Trong đời sống sản xuất của xã hội, trong việc đào tạo cán bộ kỹ thuật, đào tạo công nhân chúng ta thường nói đến một khái niệm khác. Đó là nghề.
Những chuyên môn có những đặc điểm chung, gần giống nhau được xếp thành một nhóm chuyên môn và được gọi là nghề. Nghề là tập hợp của một nhóm chuyên môn cùng loại, gần giống nhau.
Chuyên môn là một dạng lao động đặc biệt, mà qua đó con người dùng sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của mình để tác động vào những đối tượng cụ thể nhằm biến đổi những đối tượng đó theo hướng phục vụ mục đích, yêu cầu và lợi ích của con người.
“Sổ tay Tư vấn Hướng Nghiệp và chọn nghề”, Nguyễn Hùng chủ biên, Nhà xuất bản Giáo Dục, xuất bản năm 2008, trang 11
————————————
Ở một khía cạnh khác:
Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Nghề thường được hiểu là một việc làm có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống cho mỗi người. Nghề không đơn giản chỉ để kiếm sống mà còn là con đường để thể hiện và khẳng định giá trị của bản thân.
Chuyên môn là một lĩnh vực lao động sản xuất hẹp mà ở đó, con người bằng năng lực thể chất và tinh thần của mình làm ra những giá trị vật chất (thực phẩm, lương thực, công cụ lao động…) hoặc giá trị tinh thần (sách báo, phim ảnh, âm nhạc, tranh vẽ…) với tư cách là những phương tiện sinh tồn và phát triển của xã hội.
Trên thế giới hiện nay có trên dưới 2000 nghề với hàng chục nghìn chuyên môn. Ở Liên Xô trước đây, người ta đã thống kê được 15.000 chuyên môn, còn ở nước Mỹ, con số đó lên tới 40.000.
Vì hệ thống nghề nghiệp trong xã hội có số lượng nghề và chuyên môn nhiều như vậy nên người ta gọi hệ thống đó là “Thế giới nghề nghiệp”. Nhiều nghề chỉ thấy có ở nước này nhưng lại không thấy ở nước khác. Hơn nữa, các nghề trong xã hội luôn ở trong trạng thái biến động do sự phát triển của khoa học và công nghệ. Nhiều nghề cũ mất đi hoặc thay đổi về nội dung cũng như về phương pháp sản xuất. Nhiều nghề mới xuất hiện rồi phát triển theo hướng đa dạng hóa. Theo thống kê gần đây, trên thế giới mỗi năm có tới 500 nghề bị đào thải và khoảng 600 nghề mới xuất hiện. Ở nước ta, mỗi năm ở cả 3 hệ trường (dạy nghề, trung học chuyên ngiệp và cao đẳng – đại học) đào tạo trên dưới 300 nghề bao gồm hàng nghìn chuyên môn khác nhau.
-/- Hướng nghiệp Việt