Bánh chưng là món ăn quen thuộc trong ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam nhưng nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng là gì thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa của món ăn truyền thống mang giá trị văn hóa, lịch sử này thông qua bài viết dưới đây.
Nguồn gốc của bánh chưng ngày Tết
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt dù có đi đâu, ở đâu cũng sẽ quay về sum họp với gia đình và cùng nhau gói những chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết để cúng gia tiên.
Có thể nói, bánh chưng trong tiềm thức người Việt là món ăn đặc trưng của dân tộc, là cảm giác háo hức thời ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình ấm áp trong ngày đầu năm mới.
Bánh chưng xanh món ăn không thể thiếu ngày tết
Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng xuất hiện từ thời vua Hùng dựng nước và giữ nước. Theo sự tích truyền lại, nhân dịp đầu xuân năm mới, vua Hùng muốn truyền lại ngôi vị, nhưng chưa biết phải chọn ai trong các vị hoàng tử tài hoa. Chính vì thế, vua Hùng truyền chỉ, nếu ai dâng lên món quà vừa ý thì sẽ truyền lại ngôi vua.
Đến ngày dâng lễ, các hoàng tử đều dâng đủ các thứ sơn hào hải vị quý hiếm trên đời, duy chỉ có vị hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu, mồ côi mẹ và cũng nghèo khó nhất vẫn lo lắng chưa biết dâng lễ gì.
Đêm đó, hoàng tử Lang Liêu mộng thấy vị thần mách bảo “ Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và vuông tượng trưng cho đất trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành của cha mẹ.”
Hoàng tử Lang Liêu mừng rỡ, dâng lên vua cha bánh chưng – bánh . Đây chính là nguồn gốc của hai loại bánh truyền thống của đất nước ta.
Ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết
Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày Tết. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dày.
Theo truyền thuyết, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh và hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên có màu trắng và không nhân vị.
Bánh chưng âm dành cho Mẹ, bánh dày dương dành cho Cha. Bánh chưng bánh dày là món ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn và bao la như trời đất của cha mẹ.
Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước chính vì vậy từ xa xưa đời sống của người dân Việt đã phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều. Thiên nhiên quyết định sự ấm no của con người. Bánh chưng được làm ra mỗi dịp Tết đến để thể hiện sự biết ơn với trời đất và mong muốn năm tiếp theo sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu.
Ngoài ra, ý nghĩa của bánh chưng còn mang đến giá trị tinh thần rất lớn. Trong ngày Tết, hình ảnh gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa. Tết sẽ không còn trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề đến đâu thì vài chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có.
Thông thường các gia đình sẽ gói bánh chưng vào ngày 27 – 28 tháng chạp, đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau 1 năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết. Đây chính là dịp để ông bà bố mẹ và các con cháu sum vầy trước không khí rạo rực của năm mới, bánh chưng chính là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.
Trên đây là thông tin về ý nghĩa bánh chưng ngày Tết, hy vọng qua bài viết này bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của món ăn truyền thống này.