Khi nào nhân loại chuyển lên Mặt Trăng?
13 tháng 12 2014
Bốn thập niên sau chuyến hành trình của tàu Apollo, ý tưởng sinh sống trên Mặt Trăng vẫn còn là điều chỉ có trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Tuy nhiên, theo nhà thiên văn học Phil Plait, vấn đề không phải là liệu chúng ta có thể sống ở Mặt Trăng không, mà là chúng ta sẽ sống như thế nào, và vì sao lại chọn sống ở đó.
Liệu nhân loại có bước trên bề mặt của Mặt Trăng một lần nữa? Tôi sẽ không hề do dự nói “có”, bởi tương lai vẫn còn dài, và rõ ràng ở thập kỷ 50, có ai trong chúng ta dám nghĩ rằng loài người có thể đưa tàu lên thám hiểm Mặt Trăng chỉ 20 năm sau đó?
Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc loài người sinh sống trên Mặt Trăng: Kinh tế toàn cầu phát triển mạnh khiến chúng ta có thể đổ nhiều tiền vào các dự án thám hiểm vũ trụ đầy tham vọng, chi phí phóng tàu vũ trụ giảm xuống khiến chúng trở nên dễ thực hiện hơn, hoặc việc phát hiện ra một thứ tài nguyên quan trọng nào đó trên Mặt Trăng.
Thế nhưng trước khi bàn về việc định cư tại hành tinh láng giềng, hãy thử nghĩ vì sao chúng ta cần phải đến đó?
Câu trả lời dựa trên 60 năm qua là khá rõ: Liên lạc vệ tinh, dự báo thời tiết, tìm hiểu thay đổi khí hậu, các dịch vụ phát thanh và truyền hình trực tiếp, vẽ bản đồ Trái Đất, cảnh báo thiên tai, thu thập thông tin tình báo v.v.
Đó là những lợi ích rõ ràng từ việc nhìn xuống Trái Đất từ vũ trụ.
Như vậy, thám hiểm vũ trụ không chỉ là một ý tưởng tốt. Nó đã đem lại những sự thay đổi rõ rệt cho cuộc sống trên Trái Đất.
Nhưng chúng ta đã đặt chân xuống Mặt Trăng sáu lần. Liệu chúng ta đã thấy hết những gì có thể thấy?
Câu trả lời là không. Ngay cả tàu Apollo 17 – vốn đã thực hiện nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng lâu nhất, cũng chỉ ở đó trong ba ngày, trong khi Mặt Trăng có diện tích bề mặt đến 38 triệu km vuông.
Cửa hàng tiện ích
Việc đặt chân xuống Mặt Trăng không hề rẻ – với chi phí ước tính khoảng 35 tỷ đôla.
Tuy nhiên một khi đã đến đây, con người có thể sử dụng tài nguyên tại chỗ để tiết kiệm chi phí về dài hạn.
Có rất nhiều nước đóng băng trên Mặt Trăng và các lớp đá cũng có oxy mắc kẹt bên trong. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo nguồn nước và không khí cho các công dân tương lai ở đây.
Nằm giữa Mặt Trời, Sao Hỏa và Sao Mộc là hàng tỷ thiên thạch. Phần lớn trong số này đều chỉ đơn thuần là đá, nhưng có một số khác chứa nước đóng băng, hydrogen, oxy và cả những kim loại quý hiếm.
Chúng có thể được xem như là những cửa hàng tiện ích bay lơ lửng trong vũ trụ, và có thể được sử dụng để khai thác nguồn tài nguyên cần thiết để dùng cho hoạt động thám hiểm vũ trụ.
Một số thiên thạch có vị trí khá gần Trái Đất, vốn khiến chúng dễ khai thác hơn và tốn ít nhiên liệu để tiếp cận hơn.
Một công ty, Planetary Resources, đã công bố kế hoạch thực hiện điều này.
Ý tưởng của họ là khai thác các thiên thạch gần Trái Đất, xây dựng các trạm trữ oxy, nước và những vật liệu khác để sử dụng cho thám hiểm vũ trụ.
Họ cho rằng về dài hạn, họ có thể kiếm tiền từ hình thức kinh doanh này.
Sống trong vũ trụ
Tuy nhiên chúng ta vẫn cần những cách thức rẻ và đáng tin cậy để tiến ra vũ trụ.
Trung Quốc đang xây dựng một trạm không gian và cũng đã có kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng. Ấn Độ và Nga cũng đang có những nỗ lực tương tự.
Thế nhưng thay vì một cuộc chay đua mới, chúng ta cần một giải pháp bền vững.
Vì sao? Hãy nghĩ như thế này: Điều gì xảy ra khi bạn thắng một cuộc đua? Bạn hoàn thành và trở về nhà.
Planetary Resource đang có một cách nhìn đúng.
Kế hoạch của họ không chỉ là khai thác các thiên thạch, mà là tạo ra một chỗ đứng vững chắc cho nhân loại trong vũ trụ.
Bản gốc tiếng Anh bài này đã được đăng trên
BBC Future.