Với các bé đủ tiêu chuẩn sức khỏe, sẽ được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật từ ngày 15-18/12/2020. để Đây là chương trình phối hợp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng với Tổ chức Operation Smile (O.S).
Theo đó, Tổ chức O.S sẽ thanh toán chi phí phẫu thuật cho mỗi bệnh nhân là 5 triệu đồng. Trung tâm phẫu thuật sọ mặt và tạo hình sẽ thanh toán chi phí phát sinh ngoài hỗ trợ của O.S và bệnh viện cho các bé được phẫu thuật. Bệnh viện sẽ miễn phí giường bệnh cho bệnh nhân.
Năm 2020, đây là đợt thứ 3 chương trình này được diễn ra tại bệnh viện. TS.BS. TS.Lê Diệp Linh – Trung tâm phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình, BV 108 cho biết: Đây là hoạt động thường quy của bệnh viện, mỗi năm từ 4-5 đợt. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác khám sàng lọc vất vả hơn nhưng năm trước. Các tình nguyện viên và nhân viên của bệnh viện phải làm hồ sơ khai báo y tế kỹ cho cả bệnh nhân và người nhà đi chăm sóc. Để bảo đảm, bệnh viện có khu sàng lọc COVID-19 riêng, tất cả các bệnh nhi trước khi đến Tòa nhà trung tâm đã được khám sàng lọc COVID-19… Sàng lọc thông tin từ khâu tiếp nhận bệnh nhân ban đầu. Với những cháu bị ho, sốt hoặc gia đình có người thân đi từ vùng dịch ra thì sẽ hoãn lại để đợt phẫu thuật khác. Vì thế trong lần phẫu thuật này có phải triển khai nhiều công đoạn hơn.
Bác sĩ Trung tâm phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình BVTWQĐ 108 khám sàng lọc cho trẻ.
TS.Linh cho hay: Với y học hiện đại, đã đặt vấn đề can thiệp sớm hơn cho bệnh nhân. Với trẻ hở môi thì từ trên 3 tháng và cân nặng trên 6kg; với trẻ dị tật vòm thì trên 12 tháng, với cân nặng trên 10kg; trẻ không có bệnh bẩm sinh như bệnh tim, động kinh, thần kinh… và không viêm mũi họng, không sốt, không vừa tiêm vắc-xin… đủ tiêu chuẩn gây mê là có thể được phẫu thuật. Đối với trẻ bị sụp mi bẩm sinh, là một dị tật nhẹ, nhưng trẻ nên được mổ sớm khi trẻ dưới 3 tuổi để tránh giác mạc bị khô khi mổ treo mi lúc trẻ đã lớn.
Khi được phẫu thuật, sẽ trả lại cho trẻ hình dáng nụ cười bình thường cũng như các chức năng ăn uống không bị sặc giúp giảm nguy cơ các bệnh đường hô hấp của trẻ, hoặc khi tập nói trẻ không bị khó khăn.
Sau phẫu thuật, bé sẽ không còn gặp khó khăn với việc nuốt và sẽ có nụ cười tươi xinh.
Nói về phẫu thuật này, TS.Linh chia sẻ: Với phẫu thuật khe hở vòm trước đây, khi mà kỹ thuật chưa tốt, là một đại phẫu thuật với trẻ và bệnh viện phải chuẩn bị cả truyền máu. Nhưng với sự phát triển của y học, cũng như gây mê và kỹ thuật của các phẫu thuật viên ngày càng được tiến bộ hơn, thì bây giờ các phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật thường quy. Nhưng nếu không được đào tạo bài bản và đầy đủ thì cũng không mổ được. Do vậy, phẫu thuật này phải được thực hiện tại bệnh viện có đủ điều kiện và có bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vực này.