Khế không chỉ là loài cây ăn quả bổ dưỡng mà còn là vị thuốc quý báu sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà dược liệu này có thể giảm đau, chống oxy hóa, hỗ trợ các cơ quan trong có thể… hiệu quả. Sau đây, hãy cùng Youmed hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
Khế là gì?
- Tên gọi khác: Khế ta, Khế cơm, Khế giang, Ngũ lãng tử, Dương đào, Ngũ liêm tử.
- Tên khoa học:
- Khế chua: Averrhoa carambola L.
- Khế ngọt: Averrhoa bilimbi
- Tên dược liệu: Vỏ, quả, hoa, lá và rễ – Cortex, Fructus, Flos, Folium et Radix Averrhoae Carambolae.
- Họ khoa học: Họ Chua me đất – Oxalidaceae.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái cây Khế
Chi Averrhoa là chi nhỏ, có 3-4 loài ở vùng nhiệt đới. Thường gặp mọc hoang hay được trồng ở các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia… Ở Việt Nam, hiện nay, loài thực vật này đã được di thực và trồng rộng rãi từ vùng núi thấp, trung du đến đồng bằng. Nhờ được cải tạo và chọn lọc, nên Khế có nhiều giống thích nghi với điều kiện môi trường và thời tiết nước ta. Do gồm nhiều giống, nên người ta thường dựa vào hình dạng, màu sắc, kích thước, độ chua của quả để phân biệt. Trong đó, thường gặp nhất là hai giống khế chua và khế ngọt.
Đặc điểm sinh trưởng:
- Cây ưa nóng ẩm, thích hợp với vùng cận nhiệt và nhiệt đới.
- Ưa bóng, nhất là cây con mới mọc. Vì vậy nên che chắn cẩn thận. Có thể trồng xen kẽ với loại cây khác như ổi, chuối, mít…để tranh thủ bóng mát.
- Phát triển tốt ở nhiệt độ trung bình 20-33 độ C, có thể chịu được nhiệt độ thấp tới 5 độ C.
- Sống tốt trên nhiều loại đất. Nên làm đất tơi nhỏ, nhiều mùn, bón nhiều tro, thoát nước, tránh úng ngập.
- Ra hoa 1-2 vụ / năm, số lượng nhiều.
- Phương thức thụ phấn tự nhiên của hoa, chính là nhờ côn trùng hoặc gió. Quả chín khoảng 2-3 tháng sau khi thụ phấn.
- Tái sinh chủ yếu bằng hạt hay cây chồi gốc sau khi bị chặt. Song vẫn có thể nhân giống bằng cách chiết cành. Hạt cần chọn loại to, chín kỹ, múi dày, đều, sau khi gieo 2-3 tuần thì nảy mầm.
Thu hái:
- Vỏ, thân, rễ thu hoạch quanh năm.
- Hoa, quả thu hoạch theo vụ. Quả Khế dễ bị dập, nên khi thu hái cần cẩn thận.
- Thời điểm thích hợp trong năm là mùa hoa tháng 4-8, quả tháng 10-12.
Mô tả toàn cây Khế
Thuộc thân gỗ, thường xanh, độ cao trung bình khoảng 10m, có thể cao tới 12m. Thân hình trụ có vỏ thân màu xám đen.
Lá kép có hình dạng giống như lông chim, có lá chét từ 3 đến 5 đôi. Phiến lá chét hình trái xoan, mỏng, mép lá nguyên, hai mặt nhẵn.
Hoa mọc thành chùm xim, cụm hoa ngắn, hình cầu, thường mọc ở nách lá, màu tím hoặc hồng xen lẫn trắng. Đài hoa có 5 lá thuôn mũi mác, ngắn bằng nửa tràng. Tràng gồm 5 cánh hoa mỏng, tròn ở ngọn, dính với nhau ở 1/3 dưới, 5 nhị đối diện với các lá đài xen kẽ với 5 nhị lép. Bầu hình trứng, phủ lông tơ; 5 lá noãn tạo thành 5 ô, mỗi ô đựng 4 noãn. Vòi ngắn, đầu nhuỵ phồng.
Quả có kích thước tùy giống, khi chín có màu vàng. Gồm 5 cạnh nên khi cắt ngang ra có tiết diện hình ngôi sao năm cánh.
Bên trong quả có hạt kích thước nhỏ, có lớp màng nhầy, trong suốt bao quanh.
Phân biệt:
- Khế ngọt: Màu sắc lá xanh nhạt, quả có kích thước tương đối nhỏ.
- Khế chua: Màu sắc là đậm hơn, khi chín quả có màu vàng đậm.
Bộ phận làm thuốc-Bào chế- Bảo quản
Hầu hết các bộ phân của cây Khế đều có thể dùng làm vị thuốc từ vỏ cây, hoa, lá, rễ và quả.
Lá dùng tươi, vỏ cây sao vàng.
Quả thu hái vào mùa hạ hoặc thu, dùng tươi.
Bảo quản: Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Tác dụng của Khế
Thành phần hóa học
Theo nhiều nghiên cứu, Khế có nhiều thành phần hóa hoạc phong phú như 100g quả Khế ngọt:
- Chứa lượng calories không cao, khoảng 31 kcal nên thích hợp để giảm cân.
- Nước 93%, Glucod 6%.
- Ngoài ra còn có rất nhiều vitamin và khoáng chất: 16mg photpho, 111mg kali, 4mg calci, 6mg magiê, 3mg vitamin C.
- Acid tartric tạo vị chua cho quả.
- Quả khế chua có nhiều acid oxalic, hàm lượng 1%
- Tinh dầu khế có mùi giống táo, mơ có các thành phần như: trans-2 hexenal, et acetat, n-hexenal…
- Khế chứa nhiều chất xơ, 1 quả nặng 91g chứa tới 3g xơ, 1g protein,
- Đặc biệt, quả còn chứa Choline – chất cần thiết cho sự phát triển trí não, nhất là những người ăn chay cần đảm bảo đủ chất..
Tác dụng Y học hiện đại
- Kháng histamin: Uống nước sắc từ lá Khế có tác dụng chống dị ứng. Ngoài ra, lá còn có đặc tính sát trùng, giảm dị ứng, thích hợp điều trị ung nhọt, rôm sẩy…
- Chống ký sinh trùng, sốt rét.
- Kháng khuẩn: Salmonella typhi, Microbial bacillus cereus, E.coli…
- Tăng cường sức đề kháng: nhờ hợp chất beta-carotene có tác dụng cải thiện thị lực, kích thích vị giác, thúc đẩy quá trình trao đổi chất…
- Chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa: Nhờ chứa vitamin C và hàm lượng flavonoid dồi dào, có tác dụng tiêu trừ gốc tự do, tăng tổng hợp collagen, thải trừ độc tố, bảo vệ mạch máu.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Do có chất xơ dồi dào mà có thể ngăn ngừa táo bón, cải thiện nhu động ruột.
- Hỗ trợ điều trị mỡ máu: Do hàm lượng pectin giúp hạ cholesterol trong cơ thể, bảo vệ tế bào gan và kiểm soát cân nặng.
- Hỗ trợ tim mạch và tăng cường thị lực: Nhờ có vitamin A, Kali phong phú.
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị:
- Quả: Vị chua và ngọt, tính bình
- Rễ: Vị chua và se, tính bình
- Thân và lá: Vị chua và chát, se, tính bình
- Hoa: Vị chua chát, hơi ngọt, tính bình
Công dụng:
- Quả: Tiêu viêm, giảm sưng, thanh nhiệt, giải khát, long đờm, lợi tiểu, hỗ trợ tiêu hóa, chữa khát…
- Rễ: giảm đau nhức xương khớp, giảm đau đầu mạn tính
- Thân và lá: Thanh nhiệt, tiêu đờm, trừ ho, lợi tiểu, trị sổ mũi, viêm dạ dày, giảm mụn nhọt…
- Hoa: Bổ thận, sinh tinh, nhuận phế, trừ ho, trừ sốt rét…
- Vỏ cây: Chữa ho, giúp sởi mọc tốt.
Cách sử dụng Khế
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Khế có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, hoặc ăn trực tiếp phần quả…
Liều lượng:
Dạng thuốc sắc:
- Quả: 20-40g/ ngày
- Rễ và vỏ cây: 08-12g/ngày
- Hoa: 4-12g/ ngày
- Lá 20-40g/ ngày
Dùng ngoài không kể liều lượng cố định.
Ngoài ra, quả Khế vắt lấy nước dùng tẩy vết gỉ sắt, hoen ố trên vải lụa, quần áo…
Kiêng kỵ:
- Do chứa nhiều chất acid oxalic trong quả, dễ gây sỏi thận, cản trở quá trình hấp thu canxi của cơ thể. Vì vậy, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người có nguy cơ loãng xương cao, hay người bị bệnh thận nên hạn chế sử dụng.
- Do chứa nhiều acid nên không tốt cho người có sẵn bệnh dạ dày, nên ăn lúc no.
- Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong cây.
Một số bài thuốc từ Khế
Chữa lở sơn, mày đay, dị ứng, mẩn ngứa ngoài da
Lá Khế 20g hay hơn, nấu nước uống trong, kết hợp với lá tươi giã đắp ngoài, hoặc nấu nước tắm.
Hoặc Lá tươi giã nát bôi vào chỗ da nổi mẩn, kết hợp với vỏ Núc nác 16g sắc lên uống.
Chữa chảy nước mũi, sổ mũi, đau họng, giải cảm
Quả Khế tươi 90-120g ép lấy nước uống
Chữa cảm nắng, nhức đầu
Lá khế tươi 20g, lá chanh tươi 10g giã nát, vắt lấy nước uống.
Chữa ho khan, ho có đờm
- Hoa 4-12g tẩm nước gừng hoặc tẩm rượu gừng rồi sao thơm, sắc uống để chữa ho đờm.
- Quả tươi 60-80g sắc nước uống.
- Lá 20g, rửa sạch sắc còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày.
- Vỏ thân cây cạo hết lớp ngoài và vỏ xanh thái nhỏ, sao vàng 20g, sắc cùng rễ cây đơn châu chấu 8g, Trần bì 4g, uống trong ngày.
Chữa tiểu không thông lợi, tiểu gắt buốt
Rễ cỏ tranh 40g, lá Khế 100g, đem tất cả sắc uống ngày 1 thang.
Khế trong ẩm thực
Một số lưu ý khi sử dụng Khế trong nấu ăn:
- Tùy theo món ăn nên lựa chọn quả Khế cho phù hợp. Đối với khế chua, khi chín thường có màu vàng đậm.
- Rửa sạch quả, rồi cắt bỏ rìa từng múi khế, vì phần rìa này thường có vị chát, ảnh hưởng tới khẩu vị của món ăn.
- Có thể chấm kèm với các loại muối, vừng để làm tăng hương vị, sự thơm ngon của Khế.
- Dùng quả để giảm mùi tanh của cá, chất chát của nó có tính kháng khuẩn, giảm dị ứng khi ăn cá.
Trong ẩm thực, Khế là nguyên liệu đa dạng để làm
- Làm mứt, thạch
- Làm nước ép, thức uống
- Trang trí các món ăn, cho vào các món bánh
- Nấu canh chua với cá, hải sản như nghêu, sò
- Các món salad, món trộn ít calo, giữ vóc dáng, ngon miệng.
Khế không chỉ là loài cây ăn quả quen thuộc dân dã, mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.