Khàn tiếng ở trẻ em – có cần phải lưu ý và điều trị? – Khám chữa bệnh, phổ biến kiến thức y học – Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội

Nhiều bậc cha mẹ đưa các bé tới phòng khám vì trẻ bị khàn tiếng kéo dài và có hiện tượng nói nhanh mệt, và họ rất lo lắng sẽ ảnh hưởng tới kết quả học: khi tập đọc, học ngoại ngữ, hát… trẻ không thể làm được hoặc khá khó khăn. Sau 2 tuần điều trị, triệu chứng khàn tiếng thuyên giảm, giọng nói trở lại trong hơn. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng thực sự quan tâm đưa con đi khám, nhiều người thường chủ quan cho rằng “khàn tiếng ở các con là bình thường, không cần điều trị gì sau cũng tự khỏi”.

  • Vậy “Khàn tiếng ở trẻ em là gì? Có cần phải chú ý và điều trị hay không?”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu và lắng nghe tư vấn của chuyên gia Tai Mũi Họng.

Cơ quan đảm nhận tiếng chính là thanh quản, đây là cấu trúc phức tạp với nhiều chức năng như bảo vệ, hô hấp, nuốt và phát âm. Giọng nói được tạo ra bởi ba thành phần: luồng hơi (phổi), rung dây thanh âm tạo ra âm thanh, và bộ phận cộng hưởng cấu âm (hầu họng, vòm họng, lưỡi, vòm miệng, má và môi). Khi tính chất thanh của giọng thay đổi tức là dây thanh bị tổn thương.

Nguyên nhân khàn tiếng ở trẻ em là gì?

Thường do 03 nhóm nguyên nhân và có thể phối hợp với nhau:

– Viêm nhiễm tái diễn, không được điều trị kịp thời;

– Lạm dụng giọng không được phát hiện và tư vấn sớm;

– Một số bệnh lý đặc biệt như màng chân vị thanh quản, mềm sụn thanh quản, papilome (u nhú thanh quản).

Sau 06 tháng hết miễn dịch từ mẹ, trẻ rất hay bị viêm nhiễm từ môi trường xung quanh để dần hình thành sức đề kháng cho chính mình, tuy nhiên trong một số trường hợp, do tình trạng quá mẫn của cơ thể hoặc sức đề kháng của trẻ không đủ với độc tố của vi khuẩn, trẻ suy dinh dưỡng… mũi họng rất hay viêm, nhiều khi điều trị không khỏi dẫn đến việc bố mẹ, người chăm sóc nản, cứ đợi khi nào nặng mới đến bác sĩ. Chính vì thế mà quá trình viêm nhiễm lan dần xuống thanh quản. Trên cơ sở viêm đó, trẻ lại hay nói, hay khóc, hay hò hét… lâu dần dẫn đến khàn tiếng, lúc đầu là từng đợt sau đó nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể sẽ khàn tiếng vĩnh viễn, mức độ khàn ngày càng nặng dần, do bờ tự do các cơ dây thanh dầy dần, trương lực cơ giảm nên khép không kín khi phát âm, có thể dẫn tới các tổn thương thực thể như hạt xơ dây thanh, polip dây thanh, teo cơ dây thanh…

Điều trị khàn tiếng ở trẻ em ra sao?

Đối với đa số các trường hợp là điều trị bảo tồn:

1. Điều trị bệnh

– Điều trị thuốc bằng kháng sinh, chống viêm, chống phù nề trong trường hợp thăm khám xác định có hiện tượng viêm nhiễm.

– Với các trường hợp có hạt xơ, polip, u nang dây thanh… mới cần can thiệp phẫu thuật (loại bỏ hạt xơ). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng, sau 15 tuổi do sự thay đổi của các hormon nội tiết, các hạt xơ này có thể tiêu đi, nếu chúng không biến mất mới cần thực hiện phẫu thuật.

2. Điều trị chức năng giọng

– Trị liệu giọng nói với nhiệm vụ chính là uốn sửa cách phát âm, giải thích dần cho trẻ về tình trạng bản thân và hạn chế sử dụng giọng quá mức, tuy nhiên rất khó khăn và phải kiên trì.

Phòng tránh bệnh khàn tiếng ở trẻ em sao cho hiệu quả?

​Ở những trẻ hay bị những đợt khàn tiếng hoặc ở những trẻ mà bố mẹ bị khàn nên được xếp vào nhóm có nguy cơ cao.

– Điều trị ngay các viêm nhiễm vùng tai mũi họng mỗi khi trẻ mắc.

– Điều chỉnh hành vi của trẻ: tránh để trẻ la hét, nói to ở những nơi đông người, nhiều tiếng ồn, có thể hướng dẫn trẻ tự xây dựng cách thể hiện cảm xúc bằng hành động (ví dụ như thay vì la hét để cổ vũ một trận bóng thì có thể vỗ tay).

– Tránh điều kiện thuận lợi khiến cho rối loạn giọng có thể phát sinh, điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

– Dự phòng ở những trẻ có thể trạng dị ứng.

– Khuyến khích trẻ và cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.

– Tránh các yếu tố kích thích thụ động như thuốc lá, môi trường, khói bụi.

Khàn tiếng ở trẻ em có thật sự cần phải được lưu ý?

Vì khàn tiếng là triệu chứng của rất nhiều bệnh liên quan khác nhau nên việc đánh giá và chẩn đoán phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Sau khi xác định được nguyên nhân của bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp: trị liệu giọng nói, dùng thuốc, phẫu thuật.

Hầu hết các tổn thương về dây thanh hoặc các nguyên nhân khàn giọng khác ở trẻ em không phải là nghiêm trọng nhưng cần được đánh giá, thăm khám kỹ lưỡng bởi các bác sĩ chuyên khoa, tránh nhầm lẫn và bỏ qua bệnh.

Do đó, các bậc cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện bệnh, để tránh những tổn thương không hồi phục ở dây thanh do khàn giọng kéo dài không điều trị như teo dọc bờ tự do dây thanh, nói nhanh mệt… thì nên đưa bé tới khám, tư vấn tại các cơ sở y tế chuyên khoa bạn nhé!

http://benhviendaihocyhanoi.com/bai-viet/kien-thuc-suc-khoe-hoat-dong-thuong-thuc/khan-tieng-o-tre-em-co-can-phai-luu-y-va-dieu-tri

Đỗ Hương (Theo benhviendaihocyhanoi.com)

Rate this post

Viết một bình luận