Cập nhật lúc 09:30:24, 16/05/2017
Sông Hương là hình ảnh được du khách nhớ đến đầu tiên khi nhắc đến mảnh đất Cố đô Huế. Dòng sông hiền hòa chảy quanh năm trong thành phố luôn là điểm đến không thể bỏ qua cho những du khách đã một lần đặt chân đến Huế.
Sông Hương
dài 80km, đoạn từ Bẵng Lãng đến cửa Thuận An dài 30km. Độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm. Đoạn sông chảy qua Huế uốn lượn như sắp đặt nhằm tôn tạo thêm vẻ kiều diễm cho thành phố Huế.
Có thể nói rằng Sông Hương là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho Huế. Con sông này là yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô, là nơi hội tụ của cảnh quan và di sản văn hóa Huế.
Sông Hương là một trong những biểu tượng của thành phố Huế
Du lịch Huế/ Du lịch miền Trung: Hà Nội – Đà Nẵng – Sơn Trà – Bà Nà – Hội An – Huế 4 Ngày
Vẻ đẹp của sông Hương từ lâu đã đi vào thi ca nhạc họa và không câu từ nào có thể lột tả được hết vẻ đẹp của dòng dông này.
Sông Hương mang vẻ đẹp thâm trầm từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông cũng đi qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế… rồi từ đây con sông xuôi ra biển cả Thuận An, Lăng Cô rộng lớn. Ngoài ra trên thượng nguồn sông có thứ cỏ Thạch Xương Bồ – một vị thuốc có mùi hương. Tương truyền chính thứ cỏ này đã tẩm hương vào nước, làm cho dòng sông thoang thoảng một mùi thơm nên mới mang tên Hương Giang.
Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, nước thêm xanh thằm tại chân núi Ngọc Trản – điện Hòn Chén nom như một lòng vực sâu thẳm.
Những trưa hè đầy nắng, Hương Giang xanh biếc như một viên ngọc dưới ánh mặt trời. Điểm xuyết thêm vào vẻ đẹp yên bình lộng lẫy đó là chiếc cầu Trường Tiền vắt qua hai bên bờ sông.
Khi đêm về, mặt sông Hương phản chiếu ánh trăng như dát bạc, giọng hò man mác cất lên, du khách hãy đón chén rượu từ tay cô gái Huế mà thưởng thức vị ngọt ngào trong tiếng đàn, lời hát trên dòng sông Hương. Trên những chiếc thuyền rồng không những vang lên những khúc Nam Ai Nam Nam Bình mà còn có các trò chơi tao nhã thanh cao khác như thả thơ, đố thơ… cho tầm hồn du khách thê phần bay bổng.
Đi thuyền nghe ca Huế trên sông Hương
Từ trước đến nay nhiều người đều cho rằng Huế êm đềm, dịu dàng, yên tĩnh một phần không nhỏ là nhờ sông Hương – dòng sông xanh mang chất thơ trầm lắng, trong sáng hài hoà lan toả vào vùng đất có chiều sâu văn hiến.
Sông Hương có một vị trí rất đặc biệt đối với đời sống văn hóa, tâm linh cũng như sự phát triển của du lịch Huế. Đại đa số cảnh quan, kiến trúc và di sản văn hóa nổi tiếng của vùng đất cố đô mà du khách thường ghé thăm mỗi lần đến Huế đều hội tụ hai bên bờ sông. Từ những công trình kiến trúc cung đình như kinh thành, lăng tẩm, đến những công trình tín ngưỡng, tôn giáo như chùa chiền, chánh điện, cho đến các công trình văn hóa, giáo dục, công sở, phố thị, bảo tàng, làng nghề, những con đường và công viên đẹp nhất ở Huế…
Chùa Thiên Mụ nằm bên bờ Hương Giang
Sông Hương cũng là sân khấu, là môi trường để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể của Huế như Nhã nhạc cung đình và ca Huế. Con sông êm đềm này là không gian văn hóa để tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật lớn của các Festival Huế, là nơi hẹn hò, níu kéo nhiều thế hệ người Huế và du khách thập phương trở lại với cố đô, là nơi diễn ra các sự kiện giao lưu văn hóa quốc gia và quốc tế.
Festival Huế lấy sân khấu chính là sông Hương
Cùng với núi Ngự Bình, sông Hương đã, đang và sẽ mãi mãi là biểu tượng của Huế. Nhiều người đã cho rằng, sông Hương là một trong những dòng sông đẹp nhất thế giới.