên, xông hơi liên tục mỗi ngày sẽ khiến cơ thể mất nhiều nước, tổn thương khí huyết và hao hụt năng lượng, gây cảm giác uể oải, mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và làn da.
Chính vì vậy, chỉ nên xông hơi khi cơ thể thật sự cảm thấy đau nhức, mệt mỏi và căng thẳng. Đồng thời nên thực hiện phương pháp này tối đa 2-3 lần/tuần và mỗi lần từ 10-15 phút để đạt hiệu quả tối ưu.
Ngoài ra, các chuyên gia sức khỏe cũng khuyến cáo một số thời điểm không nên xông hơi như vừa mới ăn no, uống rượu say, phụ nữ đang mang thai hay trong thời kỳ kinh nguyệt, cũng như đang có vết thương hở hoặc bị các bệnh về da…
Hơn nữa, sau khi xông hơi nên sử dụng khăn khô lau sạch cơ thể và tuyệt đối không tắm lại với nước kể cả nước nóng và nước lạnh. Điều này sẽ khiến các lỗ chân lông bị bít tắc, giữ nước, gây ứ trệ, giảm lưu thông khí huyết, khiến cơ thể đau nhức và bị cảm nhiễm…