Khắc phục và phòng tránh chứng lở miệng | BvNTP

1. Tổng quan về lở miệng

lở miệng hay còn gọi loét miệng là tình trạng nhiều người gặp phải, kể cả trẻ nhỏ và người lớn. Lở loét miệng gây ra bởi tình trạng viêm tại niêm mạc miệng và khu vực bị viêm khiến việc hấp thu dưỡng chất từ thức ăn kém đi, dần dần về sau sẽ khiến cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng, không đủ vitamin trong chế độ ăn, lâu dài có thể gây ra một số triệu chứng bệnh khác nhau.

Loét miệng là tình trạng nhiều người gặp phải, kể cả trẻ nhỏ và người lớn

Loét miệng là tình trạng nhiều người gặp phải, kể cả trẻ nhỏ và người lớn

Nguyên nhân gây lở miệng

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra lở loét miệng và dưới đây là một số nguyên nhân chính:

  • Do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, từ đó vi khuẩn có thể dễ dàng tấn công khoang miệng người bệnh và gây ra những vết lở loét ở nướu, lưỡi cùng các vị trí khác trong miệng. 

  • Mang răng giả và hút thuốc mạn tính cũng góp phần tái phát tình trạng này.

  • Một nguyên nhân đặc biệt mà nhiều người thường chủ quan, không nghĩ tới đó chính là đánh răng quá mạnh hoặc dùng bàn chải quá cứng khiến nướu bị tổn thương gây loét miệng.

  • Do niềng răng: Khi niềng răng, dụng cụ nha khoa chà sát vào các mô mềm trong khoang miệng gây tổn thương, đây cũng là nguyên nhân gây lở miệng mà ít người nghĩ đến.

  • Chấn thương nhỏ ở miệng khi chơi thể thao hoặc vô tình cắn phải cũng gây loét miệng.

  • Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, thiếu ngủ, căng thẳng cảm xúc, nhạy cảm với thực phẩm có tính axit như cam quýt, dâu tây,…

Niềng răng cũng là nguyên nhân gây lở miệng mà ít người để ý

Niềng răng cũng là nguyên nhân gây loét miệng mà ít người để ý

Triệu chứng và dấu hiệu của lở miệng

Một số triệu chứng và dấu hiệu của loét miệng gồm có:

  • Xuất hiện vết lở loét gây đau bên trong miệng, vòm miệng, trên lưỡi hoặc trong má.

  • Vết loét có màu trắng hoặc xám, hình tròn và có viền màu đỏ.

  • Trong một số trường hợp nặng bạn có thể xuất hiện một số triệu chứng như sốt, mệt mỏi và sưng bạch huyết.

2. Phải làm gì khi bị lở miệng

Đối với các vết loét miệng nhỏ có thể tự biến mất sau 7 – 10 ngày, một vài trường hợp có thể kéo dài cả tháng, gây khó chịu cho người bệnh. Vì vậy để tình trạng này khỏi nhanh chóng, bạn có thể một số biện pháp đơn giản tại nhà như:

  • Tránh ăn các loại thực phẩm cay nóng và có lượng đường cao.

  • Không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê.

  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách.

  • Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress. 

  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng.

  • Uống đủ nước mỗi ngày, cung cấp vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B cho cơ thể. 

  • Hạn chế nhai các loại kẹo cao su khiến tình trạng loét miệng nặng hơn.

Ngoài ra bạn có thể thực hiện một số cách chữa loét miệng sau:

Sử dụng nước súc miệng

Có thể sử dụng nước muối hoặc nước súc miệng để vệ sinh, sát trùng giúp ngăn ngừa viêm nhiễm. Từ đó vi khuẩn bên trong khoang miệng cũng được giảm thiểu, khu vực bị lở loét được làm sạch, giúp giảm đau, khó chịu.

Uống trà hoa cúc mật ong

Trà hoa cúc mật ong được xem là một phương pháp hiệu quả giúp chữa lành các vết lở loét trong miệng. Hãy súc miệng hoặc uống 1 tách trà hoa cúc mật ong sẽ giúp điều trị bệnh lở miệng hiệu quả. 

Uống trà hoa cúc mật ong giúp chữa lành các vết lở loét trong miệng

Uống trà hoa cúc mật ong giúp chữa lành các vết lở loét trong miệng

Sử dụng dầu đinh hương

Sau khi làm sạch bằng nước muối hoặc nước súc miệng, bạn có thể sử dụng một miếng bông gòn thấm dầu đinh hương và thoa vào vết thương giúp giảm đau rát do loét miệng gây ra.

Bổ sung chất dinh dưỡng để tăng khả năng miễn dịch

Hãy bổ sung nhiều trái cây, rau xanh và sữa vào bữa ăn hàng ngày của bạn bởi đây là các loại thực phẩm không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn có ích trong việc ngăn ngừa các vết lở loét ở miệng tái phát.

Uống viên sủi vitamin

Viên sủi vitamin được xem là trợ thủ đắc lực khi gặp tình trạng lở miệng. Cho viên sủi vào trong ly nước với lượng nước vừa đủ để sủi hết bọt, sau đó sử dụng. Lưu ý nên uống viên sủi vitamin trước 16h hàng ngày, tránh uống muộn, uống trước khi ngủ sẽ kích thích thần kinh, gây mất ngủ.

Nếu như đã thực hiện đủ các cách mà tình trạng loét miệng vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đến bệnh viện, cơ sở y tế để được bác sĩ nha khoa thăm khám, xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. 

3. Cách phòng tránh lở miệng

Bạn có thể phòng tránh và kiểm soát lở miệng bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần để cải thiện sức khỏe, sức cơ. Nếu cảm thấy nóng, bơi lội và các môn vận động dưới nước sẽ giúp bạn giải nhiệt cơ thể.

  • Có chế độ ăn uống khoa học, theo các nghiên cứu chỉ ra chế độ ăn ít chất béo bão hòa và các axit béo omega 3 có trong dầu oliu, dầu cá,… tốt cho sức khỏe.

  • Giải tỏa stress: Theo các nghiên cứu chỉ ra, stress có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, vì vậy bạn nên giải tỏa stress bằng cách thực hiện các bài tập yoga, ngồi thiền, tập thái cực quyền,…  

  • Đánh răng nhẹ nhàng bằng các loại bàn chải có lông mịn vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày để vệ sinh răng miệng giúp bạn phòng ngừa và hạn chế các bị loét miệng. 

Luyện tập yoga, giải tỏa stress cũng là cách phòng tránh loét miệng

Luyện tập yoga, giải tỏa stress cũng là cách phòng tránh loét miệng

Xem thêm: 10 lời khuyên của chuyên gia về cách điều trị chảy máu nướu răng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

Rate this post

Viết một bình luận