Khi học trò nghiện facebook

Khi học trò nghiện facebook

Ảnh minh họa.

Chứng bệnh mới

Theo một nghiên cứu xã hội học, hơn 70% người dùng Internet ở Việt Nam dùng facebook, số người sử dụng mạng xã hội, facebook tăng lên từng ngày, trong đó phần đông là học sinh sinh viên.

Không thể phủ nhận những tiện ích từ mạng xã hội facebook thế nhưng đáng ngại ở chỗ khá nhiều em học sinh dùng face ở mức độ thiếu kiểm soát.

Tiến sĩ Tô Thanh Phương- trưởng khoa Cấp tính nữ (Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I – Thường Tín, Hà Nội) cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp nữ sinh mắc chứng trầm cảm vì quá nghiện điện thoại, mạng xã hội facebook. Khuyên con không được, bố mẹ phải đánh thuốc mê đưa con đến bệnh viện.

Đó là một em học sinh nữ (18 tuổi, ở Hà Nội). Theo gia đình thì con gái mình vốn là một học sinh giỏi, liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên, từ đầu năm học lớp 12 đến nay, lực học của nữ sinh này bỗng nhiên sa sút, thậm chí em còn sống thu mình, khép kín.

Bố của em học sinh này cho biết, vợ chồng anh phát hiện ra con gái có những biểu hiện bất thường từ ngày 20-11-2017, khi các bạn rủ đi đến nhà cô giáo chủ nhiệm chơi, Linh nhất định không đi.

Tưởng con bận học nhưng vợ chồng anh cứ thấy con liên tục ôm điện thoại. Kể từ đó gia đình mới bắt đầu để ý đến những hành động của con.

Đến giữa tháng 12, lúc đi làm về anh thấy con ở nhà, gọi điện cho cô giáo thì mới biết con trốn học và lúc nào cũng cầm chiếc điện thoại.

Thấy vậy, anh khuyên bảo nhưng con không nghe lời. Chỉ khi vợ chồng anh cắt mạng internet trong nhà, con gái anh mới bắt đầu bộc lộ rõ những biểu hiện bất thường.

Không có mạng internet để sử dụng, con gái anh tỏ ra cáu gắt, đập phá đồ đạc trong nhà, thậm chí có hành động chống trả. 

“Dùng mọi cách không có hiệu quả, cuối cùng tôi đành phải đánh thuốc mê rồi chuyển cháu xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương”, người bố đau khổ chia sẻ. Nói về việc con gái mắc chứng nghiện điện thoại, anh này cũng bày tỏ lỗi của gia đình vì công việc bận rộn nên không có thời gian chăm lo cho con cái.

Theo TS Tô Thanh Phương, học sinh này được điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế với bệnh nhân trầm cảm. Hiện nay tình trạng nghiện điện thoại, mạng xã hội dẫn đến trầm cảm phải nhập viện điều trị như em học sinh đang ngày càng gia tăng, và khi nhập viện đa số các cháu đều không hợp tác nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Cũng mới đây, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai đã tiếp nhận một nam học sinh (14 tuổi) nhập viện với các biểu hiện co giật phân ly. Theo chia sẻ từ gia đình, cậu bé này có sử dụng facebook rất nhiều, có thời điểm 10 tiếng mỗi ngày.

Thấy vậy, gia đình đã thu điện thoại, cấm con lên mạng xã hội. Sau đó, cháu  xuất hiện các cơn co giật… và phải vào viện điều trị.

Theo TS Nguyễn Doãn Phương- viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), nghiện facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng facebook. Khi không có mạng để vào facebook hoặc bị ngăn cản, cấm vào facebook sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu; vào facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, học tập; việc sử dụng facebook làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập. Hiện chưa có thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh này.

Cách nào hạn chế?

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Anh- viện trưởng Viện Giáo dục IEDV, người nghiện facebook đang tiêu tốn một phần lớn thời gian của mình vào việc online facebook: rảnh rỗi lên face, khi làm việc trên máy tính cũng tranh thủ lướt facebook.

Vừa ăn vừa facebook, đến cả thời gian ngủ cũng được cắt giảm cho facebook. Với học sinh, sinh viên, việc quá nghiện facebook vì thế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình  hình học tập. 

Không chỉ thế, việc nghiện facebook còn khiến cho cuộc sống của người dùng bị đảo lộn. Các hoạt động vui chơi ngoài trời cùng bạn bè, thể dục thể thao được thay thế bằng việc lên facebook.

Có nghĩa là, họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình. Cùng với đó, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng dần bị mất đi.

Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà một người nghiện facebook có thể chém gió thỏa thích không chán với bạn bè khắp nơi nhưng lại khó có thể giao tiếp trực tiếp với mọi người. 

Trao đổi với báo chí, PGS TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn- phó chủ tịch hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện facebook có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới. Hành vi này chưa hoàn toàn đáng sợ xét trên bình diện hậu quả lâm sàng hay hậu quả xã hội.

Nhưng xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi nghiện này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh.

Theo ông Sơn, ở góc độ quản lý, hiện ngành giáo dục chưa quy định học sinh phải sử dụng facebook ra sao.

Điều đáng lo ngại là hệ lụy của facebook không dừng trong thế giới ảo. Đơn giản nhất là cãi nhau, đánh nhau, xúc phạm thầy cô giáo, phản đối nhà trường, dẫn đến những hậu quả đau lòng. Cũng đã có nam thanh niên tự tử vì đủ like thích ích tưởng điên rồ đó. 

Về phía học sinh, nhiều em không ngần ngại chia sẻ việc “thân thiện” với facebook đến mức không thể dễ dàng nghe lời bố mẹ không dùng nữa.

Theo đó, các giảng viên khoa tâm lý – giáo dục ĐH Sư phạm TPHCM từng có cuộc khảo sát 600 trẻ vị thành niên gần đây, có hơn 97% trẻ đang sử dụng Facebook.

Trong số đó có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa và 0,2% ở mức nghiện nặng.

Có thể nói sử dụng facebook một cách quá mức dẫn đến nghiện đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội.

Không ít người trẻ mải mê  đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành.

Mong được nhiều người quan tâm đến những gì mình bày tỏ, chia sẻ, nhiều học sinh rơi vào trạng thái sống ảo, lệ thuộc cảm xúc từ facebook rồi dẫn đến lẫn lộn giữa đời sống thực và mạng. 

Bàn về việc có nên cấm học sinh sử dụng facebook hầu hết lãnh đạo nhà trường đều thấy khó khăn.  

Về phía các bậc phụ huynh, nhiều người tỏ ra vô cùng băn khoăn trước sự phát triển như vũ bão hiện nay, cơn bão ấy có thể cuốn đi sức khỏe, tinh thần và chất lượng học tập của con cái họ.  

Về việc định hướng cho học sinh việc sử dụng facebook sao cho phù hợp, theo PGS TS Huỳnh Văn Sơn, chúng ta không chỉ trách cứ các bạn trẻ mà cần hiểu và đồng cảm.

Đối với gia đình cần, định hướng và nhắc nhở con cái trong việc lựa chọn loại hình giải trí lành mạnh và sử dụng facebook một cách hợp lý. 

Rate this post

Viết một bình luận