KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ
NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2022 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Thực hiện
Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 –
2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát
triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm
2050 với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Triển
khai thực hiện có hiệu quả các định hướng nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đề
ra.
2. Quá trình tổ chức
thực hiện phải bám sát các nội dung cơ bản của Chiến lược
phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến
năm 2050; có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả
thi, hiệu quả; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bổ sung, cập
nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
3. Phân công nhiệm vụ cụ thể để các ngành, địa
phương, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát
triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm
2050.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển
nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh
tranh và phát triển bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; ứng dụng công nghệ cao, thông minh và thực
hiện tích tụ tập trung đất đai để hình thành các
vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản
phẩm; sản xuất nông
nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với
biến đổi khí hậu. Xây dựng nông thôn bền vững với kết cấu hạ tầng kinh tế – xã
hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý, các hình thức tổ
chức sản xuất hiệu quả, trình độ dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được
bảo vệ; các giá trị văn hóa ở nông thôn được giữ gìn và phát huy; an ninh trật
tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phát triển nông
nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp
sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
– Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 2,8 – 3%/năm, tốc độ
tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 – 6%/năm.
– Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong GRDP toàn tỉnh chiếm 3,8%.
– Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ
tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 – 6%/năm.
– Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân
nông thôn cao hơn 2,7 – 3,2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông
thôn giảm bình quân từ 1,5% trở lên.
– Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới
20%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo lên 70%, trong đó, tỷ lệ lao động
qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đến năm 2030 đạt 80%.
– Sản lượng lương thực có hạt hàng năm ổn định ở mức 1,5 triệu
tấn.
– Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với
môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn,
phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,5%, diện tích rừng
có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 46.000 ha.
– Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2030 đạt 99,5% (trong đó có 75% dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ
Y tế).
– Toàn tỉnh có 100%
đơn vị cấp huyện, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông
thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
– Tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông
nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2030 được tăng thêm 50.000 ha.
3. Tầm nhìn đến năm 2050
Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa
và internet vạn vật theo chuỗi giá trị; nông thôn trở thành “nơi đáng sống”,
văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận
và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị góp phần đưa “Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và
hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” theo Nghị quyết số
58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ
Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
III. ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG
1. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và
yêu cầu thị trường
Đẩy mạnh
tích tụ tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; sản
xuất hàng hóa, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển dịch cơ
cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển sang các cây trồng, vật nuôi có lợi
thế phát triển, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung
nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh theo Đề án. Tăng cường ứng
dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu
chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến;
xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông
suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị
và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và
giữa các vùng. Cụ thể trên các lĩnh vực, như sau:
– Định hướng
phát triển các sản phẩm chủ lực, OCOP: Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh
Hóa, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 3416/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh, trong đó tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập
trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm
thông qua hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an
toàn thực phẩm, gắn với việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phấn đấu bình quân mỗi
xã có 01 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (3-4 sao), toàn tỉnh
có 05 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP Quốc gia (5 sao) trở
lên, xây dựng các sản phẩm OCOP đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,
bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu
hàng hóa, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm
để xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, OCOP, lợi thế của tỉnh trên thị
trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
– Trồng trọt: Đổi
mới cơ cấu cây trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp
một cách linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo
nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi
thế so sánh và nhu cầu lớn (cây ăn quả, lúa gạo chất lượng cao, ngô phục vụ chế
biến, mía, cây gai xanh, cây thức ăn chăn nuôi…), có bước đi phù hợp để thúc
đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng như cây dược liệu, hoa cây cảnh,…
Tận dụng điều kiện để phát triển hợp lý các cây trồng nhằm phục vụ chế biến và
tiêu dùng (sắn, cói …).
– Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi theo hướng công
nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ
chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện
với môi trường; trọng tâm là phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh
như: Trâu, bò thịt, bò sữa, thịt lợn, thịt và trứng
gia cầm,…; áp dụng mô hình
sản xuất theo hợp đồng và xây dựng cụm chăn nuôi công nghiệp, liên kết chặt chẽ
với chế biến thực phẩm công nghệ cao. Xây dựng các
vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng
tránh dịch bệnh. Từng bước thay thế mô hình sản xuất gia công giá trị gia tăng
thấp, phụ thuộc đầu vào và đầu ra. Quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn
nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
– Thủy sản: Phát triển thuỷ sản thành một ngành sản xuất hàng hoá lớn,
chất lượng và hiệu quả, bền vững; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững gắn với
việc tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ
và khai thác nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với
nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ
khu vực ven sông, ven biển; nuôi thâm canh, công nghệ cao, an toàn sinh học;
phát triển nghề nuôi biển và nuôi nước ngọt ở các hồ thủy lợi, thủy điện; nuôi
trồng thủy sản hữu cơ. Tăng cường khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững
trên cơ sở trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên
tiến trong công tác bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm khai
thác. Chủ động thích ứng với tác động của biến đổi
khí hậu; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với bảo vệ chủ quyền
quốc gia và quốc phòng – an ninh trên các vùng biển, hải đảo.
– Lâm nghiệp: Tập
trung quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh
tái sinh tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhất là những
khu vực nhạy cảm về môi trường; phát triển du lịch sinh thái và kinh tế dưới
tán rừng góp phần phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng,
hiệu quả kinh doanh đối với rừng trồng sản xuất; hình thành một số vùng chuyên
canh tập trung, đạt tiêu chuẩn bền vững để đáp ứng cơ bản nguyên liệu cho công
nghiệp chế biến gỗ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng phương án
quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC cho các sản phẩm chủ lực, hướng đến
xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng,
các dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, nông lâm kết
hợp. Phân cấp, giao quyền cho các tổ chức, cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình
trong việc quản lý, sử dụng rừng và đất rừng để huy động tối đa các nguồn lực
xã hội trong quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích
đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, cải thiện sinh kế của người dân.
2. Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo
phát triển bền vững
– Thực hiện công
tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy
sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu; bảo tồn và phát triển giống
bản địa. Xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh giống đáp ứng yêu cầu về
số lượng, chất lượng phục vụ sản xuất đại trà. Khuyến khích các thành phần kinh
tế đầu tư sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết
công tư trong cung ứng giống có chất lượng, sạch bệnh. Tăng cường công tác quản
lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản
xuất.
– Đổi mới phương
thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất
nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ,
phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Hỗ trợ nông dân đầu tư, áp
dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi
hiện đại, gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao. Phát triển
các hình thức tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp.
– Xây dựng các
khu nông nghiệp công nghệ cao (dọc đường Hồ Chí Minh, Lam Sơn – Sao Vàng,…). Đầu
tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng
chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh. Hình thành
các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đủ nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất
lượng cho cơ sở chế biến. Thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn,
khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển
các cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ tại các huyện có sản lượng
nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics.
3. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông
nghiệp tiên tiến
– Xây dựng chuỗi
giá trị cho ngành hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Dựa vào các vùng
chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, phát triển hợp tác
xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế
biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị của
các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế
chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện, “vượt qua” địa giới hành
chính. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm,
cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị.
– Đẩy mạnh thí
điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các
vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái,
nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông
nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp
kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng
tái tạo,…), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ
môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh
doanh nông sản…). Đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân
rộng quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới.
4. Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư
nông thôn; đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; xây dựng nông thôn
văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống
– Thu hút các
doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông
thôn. Hỗ trợ hình thành các tổ chức kinh tế chính thức (hợp tác xã, doanh nghiệp,
hộ nghề có đăng ký, tổ chức của Hội nông dân …) để lao động có hợp đồng làm
việc chính thức. Phát triển các tổ chức của nông dân, người lao động (đổi mới
hoạt động Hội nông dân, tổ chức các nghiệp đoàn, công đoàn lao động theo các
ngành nghề, lĩnh vực hoạt động) để bảo vệ quyền lợi cơ bản và hỗ trợ hiệu quả
người lao động trong công tác đào tạo kỹ năng gắn với nhu cầu của thị trường,
trang bị bằng cấp, cho vay vốn, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, giúp tiếp cận thị trường
lao động chính thức.
– Phát triển mạnh
kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô… để tạo
việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp. Nâng
cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ
nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại
và kinh tế hợp tác.
– Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng
nông thôn mới phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và điều kiện cụ thể của
vùng miền, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tránh dàn
trải, lãng phí. Tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư các xã, các huyện
chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu
chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, hoàn thiện và
nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm bền vững. Khuyến khích xây dựng nông
thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông
thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống
chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững;
đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống”. Xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng
dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý,
điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của
doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng dịch
vụ xã hội cơ bản với thành thị.
– Lấy người dân
nông thôn là chủ thể, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đẳng các nguồn
lực phát triển (vốn, đất, nước, năng lượng, khoa học công nghệ,…), các dịch vụ
cơ bản, phúc lợi xã hội (dinh dưỡng, y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa, thông
tin, giao thông…), các cơ hội (học, làm việc, thị trường,…). Thực hiện có
hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa các nguồn lực và
phương thức giảm nghèo, dứt điểm việc xóa đói và tiến đến xóa nghèo. Đối với những
người nghèo ở các vùng thuận lợi thì tạo điều kiện cung cấp tài nguyên, tạo nguồn
sinh kế để họ tự tin, chủ động vươn lên cải thiện đời sống. Đối với các ở địa
phương nghèo và các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thì tập trung
ưu tiên hỗ trợ, mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả đối tượng dễ bị
tổn thương, các đối tượng yếu thế.
5. Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất
nông nghiệp
– Củng cố truyền
thống văn hóa tốt đẹp và quan hệ gắn kết cộng đồng đa dạng tại nông thôn (thôn
bản, dòng họ, hội quán…) để chủ động phát huy nội lực và tinh thần tự chủ, tự
hào, đoàn kết, sáng tạo trong các hoạt động đời sống, phát triển kinh tế, phát
triển du lịch nông thôn, tăng hiệu quả quản lý xã hội và tài nguyên thiên
nhiên. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống phù hợp với thuần
phong, mỹ tục của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng nếp sống văn hóa,
văn minh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư, đấu tranh đẩy lùi các hủ tục lạc hậu
trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
– Tiếp tục đẩy mạnh,
nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở;
phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng, tổ đoàn kết trên biển, quy ước, hương ước, thực hiện
nghiêm túc, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,
dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm tạo động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực
Nhân dân trong quá trình phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, quản lý
và bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở và chủ quyền biển đảo. Xây dựng chính
sách và ưu tiên dành nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi đào tạo đội ngũ cán bộ
làm công tác phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn ở tất cả các cấp (nhất
là ở cấp cơ sở), một cách chính quy với các chương trình và hình thức phù hợp.
6. Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu
– Phát triển cảnh
quan nông thôn gắn với làng sinh thái, thông minh, phát huy lợi thế từng địa
phương, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch
không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường như
chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, chế biến nông sản, giết mổ, xử lý
chất thải… cách xa các khu đô thị, vùng dân cư đông dân, khu du lịch nghỉ dưỡng….
Tập trung trồng lại rừng phòng hộ và đặc dụng, phát triển các khu bảo tồn thiên
nhiên, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai
thác thủy sản có thời hạn, các hồ chứa để bảo vệ chặt
chẽ những vùng nhạy cảm về sinh thái, môi trường và đa dạng sinh học.
– Từng bước giảm
dần sức ép của phát triển kinh tế – xã hội với môi trường bằng các giải pháp
như: Chấm dứt lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy; tạo điều
kiện tái tạo các nguồn tài nguyên cơ bản như đất, nước, năng lượng (sản xuất
năng lượng tái tạo, tích lũy nước mưa, xử lý rác thải ở quy mô hộ, quy mô cơ sở
sản xuất,…); đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để chủ động xử
lý ô nhiễm ngay tại nguồn. Tổ chức và phối hợp thực hiện điều tra, đánh giá nguồn
lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản tại các vùng biển về tổng thể
và theo chuyên đề để làm cơ sở xác định, điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai
thác thủy sản; thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm; xác định các giải pháp
điều tiết xâm nhập mặn ở cửa sông, cửa biển theo nguyên tắc “Không hối tiếc” để
duy trì cân đối sinh thái sông – biển, đảm bảo khả năng tái tạo đa dạng sinh học
và duy trì năng lực tự làm sạch ô nhiễm của tự nhiên.
– Chủ động thích
ứng biến đổi khí hậu bằng áp dụng các biện pháp canh tác thích nghi; áp dụng rộng
rãi các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường (làm đất tối thiểu, bón
phân và phun thuốc thông minh, tưới tiết kiệm nước, chăn nuôi tiết kiệm nước, sử
dụng các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu….). Tăng cường sử dụng
nguyên liệu vi sinh hoặc hữu cơ, áp dụng kỹ thuật thông minh, kinh tế tuần hoàn
để tiết kiệm đầu vào, phát triển mạnh tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo kết
hợp nông nghiệp để giảm bớt lượng nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải cacbon.
Tăng cường trồng rừng, phát triển các cây lâu năm có sinh khối lớn trên bờ và
phát triển nuôi trồng các loại rong tảo trên biển để hấp thụ bớt các-bon.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH
1. Tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động
Tiếp tục tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai
trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ
cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái,
nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Xây dựng Chương trình tuyên truyền, thống
nhất từ nhận thức đến hành động của từng nhóm đối tượng với những nội dung
chính như:
– Phát triển nền
nông nghiệp bền vững: Đảm bảo cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai, khả
năng thích ứng và chống chịu biến động, cân đối, hài hòa các yếu tố môi trường,
xã hội và kinh tế, tái tạo nguyên liệu, năng lượng,… trong sản xuất.
– Phát triển
nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái: Áp dụng các quy trình sản
xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư
và tài nguyên đầu vào, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe con người;
tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thuận
thiên, đa dạng.
– Chuyển từ
ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Từ phạm vi sản xuất
nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản
sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ
trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
– Nông nghiệp
công nghệ cao: Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng
cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm
tổn thất… Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng
công nghệ số,…
– Phát triển nông
nghiệp có trách nhiệm: Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn
thực phẩm, môi trường sinh thái và công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu…;
bảo vệ quyền lợi, chính đáng của người sản xuất và kinh doanh, đảm bảo công bằng
cho người sản xuất nhỏ, các đối tượng yếu thế.
– Đẩy mạnh tư
duy phát triển bao trùm: Gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ,
giữa các địa phương thông qua phát triển các “Cụm ngành”, giữa chuỗi giá trị
trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu; giữa kinh tế nông thôn và kinh tế đô thị,
hộ nông dân với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…
– Tổ chức tuyên truyền, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh công tác đào tạo tập
huấn, chuyển giao khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng tư vấn dịch vụ khuyến nông; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập
trung về tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển
nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn những tiến bộ khoa học kỹ thuật; giới thiệu,
khuyến cáo những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho người dân tham khảo
học tập. Tăng cường phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường Đại Học, Trung tâm
nghiên cứu ứng dụng KHKT trong và ngoài tỉnh để tiếp cận và phối hợp chuyển
giao các tiến bộ kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật mới trên địa bàn tỉnh Thanh
Hóa.
2. Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất
– Hỗ trợ nông hộ
chuyển sang kinh doanh ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp. Xây dựng
các chương trình hỗ trợ nông dân kinh doanh khởi nghiệp, khởi nghiệp làm nghề
nông.
– Tập
trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa
doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản
phẩm nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất,
ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng
bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Phát triển HTX sản xuất
nông nghiệp kiểu mới để đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu cung cấp
cho doanh nghiệp chế biến, tạo thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và
tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản
phẩm OCOP; hỗ trợ và tạo điều
kiện cho các hợp tác xã, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng
chỉ dẫn địa lý của đặc sản xứ Thanh, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tăng cường năng lực cạnh
tranh cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP.
– Sắp xếp,
đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm
nghiệp. Các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi
mới phải có phương án đổi mới cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh, nâng cao
trình độ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, gắn trách nhiệm của người quản lý
doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu với kết quả hoạt động của doanh nghiệp,
đáp ứng yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, tinh gọn bộ máy.
3. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu,
ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
– Đổi mới hình
thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ
nông thôn muốn khởi nghiệp các kỹ năng về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu
cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số
theo hướng “trí thức hóa nông dân”; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người
dân nông thôn; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị
trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm, xu
hướng và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của từng vùng miền.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN TRỌNG
TÂM ĐỂ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI
ĐOẠN 2022 – 2030 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(kèm theo Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 24/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Thanh Hóa)
STT
Nội dung chương trình, đề án
Đơn vị chủ trì
Đơn vị phối hợp
Thời gian trình
1
Cơ chế, chính
sách thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất
lượng cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sở Khoa học và Công nghệ
Sở Nội vụ, Sở
Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Ban Quản
lý KKT Nghi Sơn và các KCN, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan
Trước tháng 5 năm 2022
2
Đề án phát triển
khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Thanh Hóa
Sở Thông tin và Truyền thông
Sở Khoa học và
Công nghệ, Sở Tài chính, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN
Trước tháng 6 năm 2022
3
Đề án nâng cấp
hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên và môi trường tỉnh
Thanh Hóa kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ
Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành trong tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường
Sở Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ngành
và địa phương có liên quan
Trước tháng 6 năm 2022
4
Đề án phát triển
nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Sở Nông nghiệp và PTNT
Các sở ban
ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan
Quý III năm 2022
5
Xây dựng bản đồ
nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý, sử dụng bền
vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)
Sở Nông nghiệp và PTNT
Các sở, ban,
ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan
Qúy III năm 2022
6
Kế hoạch phát
triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các
vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao;
hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Sở Nông nghiệp và PTNT
Các sở, ban,
ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan
Qúy III năm 2022
7
Đề án phát triển
thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sở Nông nghiệp và PTNT
Sở Tài chính,
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển
và các đơn vị liên quan
Tháng 10 năm 2022
8
Đề án phát triển
nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2030
Sở Nông nghiệp và PTNT
Các sở, ban,
ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan
Qúy IV năm 2022
9
Đề án phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát,
giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
Các sở, ban,
ngành và UBND Mường Lát và các đơn vị
có liên quan
Quý IV năm 2022
10
Đề án Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen một số cây
trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
Các sở, ban,
ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan
Năm 2023
11
Đề án thành lập
Khu công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa
Sở Khoa học và Công nghệ
Ban Quản lý
KKT Nghi Sơn và các KCN, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp
và PTNT, Sở Công Thương, các sở, ngành và địa phương có liên quan
Trước tháng 12 năm
2024