Khám Phá Cung Điện Tử Cấm Thành Nguy Nga Huyền Bí Tại Bắc Kinh

Khám Phá Cung Điện Tử Cấm Thành Nguy Nga Huyền Bí Tại Bắc Kinh

Tử Cấm Thành hoa lệ trước kia là cung điện của vua chúa phi tần và quý tộc Trung Hoa, còn ngày nay nơi đây là một trong những địa điểm tham quan chính đối với khách du lịch Bắc Kinh. Hãy cùng tìm hiểu thông tin về công trình tráng lệ này để có được trải nghiệm tốt nhất khi đến Trung Quốc khám phá cung điện Tử Cấm Thành nguy nga huyền bí tại Bắc Kinh nhé.

 

Vài nét về Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành (The Forbidden City) ngày nay còn được gọi là Cố Cung tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố Bắc Kinh, là cung điện của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Các cung điện khổng lồ trong Tử Cấm thành được khởi công vào năm thứ 4 đời vua Vĩnh Lạc – vị hoàng đế kiệt xuất của triều Minh tức là năm 1406 và hoàn thành sau 14 năm vào năm 1420.

Đây là cung điện hoàng gia được bảo tồn tốt nhất của Trung Quốc và là một trong những cung điện lâu đời nhất trên thế giới, khi đến đây khách du lịch Bắc Kinh sẽ được tham quan nơi ở của hoàng thất và quan lại xưa kia, cùng những tác phẩm vô giá và nghệ thuật hoa viên truyền thống Trung Hoa.

forbidden-city-beijing-vemaybay123
Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh là cung điện của 24 triều vua Trung Hoa được coi như báu vật lịch sử vô giá

 

Những điểm đến chính trong Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành được xây dựng bên trong tường thành như một khối hình chữ nhật, từ Bắc xuống Nam dài 961m, từ Đông sang Tây dài 753m, tường thành cao 10m và kéo dài 3.4km với hào sâu bao quanh thành và được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt. 4 góc thành là 4 tòa tháp canh với kiến trúc, kiểu mái phức tạp và 4 mặt tường thành có 4 cổng chính nối với cây cầu thông ra bên ngoài thành: Ngọ môn ở phía Nam, Thần Vũ môn ở phía Bắc, Đông Hoa môn ở phía Đông và Tây Hoa môn ở phía Tây.

Bên trong Tử Cấm Thành được chia làm 2 khu vực là Nội Đình và Ngoại Đình, trong đó

  • Ngoại Đình hay còn được gọi là Tiền Triều nằm ở phía Nam, là nơi diễn ra những nghi lễ, lễ tế quan trọng, tổ chức những lễ thi cử… Khu vực này có điện Thái Hòa nằm ở trung tâm, phía sau là điện Bảo Hòa; hai bên Đông – Tây là điện Văn Hoa nơi lưu trữ thư pháp, sách vở của Hoàng đế và điện Võ Anh nơi Hoàng đế gặp những quan đại thần và thiết triều.
  • Nội Đình hay còn được biết đến là Hậu Cung là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất, vào thời nhà Thanh đây còn là nơi ở và làm việc của Hoàng đế. Tiền triều chỉ sử dụng trong những dịp có nghi lễ quan trọng. Cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh và điện Giao Thái là 3 cung chính tại hậu cung được gọi là Hậu Tam Điện.

kien-truc-tu-cam-thanh-vemaybay123
Tử Cấm Thành nằm bên trong tường thành hình chữ nhật với hào sâu bao quanh và tháp canh ở 4 góc

 

Điện Thái Hòa

Sau khi đi qua cửa Ngọ Môn du khách sẽ đến điện Thái Hòa, trước khi bước vào điện du khách sẽ phải đi qua cửa Thái Hòa là cửa của 3 điện lớn tại Tử Cấm Thành, đằng trước có 7 gian dựng trên một nền đá cao, hai bên cửa là sư tử đồng nhằm làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của kiến trúc và sức mạnh của Thiên triều.

Điện Thái Hòa là nơi quan trọng nhất bên trong Tử Cấm Thành tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế, vào thời nhà Minh đây là nơi thiết triều và trao đổi chính sự. Đến thời nhà Thanh hoàng đế chuyển nơi thiết triều ra cung Càn Thanh, điện Thái Hòa chỉ được sử dụng để tổ chức nghi lễ. Trang trí tại điện Thái Hoà phần lớn là hoa văn hình rồng, tượng trưng cho những hoàng đế lúc bấy giờ.

dien-thai-hoa-tu-cam-thanh-vemaybay123
Điện Thái Hòa là nơi quan trọng nhất bên trong Tử Cấm Thành tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế

Cung Càn Thanh

Cung điện này được xây trên nền đá cẩm thạch đơn cấp cùng 2 lớp mái ngói lưu ly, từ cửa Càn Thanh ở phía Nam nhìn thẳng lên. Cung điện rộng lớn này được chia thành 2 phần, mỗi phần gồm 9 phòng và 27 chiếc giường, mỗi đêm Hoàng đế sẽ chọn ngẫu nhiên một giường để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên đến thời vua Ung Chính ông không muốn tiếp tục sống trong cung điện này vì trước kia vốn là nơi ở của hoàng đế Khang Hy, nên đã chuyển qua Dưỡng Tâm điện ở phía Tây. Sau đó cung điện này trở thành nơi thiết triều, xét xử, tiếp đón sứ thần và tổ chức những buổi yến tiệc.

Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngai vàng của Hoàng đế được trạm trổ tinh xảo, cùng chiếc bàn dùng để viết những chiếu chỉ và phê duyệt công văn, trên trần cung điện được chạm khắc hình rồng uốn lượn tinh tế. Đặc biệt phía trên ngai vàng còn có một tấm biển với dòng chữ “Chính Đại Quang Minh”, nghĩa là làm gì cũng phải ngay thẳng đường hoàng. Trong thời Ung Chính hoàng đế sẽ bí mật viết lên một tờ chiếu tên người kế vị rồi giấu sau tấm biển này, sau khi Hoàng đế băng hà, những đại thần sẽ thuận theo tờ chiếu này mà tuyên bố người kế vị và cử hành nghi lễ đăng quang.

cung-can-thanh-tu-cam-thanh-bac-kinh-vemaybay123
Cung Càn Thanh được xây trên nền đá cẩm thạch đơn cấp cùng 2 lớp mái ngói lưu ly

Cung Khôn Ninh

Đây là một trong 3 cung điện chính tại Hậu Cung được xây vào khoảng năm 1420 và được tu sửa nhiều lần trong cả triều Minh và Thanh, nơi đây là chính cung dành cho những hoàng hậu trong Tử Cấm Thành. Cung điện rộng lớn này gồm 9 hành lang rộng với 3 phòng lớn, mái lợp ngói lưu ly vàng óng. Khôn Ninh cung trong thời Minh là nơi ở chính của hoàng hậu nhưng đến thời nhà Thanh, hoàng hậu chuyển sang Dưỡng Tâm điện cùng hoàng đế nên nơi này chỉ còn sử dụng làm lễ động phòng và là điện tế thần.

Hall-of-Mental-Cultivation-khon-ninh-cung-vemaybay123
Khôn Ninh Cung là chính cung nơi ở dành cho những hoàng hậu bên trong Tử Cấm Thành

Dưỡng Tâm Điện (điện Giao Thái)

Cung điện này nằm ở phía tây nam Cung Càn Thanh được xây vào thời nhà Thanh (giữa thế kỉ 16) và luôn được sử dụng làm thư phòng của Hoàng đế, kể từ thời Ung Chính trở đi, Dưỡng Tâm điện vừa là thư phòng, phòng họp bàn triều chính hàng ngày của vua và kiêm luôn nơi nghỉ ngơi. Cách bài trí của cung điện này có đủ chức năng của phòng làm việc, phòng ngủ, những phòng nhỏ bàn việc cơ mật, và gian điện bái Phật… vô cùng thuận tiện.

Duong-tam-dien-tu-cam-thanh-vemaybay123
Dưỡng Tâm Điện được sử dụng làm thư phòng, nơi họp bàn triều chính và kiêm luôn nơi nghỉ ngơi

Ngự hoa viên

Phía sau cùng tại Tử Cấm Thành là Ngự hoa viên hay còn được gọi là Vườn Thượng Uyển được xây dựng vào năm 1417 với điện Thọ Hoà bên trong. Đặt chân đến nơi đây du khách sẽ cảm nhận được cảnh sắc thiên nhiên ngập tràn, khác hẳn với sự hoa lệ của những cung điện trong Tử Cấm Thành. Ngự Hoa Viên có diện tích rộng khoảng 11.000m2, nơi đây được trồng rất nhiều loài cây cảnh vô cùng quý hiếm, có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn tỏa bóng khắp một góc vườn thượng uyển, khiến cho du khách cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ chịu khi ghé thăm nơi đây. Bên cạnh đó trong vườn còn xây dựng những vọng lâu, đình, đài, lầu các để nhà vua đọc sách, ngâm thơ, ngắm trăng.

Imperial-garden-forbidden-city-vemaybay123
Ngự Hoa Viên là nơi có cảnh sắc thiên nhiên ngập tràn khác với sự hoa lệ của các cung điện Tử Cấm Thành

 

Nghệ thuật kiến trúc của Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành không chỉ thu hút khách du lịch Bắc Kinh vì những câu chuyện lịch sử mà còn bởi kiến trúc tráng lệ, độc đáo. Tất cả các cổng và những sảnh quan trọng của Tử Cấm Thành được bố trí đối xứng trên một trục trung tâm dọc theo hướng từ Bắc xuống Nam.

Trong triều đại nhà Minh và Thanh màu vàng là biểu tượng quyền lực tối cao và chỉ được sử dụng bởi hoàng gia còn màu đỏ là màu của may mắn và hạnh phúc. Bởi vậy vàng và đỏ là màu sắc chủ đạo tại Tử Cấm Thành. Các bức tường, cột trụ, cửa ra vào hầu hết đều được sơn màu đỏ và mái đều lợp ngói tráng men màu vàng, tạo ra một bức tranh hài hòa, sống động.

mau-sac-kien-truc-tu-cam-thanh-vemaybay123
Màu vàng và đỏ là màu sắc chủ đạo tại Tử Cấm Thành biểu tượng cho quyền lực và sự may mắn hạnh phúc

Tử Cấm Thành là tổ hợp công trình kiến trúc gỗ cổ xưa nhất và còn được bảo tồn nguyên vẹn nhất đến giờ. Các cột trụ chính, những dầm nhà đều được làm từ gỗ cây Trinh Nam quý hiếm; ngoài ra điểm thu hút du khách đó là những khớp gỗ tại đây đều được tạo tác đan xen với nhau, ghép lại mà không dùng đến một chiếc đinh nào.

Trong văn hóa Trung Quốc sư tử là vua của muôn thú và được coi là biểu tượng của sức mạnh, bởi vậy sư tử bằng đá hoặc đồng được đặt tại Tử Cấm Thành có ý nghĩa biểu tượng như linh thú canh giữ, bảo vệ hoàng gia. Khi đến Tử Cấm Thành bạn sẽ thấy tại các cổng, cửa điện đều sẽ có một đôi sư tử ở hai bên.

guardian-lion-forbidden-city-vemaybay123
Sư tử bằng đá và đồng đặt tại Tử Cấm Thành có ý nghĩa biểu tượng như linh thú canh giữ, bảo vệ hoàng gia

Tử Cấm Thành được coi là báu vật lịch sử vô giá, công trình lịch sử chứng kiến thời kỳ phong kiến hoàng kim nhất của Trung Quốc. Không chỉ có giá trị lịch sử mà nó còn có giá trị to lớn về mặt văn hóa đối với nhân dân Trung Hoa khi được xem là tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc với những nét chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ. Nếu có dịp đặt Vé máy bay Trung Quốc du lịch Bắc Kinh đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá Cố Cung hoa lệ và huyền bí này nhé.

Rate this post

Viết một bình luận