Vô sinh là vấn đề nghiêm trọng của nhiều cặp vợ chồng, làm thay đổi đáng kể cuộc sống của cả gia đình. Thực tế, không phải cặp vợ chồng nào chậm có con cũng đều là do vô sinh. Nếu bạn đã cố gắng có con trong một khoảng thời gian nhưng không thành công, bạn có thể suy nghĩ đến việc gặp bác sĩ hiếm muộn.
1. Khi nào được gọi là vô sinh?
Vô sinh là khi một cặp vợ chồng không thể có thai mặc dù có quan hệ tình dục thường xuyên và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong vòng một năm. Trung bình cứ khoảng 7 cặp vợ chồng lại có một cặp có thể gặp khó khăn trong việc thụ thai. Khoảng 84% các cặp vợ chồng sẽ thụ thai tự nhiên trong vòng một năm nếu họ quan hệ tình dục thường xuyên (2 hoặc 3 ngày một lần) và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Với những cặp vợ chồng đã cố gắng thụ thai hơn 3 năm mà không thành công, khả năng có thai tự nhiên trong vòng 1 năm tới của họ là 1/4 hoặc ít hơn.
Mặc dù một người có thể bị coi là vô sinh sau một năm cố gắng thụ thai nhưng không được. Nhưng 12 tháng có thể không có nhiều ý nghĩa. Bởi một số nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn phụ nữ đến 39 tuổi không mang thai trong năm đầu tiên đã mang thai vào năm thứ 2 mà không cần bất kỳ hỗ trợ y tế nào.
Đối với phụ nữ từ 27 – 34 tuổi, chỉ có 6% không thể thụ thai trong năm thứ hai. Với phụ nữ từ 35 – 39 tuổi, chỉ có 9% không thể thụ thai trong năm thứ hai, với điều kiện bạn tình của họ dưới 40 tuổi.
Chính vì vậy, ngay cả khi bạn đã cố gắng mang thai trong một năm mà không được, điều này không có nghĩa là bạn bị vô sinh. Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn chưa có thai, trước khi bạn quyết định sử dụng các phương pháp điều trị vô sinh.
2. Khi nào cần gặp bác sĩ hiếm muộn?
Bạn nên đi khám hiếm muộn khi:
- Nếu bạn dưới 35 tuổi và vẫn chưa có thai sau một năm quan hệ tình dục thường xuyên và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.
- Nếu bạn từ 35 tuổi trở lên, bạn cần gặp bác sĩ hiếm muộn sau khoảng sáu tháng cố gắng thụ thai mà không thành.
- Khi bạn lo lắng về vô sinh, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ hiếm muộn để được tư vấn cụ thể.
Một số tình trạng nhất định cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Chính vì vậy bạn nên điều trị các tình trạng này trước khi dành đủ 6 tháng hoặc một năm để cố gắng mang thai một cách tự nhiên. Bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn có tiền sử mắc một trong các bệnh sau đây:
- Bệnh viêm vùng chậu
- U xơ
- Lạc nội mạc tử cung
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hoặc bệnh lậu.
- Các ống dẫn trứng bị tắc do nhiễm trùng, do mang thai ngoài tử cung hoặc do các phẫu thuật trước đó.
- Phẫu thuật vùng chậu hoặc vùng bụng trước đây.
- Mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư hoặc bệnh tuyến giáp.
Ngay cả khi bạn chưa bao giờ được chẩn đoán về một tình trạng bệnh lý cụ thể nào thì các triệu chứng hoặc đặc điểm thể chất nhất định có thể chỉ ra một vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Hãy trao đổi với bác sĩ hiếm muộn nếu bạn khó mang thai cùng với bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, kỳ kinh kéo dài.
- Đau vùng chậu hàng ngày
- Rụng tóc
- Mụn trứng cá nặng
- Nhiều lông trên mặt và cơ thể.
Bạn cũng cần nhớ rằng hút thuốc lá, uống rượu, uống trên 300mg caffeine mỗi ngày hoặc tình trạng thừa cân hay thiếu cân đáng kể cũng có thể tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản và mang thai.
3. Bác sĩ hiếm muộn có thể hỏi những gì?
Trong buổi gặp đầu tiên, bác sĩ hiếm muộn sẽ bắt đầu bằng cách nói chuyện với bạn và vợ/chồng bạn về sức khỏe và các vấn đề y tế của bạn. Mặc dù có thể có một số câu hỏi khó xử hoặc lúng túng, nhưng đó là cách tốt nhất để đánh giá xem điều gì có thể khiến bạn không có thai.
Trong nhiều trường hợp tình trạng vô sinh là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố, do đó việc kiểm tra kỹ lưỡng là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ hiếm muộn có thể hỏi bạn về:
- Tiền sử bệnh của bạn, bao gồm bất kỳ bệnh mãn tính hoặc phẫu thuật nào bạn từng trải qua.
- Việc sử dụng thuốc của bạn.
- Việc bạn sử dụng caffeine, rượu, thuốc lá, ma túy hay các loại chất kích thích khác.
- Bạn có tiếp xúc với hóa chất, chất độc hoặc bức xạ trong nhà hoặc tại nơi làm việc hay không.
- Thói quen sinh hoạt tình dục của bạn, bao gồm: tần suất quan hệ tình dục của bạn, bất kỳ tiền sử nào về các vấn đề tình dục hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Lựa chọn đồ lót của bạn (nếu là đàn ông): vì việc mặc quần sịp bó sát có thể giữ nhiệt độ vùng bìu quá ấm, khiến cho việc sản xuất tinh trùng gặp vấn đề.
Bác sĩ hiếm muộn cũng sẽ muốn hỏi về tiền sử phụ khoa của một người phụ nữ:
- Bạn đã từng mang thai hay chưa và kết quả của những lần mang thai đó (sảy thai, thai lưu, sinh non, sinh thường hay sinh mổ).
- Tần suất xuất hiện kinh nguyệt của bạn trong năm vừa qua.
- Kinh nguyệt của bạn có đều hay không, bạn có bị trễ kinh hay bị ra máu giữa các kỳ kinh hay không.
- Những thay đổi về lượng máu hoặc sự xuất hiện của các cục máu đông lớn trong máu kinh.
- Các phương pháp tránh thai mà bạn đã sử dụng.
- Bạn đã từng đi khám về vấn đề sinh sản hay chưa, nếu có đã điều trị như thế nào và kết quả ra làm sao. Nếu bạn đã gặp bác sĩ về các vấn đề sinh sản trước đây, hãy đảm bảo bạn mang theo tất cả hồ sơ y tế liên quan đến khả năng sinh sản trước đây của bạn.
4. Bác sĩ hiếm muộn có thể yêu cầu làm những xét nghiệm gì?
4.1. Xét nghiệm máu và phân tích tinh dịch
Sau khi trò chuyện xong, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone nữ, hormone tuyến giáp, prolactin và hormone nam, cũng như tình trạng HIV và viêm gan.
Khám sức khỏe có thể bao gồm khám vùng chậu để tìm chlamydia, bệnh lậu, hoặc các bệnh nhiễm trùng sinh dục khác có thể góp phần vào vấn đề sinh sản.
Nam giới cũng có thể cần được đánh giá về các bệnh nhiễm trùng sinh dục. Bác sĩ hiếm muộn cũng sẽ đề nghị xét nghiệm phân tích tinh dịch để kiểm tra số lượng, hình dạng và khả năng di chuyển của tinh trùng.
Bác sĩ cũng có thể lên lịch xét nghiệm máu khác theo chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, như:
- Xét nghiệm hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH) phải được thực hiện vào ngày thứ hai hoặc thứ ba trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Hormone tạo hoàng thể tăng lên vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy bạn có thể cần phải đến để làm thêm các xét nghiệm sau đó, và một lần nữa khoảng bảy ngày sau khi bạn bắt đầu rụng trứng.
- Sau khi bạn rụng trứng, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ estradiol và progesterone của bạn và so sánh chúng với mức độ đạt được trong ngày thứ hai hoặc thứ ba trong chu kỳ của bạn.
4.2. Các xét nghiệm và quy trình khác
Một số thử nghiệm và quy trình khác có thể thực hiện khi thăm khám hiếm muộn, bao gồm:
- BBT vẽ biểu đồ: Nếu bạn chưa làm, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bắt đầu lập biểu đồ nhiệt độ cơ thể cơ bản như một cách để kiểm tra sự rụng trứng. Tuy nhiên, trong khi lập biểu đồ BBT là một kỹ thuật được sử dụng trong nhiều năm, các chuyên gia không tin rằng nó chính xác như xét nghiệm rụng trứng khác.
- Kiểm tra hậu kỳ: Xét nghiệm này yêu cầu bạn phải giao hợp trước vài giờ và sau đó đến gặp bác sĩ để lấy mẫu chất nhầy cổ tử cung để kiểm tra bằng kính hiển vi. Đây là một cách để kiểm tra khả năng tồn tại của tinh trùng và sự tương tác của chúng với chất nhầy cổ tử cung.
- Siêu âm qua âm đạo: Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm để kiểm tra tình trạng của tử cung và buồng trứng. Thường thì bác sĩ có thể xác định xem các nang trong buồng trứng có hoạt động bình thường hay không. Siêu âm thường được thực hiện 15 ngày trước kỳ kinh nguyệt dự kiến của phụ nữ.
- Hysterosalpingogram: Bác sĩ cũng có thể đề nghị chụp hysterosalpingogram, còn được gọi là HSG hoặc tubogram. Trong quy trình này, một loạt các tia X được thực hiện qua ống dẫn trứng sau khi thuốc nhuộm dạng lỏng đã được tiêm vào trong tử cung qua cổ tử cung và âm đạo. HSG có thể giúp chẩn đoán tắc nghẽn ống dẫn trứng và các khuyết tật của tử cung. Nếu một trong các ống dẫn trứng bị tắc, vật cản sẽ rõ ràng trên phim chụp X-quang vì thuốc nhuộm lỏng sẽ không vượt qua được. HSG thường được lên lịch chụp trong khoảng từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 13 của chu kỳ của bạn.
- Nội soi tử cung: nếu bác sĩ phát hiện có vấn đề trên phim chụp HSG, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi tử cung. Trong thủ thuật này, một dụng cụ giống như kính viễn vọng mỏng được đưa qua cổ tử cung, vào tử cung để cho phép bác sĩ nhìn và chụp ảnh khu vực để tìm các vấn đề bạn đang gặp phải.
- Nội soi ổ bụng: Sau khi làm các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể tiến hành nội soi ổ bụng. Trong đó, một ống soi được đưa vào bụng thông qua một vết rạch nhỏ để tìm kiếm tình trạng lạc nội mạc tử cung, sẹo và các tình trạng khác.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: Bác sĩ có thể muốn lấy sinh thiết niêm mạc tử cung của bạn để kiểm tra xem nó có bình thường hay không để phôi thai có thể cấy vào đó. Trong quá trình sinh thiết nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ nội mạc tử cung bằng một ống thông đưa vào tử cung qua âm đạo và cổ tử cung. Sau đó mẫu sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm.
Không phải tất cả mọi người khám hiếm muộn đều phải trải qua tất cả các xét nghiệm này. Bác sĩ sẽ đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn. Sau khi kiểm tra hết, khoảng 85% các cặp vợ chồng sẽ biết lý do tại sao họ chưa có thai.
Khi vợ chồng bạn đã cố gắng trong một thời gian dài mà vẫn chưa có thai, bạn lo lắng về khả năng sinh sản của mình, bạn hãy đến gặp bác sĩ hiếm muộn để được thăm khám, kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp xử lý thích hợp nhất.
Để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!