Khác biệt giữa Công giáo, Chính thống giáo và Anh giáo | Nhà Thờ Thái Hà

Cả ba Nhánh Kitô Giáo Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, từ đầu, đều thuộc Đạo Thánh của Chúa Kitô gọi chung là Kitô Giáo ( Christianity ). Nhưng theo dòng thời gian, đã có những biến cố gây ra tình trạng rạn nứt hay ly giáo ( schisms ) hoặc những cải cách ( reformations ) đáng tiếc xảy ra khiến Kitô Giáo bị phân chia thành 3 Nhánh chính trên đây. Ngoài ra, còn một nhánh Kitô Giáo nữa là Anh Giáo ( Anglican Communion ) do vua Henri VIII ( 1491-1547 ) của nước Anh chủ xướng năm 1534 để lập một Giáo Hội riêng cho nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh Rôma ( Đức Giáo Hoàng Clement VII ) không chấp nhận cho nhà vua ly dị để lấy vợ khác.

Cho đến nay, các nhóm ly khai trên vẫn chưa hiệp thông được với Giáo Hội Công Giáo vì còn nhiều trở ngại chưa vượt qua được. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng giới hạn trong câu hỏi được đặt ra, tôi chỉ xin nên sau đây những dị biệt căn bản giữa ba Nhánh Kitô Gíáo lớn trên đây mà thôi.

I. Chính Thống ( orthodoxy ) khác biệt với Công Gíáo Rôma ( Roman Catholicism ) ra sao ?

Trước hết, danh xưng Chính Thống “Orthodoxy”, theo ngữ căn (etymology) Hy Lạp “orthos doxa”, có nghĩa là “ca ngợi đúng” (right-praise), “tin tưởng đúng” (right belief). Danh xưng này được dùng trước tiên để chỉ lập trường của các Giáo Đoàn Kitô đã tham dự các Công Đồng Đại Kết (Ecumenical Councils) Nicêa I (325) Ephêsô (431) và nhất là Chalcedon (451) trong đó họ đã đồng thanh chấp thuận và đề cao những giáo lý được coi là chân chính (sound doctrines), tinh tuyền của Kitô Gíáo để chống lại những gì bị coi là tà thuyết hay lạc giáo (heresy). Do đó, trong bối cảnh này, từ ngữ “orthodoxy” được dùng để đối nghịch với từ ngữ “heresy” có nghĩa là tà thuyết hay lạc giáo.

Nhưng sau biến cố năm 1054 khi hai Giáo Hội Kitô Giáo Hy Lạp ở Constantinople ( tượng trưng cho Đông Phương ) và Giáo Hội Công Giáo Rôma ( Tây Phương ) đã xung đột và ra vạ tuyệt thông cho nhau ( anthemas = excommunications ) ngày 16 tháng 7 năm 1054 giữa Michael Cerularius, Thượng Phụ Constantinople và Đức cố Giáo Hoàng Leo IX vì có những bất đồng lớn về tín lý, thần học và quyền bính, thì danh xưng “Chính Thống” ( orthodoxy ) lại được dùng để chỉ Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople đã tách ra khỏi hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Rôma. Sau này, Giáo Hội “Chính Thống” Hy Lạp ở Constantinople đã lan ra các quốc gia trong vùng như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Albania, Estonia, Cyprus, Finland, Latvia, Lithuania, Rumania, Bulgaria, Serbia, Ukraine… Vì thế, ở mỗi quốc gia này cũng có Giáo Hội Chính Thống nhưng độc lập với nhau về mọi phương diện. Nghĩa là không có ai là người lãnh đạo chung của các Giáo Hội này, mặc dù họ có tên gọi chung là các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches ) tách khỏi khỏi Giáo Hội Công Giáo Rôma. ( Tây Phương )

Tuy nhiên, hiện nay Thượng Phụ ( Patriarch ) Giáo Hội Chính Thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul được coi là Thượng Phụ Đại Kết ( Ecumenical Patriarch ) của các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương. Cách nay 5 năm Đức Thánh Cha Benedict 16 ( đã về hưu năm 2012 ) đã sang thăm Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Thổ để tỏ thiện chí muốn đối thoại, đưa đến hiệp thông giữa hai Giáo Hội anh em. Riêng Giáo Hội Chính Thống Nga, cho đến nay, vẫn chưa tỏ thiện chí muốn xích gần lại với Giáo Hội Công Giáo Rôma, vì họ cho rằng Công Giáo muốn “lôi kéo” tín đồ Chính Thống Nga vào Công Giáo sau khi chế độ CS ở Nga tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo Hội Chính Thống Nga hành Đạo. Dầu vậy, một biến cố mới xẩy ra trong năm qua ( 2016 ) là Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Nga tại Mexico, nhưng kết quả của cuộc gặp gỡ lịch sử này giữa hai vị lãnh đạo Công Giáo và Chính Thống Nga không được công bố sau đó. Nhưng đây là một dấu chỉ tích cực giữa hai Giáo Hội anh em.

Trước khi xẩy ra cuộc ly giáo năm 1054, hai nhánh Kitô giáo lớn ở Đông và Tây phương (The Greek Church and the Holy See = Rôma) nói trên vẫn hiệp thông trọn vẹn với nhau về mọi phương diện vì cả hai Giáo Hội anh em này đều là kết quả truyền giáo ban đầu của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê. Lịch sử truyền giáo cho biết là Thánh Phêrô (Peter) đã rao giảng Tin Mừng ở vùng đất nay là lãnh địa của Giáo Hội Công Giáo Rôma, trong khi em ngài, Thánh Anrê (Andrew) sang phía Đông để rao giảng trước hết ở Hy Lạp và sau đó phần đất nay là Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Như thế, cả hai Giáo Hội Kitô Giáo Đông Phương Constantinople và Tây Phương Rôma đều có nguồn gốc Tông Đồ thuần túy (Apostolic succession).

Sau đây là những điểm gây bất đồng khiến đi đến ly giáo (schism) Đông Tây:

  1. Về Tín Lý

Giáo Hội Chính Thống Đông Phương – tiêu biểu ban đầu là Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople,  đã bất đồng với Giáo Hội Công Giáo Rôma về từ ngữ “Filioque” ( và Con ) thêm vào trong Kinh Tin Kính Nicêa tuyên xưng “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha, và Chúa Con mà ra”.

Giáo Hội Chính Thống Đông Phương cũng không công nhận các tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai ( Immaculate Conception ) và Lên Trời cả hồn xác ( Assumption ) mặc dù họ vẫn tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ( Theotokos ). Sở dĩ thế, vì họ không công nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, nên đã bác bỏ mọi tín điều được các Đức Giáo Hoàng công bố với ơn bất khả ngộ ( Infallibility ) mà Công Đồng Vaticanô I ( 1870 ) đã nhìn nhận.

Chính vì họ không công nhận quyền và vai trò lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ của Đức Giáo Hoàng Rôma, nên đây là trở ngại lớn nhất cho sự hiệp nhất ( unity ) giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo cho đến nay, mặc dù hai bên đã tha vạ tuyệt thông cho nhau sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople khi đó là Athenagoras I năm 1966.

Giáo Hội Chính Thống có đủ bảy Bí Tích hữu hiệu như Công Giáo. Tuy nhiên, với Bí Tích Rửa Tội thì họ dùng nghi thức dìm xuống nước ( immersion ) 3 lần để nhấn mạnh ý nghĩa tái sinh vào đời sống mới, trong khi Giáo Hội Công Giáo chỉ dùng nước đổ trên đầu hay trán của người được rửa tội để vừa chỉ sự tẩy sạch tội nguyên tổ và các tội cá nhân ( đối với người tân tòng ) và tái sinh vào sự sống mới, mặc lấy Chúa Kitô.

Chính vì Giáo Hội Chính Thống có đủ các Bí Tích hữu hiệu như Công Giáo, nên Giáo Dân Công Giáo được phép tham dự Thánh Lễ và lãnh các Bí Tích Hòa Giải và Xức Dầu của Chính Thống nếu không tìm được Nhà Thờ Công Giáo hay Linh Mục Công Giáo khi cần.

  1. Về Phụng Vụ

Giáo Hội Chính Thống dùng bánh có men ( leavened bread ) và ngôn ngữ Hy Lạp khi cử hành Phung Vụ, trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng bánh không men (unleavened bread) và tiếng Latinh trong Phụng Vụ Thánh trước Công Đồng Vaticanô II, và nay là các ngôn ngữ của mọi tín hữu thuộc mọi nền văn hóa, chủng tộc khác nhau, trong đó có tiếng Việt Nam.

  1. Sau hết, về mặt kỷ luật Giáo Sĩ

Các Giáo Hội Chính Thống cho phép các Phó Tế và Linh Mục được kết hôn trừ Giám Mục, trong khi kỷ luật độc thân ( celibacy ) lại được áp dụng cho mọi cấp bậc trong hàng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Công Giáo, trừ Phó Tế Vĩnh Viễn ( permanent deacons ).

Đó là những khác biệt căn bản giữa Giáo Hội Chính Thống Đông Phương và Giáo Hội Công Giáo Rôma cho đến nay.

Tuy nhiên, dù có những khác biệt và khó khăn trên đây, Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đều rất gần nhau về nguồn gốc Tông Đồ và về nền tảng Đức Tin, Giáo Lý, Bí Tích và Kinh thánh. Vì thế, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy rằng: “Đối với các Giáo Hội Chính Thống, sự hiệp thông này sâu xa đến nỗi “chỉ còn thiếu một chút là đạt được mức đầy đủ để có thể cho phép cử hành chung phép Thánh Thể của Chúa Kitô” ( x. SGL GHCG, số 838 ).

II. Tin Lành ( Protestantism ) và những khác biệt với Công Giáo

Đúng ra chúng ta phải gọi nhánh này là Giáo Hội Cải Cách ( Reform Church ) hoặc Giáo Hội Thệ Phản ( Protestantism ). Tin Lành chỉ là một hệ phái lớn trong nhánh Kitô Giáo này, nhưng vì người Tin Lành sang Việt Nam sớm nhất, phát triển mạnh và nhanh, nên người Việt mình quen gọi chung tất cả các hệ phái ấy bằng tên gọi là Tin Lành ( ghi chú thêm của Ephata ).

 Nói chung, là Nhánh Kitô Gíáo này đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau những cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther, một Linh Mục Dòng Thánh Augustinô, chủ xướng vào năm 1517 tại Đức, và lan sang Pháp với John Calvin, và Thụy Sỹ với Ulrich Zwingli và các nước Bắc Âu sau đó. Hiện nay có hàng chục ngàn giáo phái này ở Mỹ, hoạt động với nhiều danh xưng khác nhau, nhưng cùng ít nhiều có liên hệ đến nguồn gốc thệ phản ( protestantism ) nói trên. Một đặc điểm của các Giáo Phái Tin Lành là họ không có hệ thống giáo quyền ( Hierachy ) chung như Giáo Hội Công Giáo có hàng giáo phẩm tối cao từ trung ương Rôma cho đến các Giáo Hội địa phương ở mỗi quốc gia. Các nhánh Tin Lành hầu như độc lập với nhau về quyền bính, nhân sự, tài chính và phương thức hành đạo.

  1. Ở góc độ thần học

Những người chủ trương cải cách ( reformations ) trên đã hoàn toàn bác bỏ mọi nền tảng thần học về Bí Tích và cơ cấu tổ chức Giáo Quyền ( Hierachy ) của Giáo Hội Công Giáo. Họ chống lại vai trò trung gian của Giáo Hội trong việc hòa giải con người với Thiên Chúa qua Bí Tích Tha Tội hay Hòa Giải ( reconciliation ) vì họ không nhìn nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh ( Holy Orders ) qua đó Giám Mục, Linh Mục được truyền chức thánh và có quyền tha tội nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi ) cũng như thi hành mọi sứ vụ ( ministry ) thiêng liêng khác ( Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Xức Dầu Thánh, Chứng Hôn ).

Điểm căn bản trong nền thần học của Tin Lành là con người đã bị tội tổ tông phá hủy mọi khả năng hành thiện rồi ( làm việc lành ), nên mọi nỗ lực cá nhân để được cứu rỗi đều vô ích và vô giá trị. Do đó, chỉ cần tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Kitô dựa trên Kinh Thánh là được cứu rỗi mà thôi. ( Sola fide, sola scriptura ).

Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo tin rằng con người vẫn có trách nhiệm cộng tác với ơn Chúa để được cứu rỗi. Nói khác đi, muốn được cứu độ, con người phải cậy nhờ trước hết vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, nhưng cũng phải có thiện chí cộng tác với ơn thánh để sống và thực thi những cam kết khi được rửa tội. Nếu không, Chúa không thể cứu ai được như Chúa Giêsu đã nói rõ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.( Mt 7, 21 ).

Nói khác đi, không phải rửa tội xong, rồi cứ hát Halleluia và kêu danh Chúa Kitô là được cứu độ. Điều quan trong hơn nữa là phải sống theo đường lối của Chúa, nghĩa là thực thi những cam kết khi được rửa tội: đó là mến Chúa, yêu người và xa lánh tội lỗi. Nếu không, tất cả sẽ ra vô ích.

Anh em Tin Lành không chia sẻ quan điển thần học này, nên họ chỉ chú trọng vào việc đọc và giảng Kinh Thánh nhưng không nhấn mạnh đến phần đóng góp của con người như Chúa Giêsu đòi hỏi trên đây. Ngoài Phép Báp-têm và Kinh Thánh, họ không tin và công nhận bất cứ một Bí Tích nào khác. Điển hình là Bí Tích Hòa Giải mà các Giám Mục và Linh Mục Công Giáo được phép tha tội cho các hối nhân nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi ).

Lại nữa, vì không công nhận phép Thánh Thể, nên họ không tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu, mặc dù một số Giáo Phái Tin Lành có nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho khi họ tụ họp để nghe giảng Kinh Thánh. Nhưng đó không phải là cử hành Bí Tích Thánh Thể ( Eucharist ) như trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương. Sứ vụ quan trọng của họ chỉ là giảng Kinh Thánh vì họ chỉ tin có Kinh Thánh ( Sola Scriptura ) mà thôi.

  1. Nhưng Kinh Thánh được cắt nghĩa theo cách hiểu riêng của họ, nên có rất nhiều mâu thuẫn hay trái ngược với cách hiểu và cắt nghĩa của Giáo Hội Công Giáo.

Thí dụ, câu Phúc Âm trong Mátthêu 22, 8-9 trong đó Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ: “Không được gọi ai dưới đất là Cha, là Thầy…” thì anh em Tin Lành hiểu Lời Chúa trong ngữ cảnh ( context ) câu trên hoàn toàn theo nghĩa đen ( literal meaning ) nên đã chỉ trích Giáo Hội Công giáo là ‘lạc giáo = heretical” vì đã cho gọi Linh Mục là “Cha” ( Father, Père, Padre ) !

Thật ra, Giáo Hội cho phép gọi như vậy, vì căn cứ vào giáo lý của Thánh Phaolô, và dựa vào giáo lý này, Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Tín lý Lumen Gentium đã dạy rằng: “Linh Mục phải chăm sóc Giáo Dân như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn” ( 1Cr 4, 15; LG số 28 ).

Một điểm khác biệt nữa trong cách đọc và hiểu Kinh Thánh của Tin Lành là câu Phúc Âm Thánh Marcô kể lại một ngày kia Chúa Giêsu đang giảng dạy cho một đám đông người thì Đức Mẹ cà các môn đệ của Chúa đến. Có người trong đám đông đã nói với Chúa rằng: “Thưa Thầy có mẹ và anh em, chị em của Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy ( Mc 3, 32 ). Anh em Tin Lành đã căn cứ vào câu này để phủ nhận niềm tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh của Công Giáo và Chính Thống, vì họ cho rằng Mẹ Maria đã sinh thêm con cái sau khi sinh Chúa Giêsu. Nghĩa là họ chỉ tin Đức Mẹ đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giêsu mà thôi. Thật ra cụm từ “anh chị em” trong ngữ cảnh ( context ) trên đây chỉ là anh chị em theo nghĩa thiêng liêng ( spiritual brotherhood, sisterhood ) và đây là cách hiểu và giải thích Kinh Thánh của Công Giáo và Chính Thống, khác với Tin Lành.

Sau hết, về mặt quyền bình, các Giáo Phái Tin Lành đều không công nhận Đức Giáo Hoàng là Đại Diện duy nhất của Chúa Kitô trong sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Người trên trần thế.

Chính vì không công nhận Đức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô nên đây là trở ngại lớn cho các nhánh Tin Lành muốn hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo.

  1. Về Bí Tích:

Tất cả các nhóm Tin Lành và Anh Giáo đều không có các Bí Tích quan trọng như Thêm Sức, Thánh Thể, Hòa Giải, Xức Dầu bệnh nhân và Truyền Chức Thánh vì họ không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession ). Và quan trọng hơn nữa, người sáng lập của họ là người thường ( Martin Luther, John Calvin, Henry XIII ) chứ không phải là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã lập Giáo Hội của Chúa trên Đá Tảng Phêrô ( Mt 16, 18-19 ) và “Giáo Hội này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài điều khiển” như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã nhìn nhận ( x. LG số 8 ). Cho nên các nhánh Tin Lành và Anh Giáo đều không có chức Linh Mục và Giám Mục hữu hiệu để cử hành các Bí Tích trên.

Đa số các nhóm Tin Lành và Anh Giáo chỉ có phép rửa ( Baptism ) mà thôi. Nhưng nếu nhóm nào không rửa tội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi ( The Trinitarian Formula ) như nhóm Bahai Hullah, thì không thành sự ( invalidly ). Do đó, khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, tín hữu Tin Lành nào không được rửa tội với nước và công thức trên thì phải được rửa tội lại như người dự tòng ( catechumens ). Nếu họ được rửa tội thành sự thì chỉ phải tuyên xưng Đức Tin khi gia nhập Công Giáo mà thôi.

Đó là những khác biệt căn bản giữa Công Giáo và Tin Lành nói chung. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo vẫn hướng về các anh em ly khai này và mong ước đạt được sự hiệp nhất với họ qua nỗ lực Đại Kết ( Ecumenism ) mà Giáo Hội đã theo đuổi và cầu nguyện trong nhiều năm qua.

Chúng ta tiếp tục cầu xin cho mục đích hiệp nhất này giữa những người có chung niềm tin vào Chúa Kitô nhưng đang không hiệp thông ( communion ) và hiệp nhất ( unity ) với Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội duy nhất Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng Tông Đồ Phêrô, do Đức Thánh Cha, cũng chính là Giám Mục Rôma coi sóc và lãnh đạo với sự cộng tác và vâng phục trọn vẹn của Giám Mục Đoàn ( College of Bishops ).

Lm. Phanxicô Xaviê NGÔ TÔN HUẤN

EPHATA, 759

Rate this post

Viết một bình luận