Nó như loài tê giác, có lớp da dày, có sức mạnh vô song, được các nhà nghiên cứu xem là nguồn gien quý và liệt vào nhóm động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Điểm khác biệt giữa nó và loài tê giác ở chỗ tê giác sống ở nơi núi sâu rừng thẳm và đã được ghi nhận tuyệt chủng tại Việt Nam cách đây vài tháng. Còn nó sống nơi lòng hồ, đang rất gần với bờ tuyệt diệt và không chừng đã tuyệt diệt!
Nó ở đây là loài cá sấu nước ngọt thuần túy của Việt Nam, được các nhà khoa học thường gọi “cá sấu Xiêm”. Câu chuyện về nó bắt nguồn từ việc người ta phát hiện nó chết thảm ở khu vực hồ Hà Lầm, thuộc địa phận xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vào sáng 29/9. Xác của nó được các nhà khoa học Viện Sinh thái học miền Nam xác định là một trong số ít cá sấu Xiêm còn sót lại ở Việt Nam và thế giới.
Nó được mệnh danh “hung thần sông Hinh”, người dân bản địa chẳng ai cố ý săn lùng nó để giết hại. Cớ sao lại xảy ra cớ sự đau lòng ấy!
Nỗi buồn tuyệt chủng…
Năm 2005, khi nhận được thông tin từ Sở Tài nguyên và môi trường Phú Yên tìm thấy cá sấu Xiêm tồn tại trong môi trường sinh thái tự nhiên ở khu vực lòng hồ sông Hinh, chúng tôi đã tìm đường đến địa phương này với mong muốn được giáp mặt loài bò sát cổ đại có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới được các nhà khoa học ghi nhận “Không còn thấy trong thiên nhiên hoang dã” và được khẳng định “hoàn toàn tuyệt diệt”. Cần nói rõ tin vui tìm thấy cá sấu Xiêm đã làm rúng động giới nghiên cứu khoa học, dư luận trong và ngoài nước.
Sau chặng đường gần 700km, đến cao nguyên sông Hinh, chúng tôi thuê đò vượt sông Ba để đến làng dân tộc Êđê, ngôi làng nằm sát Bàu Sấu vốn là nơi mà các nhà khoa học của Viện Sinh học nhiệt đới (nay là Viện Sinh thái học miền Nam) phát hiện ra “hung thần”. Còn nhớ khi chẻ nước ngược dòng, nghe hỏi chuyện sấu ở Bàu Sấu, người lái đò tên Hải nói như thét rằng: Bầu Sấu thuộc địa phận xã Ea Lâm, là khu đầm lầy bí hiểm mà dân bản địa như Hải dẫu thông thạo địa hình cũng ít dám đặt chân bởi chỉ cần sơ suất một chút là có thể bị sấu vồ bất kỳ lúc nào… “Gần 20 năm sống ở vùng này, tôi chưa từng nghe chuyện sấu ở Bàu Sấu ăn thịt người. Nhưng chuyện heo, chó, bò của đồng bào Êđê thi thoảng bị sấu ăn thịt thì ai cũng biết”.
Tại làng đồng bào Êđê sát Bàu Sấu thuộc buôn Bai, buôn Bưng A, hỏi chuyện sấu ở Bàu Sấu, rất nhiều người rùng mình tỏ bày rằng năm nào cũng có nhà bị bắt chó, bắt bò. Một anh tên Ma Knưl kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chuyện sấu ăn thịt gia súc ở buôn mình: “Ở trên bờ thì nó hiền khô, nó yếu nhưng xuống nước thì nó dữ và mạnh như con cọp ở rừng! Cuối mùa rẫy 2 năm trước, con bò của nhà thằng Oi Dố ở buôn Bai ra bàu uống nước đã bị sấu vồ!”.
Theo các bậc lão niên người địa phương thì vào thời điểm những năm 80 thế kỷ trước, cá sấu còn nằm phơi mình đầy bờ. Ông Ma T’Rưng (lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Lâm, nay chẳng rõ còn hay mất) kể chuyện hàng chục hộ dân ở hai buôn Bưng A, buôn Bai vì sợ sấu “làm phiền” đã nhiều lần di cư làng cách xa khu vực Bàu Sấu nhưng mỗi khi lũ về dâng cao ngập vùng, sấu lại lõng thõng mò vào làng, lên bờ bình thản sục sạo kiếm ăn. Cũng theo lời kể của Ma T’Rưng, có lần sấu hung dữ rượt đuổi bọn con gái, dân làng báo động ông phải lấy súng bắn chết một con to bằng cái ghe chài lưới của đồng bào.
Ngày trước cái bụng của người Êđê quanh khu vực Bàu Sấu tuy bực sấu càn quấy nhưng chẳng ai cố ý sát hại bởi quan niệm hồn ông bà khi chết sẽ nhập vào “cá lớn” (cá sấu). Người dân chỉ ra tay những lúc bị sấu quậy, sấu gây hấn mà thôi. Ấy nhưng điều lạ lùng là từ binh đoàn lúc nhúc, sấu sông Hinh dần vắng bóng một cách lạ kỳ. Điều này được Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã kết luận vào năm 2001 với lời nhấn, không còn cá sấu hoang dã sống trên địa bàn xã Ea Lâm.
Xác con cá sấu gần 100 năm tuổi và số phận loài cá sấu Xiêm nói chung được nhiều người quan tâm.
Sự trở lại ngoạn mục
Từ binh đoàn hùng hậu cớ sao loài cá sấu Xiêm ở sông Hinh biến mất một cách quá nhanh chóng như vậy? Để tìm ra đáp án câu hỏi này, sau những lần nằm vùng ở Bầu Sấu, chúng tôi vỡ lẽ nhiều chuyện buồn. Chuyện rằng trước năm 2000, Bầu Sấu do Ban Quản lý rừng cấm Krông Trai trực tiếp quản lý nhưng sau đó việc trông giữ bàu được giao cho ông Ma T’Rưng.
Đầu năm 2003, Ma T’Rưng bị cắt hợp đồng, bàu coi như không còn người canh giữ nên kẻ xấu từ địa phương khác đến lén lút săn bắt sấu là chuyện khó tránh khỏi. Rồi chuyện khu bảo tồn cá sấu sông Hinh rộng 1.190ha với lưu vực mặt nước Bầu Sấu rộng 288ha ăn thông với sông Ba nhưng đến năm 1995, khi đến định cư tại ven bàu, dân làng vì mở đường đi đã lén lút hạ sạch các cánh rừng làm ảnh hưởng nặng đến môi trường sinh thái khiến rừng quanh bàu không còn nhiều.
Vào mùa nắng, bàu bị cạn kiệt, chỉ còn khoảng 100 ha mặt nước và bị chia cắt độc lập với sông Ba nên phạm vi cư trú của sấu bị thu hẹp. Vì môi trường sống bị thu hẹp, vì Bầu Sấu nằm ở địa phận giáp ranh tỉnh Gia Lai, người dân không biết cá sấu quý hiếm nên giết hại và vì sự săn lùng cật lực của cánh thợ săn chuyên nghiệp đã khiến việc bảo vệ sấu ở Bầu Sấu rất khó khăn.
Trong “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam” quy tụ 454 loài động vật có và không có xương sống vốn là 454 vị thuốc quý, TS sinh học Võ Văn Chi mô tả cá sấu ở hồ sông Hinh thuộc họ cá sấu có tên khoa học Crocodylus siamensis – có hình dạng như con kỳ đà, mõm dài như cái kẹp, hàm dưới có những răng dài và nhọn, đuôi cao, to khỏe, phía trên đuôi có 4 gờ, chân sau có màng bơi nối với các ngón chân, toàn thân phủ những tấm sừng, những tấm sừng ở lưng có hình dạng chữ nhật, thân màu xám, mặt da bụng nhạt màu hơn lưng.
Cũng theo TS Chi, cá sấu Xiêm thường sống ở hồ, sông, rạch, những nơi có nước lặng hoặc nước chảy chậm, chúng thích những đầm lầy xa dòng nước chảy. Mỗi năm, cá sấu đẻ trứng một lần vào đầu mùa mưa, mỗi lứa đẻ từ 15-26 trứng, có khi tới 40 trứng. Cần nói rõ khi thực hiện cuốn “Từ điển động vật và Khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam”, TS Chi bày tỏ sự quan tâm “không phải da, trứng mà chính cái mật (vị thuốc quý dùng trị các bệnh sốt rất tốt) đã đẩy đưa cá sấu Xiêm lọt vào tầm ngắm của các thợ săn một cách vô tội vạ”.
Chính những hệ quả trên đã là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện sấu sông Hinh tuyệt chủng. Thế nên vào năm 2005, thông tin tìm thấy cá sấu Xiêm ở Bàu Sấu đã khiến các nhà bảo tồn nức lòng! Từ khi thông tin tìm thấy cá sấu tuyệt chủng tại sông Hinh đến nay đã được 7 năm, những tưởng với sự nỗ lực cứu nguy của các chuyên gia và chính quyền sở tại thì số phận của loài cá sấu nước ngọt quý hiếm bậc nhất kia sẽ tươi sáng, nào ngờ sự kiện người đi câu tìm thấy con cá sấu Xiêm vào ngày 29/9 đã gióng lên thông điệp buồn rằng có thể đây sẽ là lần cuối cùng người ta tìm thấy cá sấu Xiêm bằng xương bằng thịt.
Đập thủy điện sông Ba Hạ đi vào hoạt động đã thay đổi sinh cảnh sống của cá sấu ở khu vực hồ Hà Lầm.
Bi kịch được lặp lại?
Trở lại vụ con cá sấu Xiêm bạc mệnh được tìm thấy vào ngày 29/9. Đó là con sấu cái, nặng 150kg, dài 3,2m, ước khoảng 100 năm tuổi. Trong quá trình giải phẫu xác con cá sấu đã bị trương sình này, các chuyên gia của Viện Sinh thái học miền Nam phát hiện trên cổ nó có sợi dây thép thắt chặt, điều này chứng tỏ con vật “tử vong” bởi có sự tác động của con người, nghĩa là nó bị ai đó săn bẫy và sát hại.
Nhưng ai đã sát hại con cá sấu Xiêm gần 100 tuổi kia, nó là cá sấu sinh sống ở hồ Hà Lầm hay di chuyển từ vùng khác tới, bị người dân địa phương hay dân nơi khác sát hại, nó có phải là con cá sấu mà nhiều người dân bản địa khẳng định nhiều lần gặp tại hồ Hà Lầm…, ai sẽ chịu trách nhiệm chính liên quan đến cái chết của nó, những điều này cơ quan chức năng đang điều tra và tranh cãi.
Nhưng điều mà chẳng ai có thể phủ nhận là loài cá sấu Xiêm ở hồ Hà Lầm xem như bị xóa sổ bởi nạn săn bắt bừa bãi, bởi lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ bị tích nước vào năm 2008 khiến môi trường sống của cá sấu Xiêm không còn phù hợp (môi trường sống của cá sấu Xiêm có nhiều bèo và lục bình nhưng khi thủy điện tích nước thì bèo và lục bình trôi ra hồ) và số phận chúng bị thả nổi (năm 2006, Viện Sinh thái học miền Nam lập đội xung kích bảo vệ sấu ở Hà Lầm nhưng đến năm 2008, khi hồ thủy điện sông Ba Hạ tích nước thì dự án phải hủy bỏ).
Các chuyên gia khảo sát vùng cá sấu Xiêm sống và tuyên truyền cho người dân sở tại ý thức bảo vệ nguồn gien quý.
Khi mọi chuyện về nguyên nhân cái chết của cá sấu Xiêm và ai chịu trách nhiệm về cái chết của nó vẫn chưa sáng tỏ thì câu chuyện buồn liên quan đến loài cá sấu Việt thuần chủng vẫn chưa dừng lại. Chúng tôi hỏi TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người có nhiều tâm huyết trong việc cứu nguy loài cá sấu nước ngọt ở Bầu Sấu – sông Hinh, rằng Việt Nam có rất nhiều trang trại nuôi cá sấu, có nơi nuôi đến hàng ngàn con, TS Long cho biết các giống cá sấu nuôi hiện nay đều không phải là giống cá sấu thuần chủng mà là cá sấu đã qua nhiều đời lai tạo.
Cũng chính vì điều này mà chất lượng giống nòi của chúng rất hạn chế. Khả năng thích nghi, sức đề kháng của chúng rất yếu. Loài cá sấu được nuôi hiện nay nếu được lai với cá sấu Xiêm trong tự nhiên sẽ cho ra một chủng loại cá sấu mới có chất lượng hơn. Tầm quan trọng của việc phát hiện cá sấu Xiêm là ở chỗ này và cũng vì điều này mà hiện chúng đang bị nhiều kẻ dòm ngó.
Còn bao nhiêu con cá sấu Xiêm ở hồ Hà Lầm, các chuyên gia của Viện Sinh thái học miền Nam đang lên kế hoạch khảo sát. Ngay tại thời điểm này UBND xã Ea Lâm đang tăng cường kiểm tra, nghiêm cấm tuyệt đối các biện pháp đánh bắt bằng xung điện vùng sấu sinh sống và Viện Sinh thái học miền Nam sau quá trình khảo sát sinh cảnh, xác định còn bao nhiêu cá sấu ở hồ Hà Lầm sẽ lập báo cáo, dự án kêu gọi Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới hỗ trợ công tác bảo tồn. Về cơ bản, các chuyên gia sẻ chia phải chạy đua từng ngày mới mong bảo tồn được sấu sông Hinh. Cần nói rõ rằng từ năm 2005, chúng tôi được biết Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên cũng đã lập phương hướng khoanh vùng để bảo vệ tài sản vô giá của địa phương. Nào ngờ!
Cá sấu Xiêm là tài sản quý của Phú Yên nhưng trong suốt thời gian dài chúng vẫn nằm ngoài sự quan tâm, quản lý đúng mức từ những người có trách nhiệm. Cần phải có biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển giống nòi của loài động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm này. Nhân sự kiện tìm thấy xác con cá sấu Xiêm 100 năm tuổi kia, về cơ bản nhiệt tâm của các cơ quan chức năng thì đã rõ nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn có dự cảm buồn rằng, con cá sấu Xiêm được tìm thấy đã chết vào ngày 29/9 vừa rồi là con cá sấu Xiêm cuối cùng ở Bàu Sấu!