Khán giả Ng.M.Ng:
Gương mặt cổ thật xinh, phim thật buồn, không phải cái buồn não nề mà là cái buồn bình thản…
DECISION TO LEAVE – sự trở lại với điện ảnh của cả đạo diễn Park Chan Wook lẫn Thang Duy cho ra đời một tác phẩm đẹp từ nghĩa đến hình. Phim bắt đầu bằng một cái chết, khi cảnh sát Hae Joon (Park Hae Il) gặp vợ nạn nhân – Seo Rae (Thang Duy), cô ta không hề tỏ ra bất ngờ hay đau khổ trước cái chết của chồng mình mà trái lại, rất bình thản. Một cuộc hành trình đầy bí ẩn và bí hiểm diễn ra giữa thanh tra cảnh sát và nghi phạm số 1 trong vụ án.
Phim đặc chất Park Chan Wook không lẫn đi đâu được. Cái không khí huyền bí nhưng lại đầy giễu nhại bao trùm lấy hơn 2 tiếng phim, như một câu đố mà người xem vừa căng não ra để giải dựa trên tất cả các manh mối trong từng khung hình, lại vừa có cảm giác sợ và không muốn giải đến cùng vì như vậy mất hết đi cả tính thú vị và bí ẩn của nó. Nhiều đoạn phá lên cười thành tiếng luôn nhưng nhiều đoạn lại chết lặng vì cách kể chuyện, diễn giải với những cú twist mà ngẫm thấy vô cùng hợp lý.
Tính triết học phương Đông với bao nhiêu lớp lang lấp đầy trong từng cảnh quay. Thang Duy thì có một vai diễn quá hay, đúng như một nàng Mona Lisa với nụ cười bí ẩn mà mãi chẳng ai có thể cắt nghĩa được đằng sau. Mà đôi khi, chỉ có thể cảm nhận, chẳng thể biết chính xác được.
Phim có những đoạn căng thẳng tưởng như bóp nghẹt, muốn nổ tung nhưng được biểu đạt bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh giễu nhại, để rồi nhìn lại là tiếng cười vụn vỡ, ồn ào như con sóng biển nhưng nhanh chóng tan biến như lớp bọt trắng xóa khi chạm vào bờ cát, để lại một khoảng trống mênh mang. Lý trí và con tim song hành nhưng có bao giờ giao điểm. Người rời đi mà trái tim ở lại. Nơi tình yêu kết thúc cũng là khi tình yêu bắt đầu.
Khổng Tử đã ví von người khôn ngoan tìm niềm vui trong nước, người nhân hậu thấy tim mình trên những ngọn đồi. Người khôn ngoan luôn dịch chuyển, còn người nhân hậu thì an phận. Người khôn ngoan sẽ hạnh phúc còn người nhân hậu luôn vững vàng.