Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Sữa chua luôn là món ăn ngon bổ dưỡng tốt cho đường tiêu hoá, cung cấp đầy đủ canxi cho sự phát triển của xương khớp không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi nào trẻ có thể ăn được sữa chua là một vấn đề không phải bà mẹ nào cũng biết.
1. Trẻ mấy tháng ăn được sữa chua
Mặc dù sữa chua là thực phẩm chứa nhiều chất xơ cùng các vitamin cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, giới hạn sử dụng cho trẻ ở một độ tuổi phù hợp.
Từ khi mới lọt lòng cho đến lúc trẻ được 6 tháng tuổi, trẻ luôn được khuyến khích bú sữa mẹ hoặc sữa công thức hoàn toàn. Vì thế, thời điểm này không thích hợp để cho bé ăn sữa chua. Bởi đường ruột của trẻ khi đó chưa được hoàn thiện và khó thể tiêu hóa bất kỳ món ăn nào ngoài sữa.
Theo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng, bạn chỉ nên cho trẻ ăn sữa chua khi trẻ tròn 7 tháng tuổi. Bởi trong giai đoạn này, đường ruột của con đã dần hoàn thiện. Ngoài sữa chua, bạn có thể cho trẻ làm quen với các loại thực phẩm khác như: Trái cây, rau củ, cháo bột…
2. Lợi ích của sữa chua
Thứ nhất, sữa chua là nguồn cung cấp giàu protein, canxi, vitamin A, vitamin B, và khoáng chất nhanh chóng, dễ tìm và tiện lợi.
Thứ hai là sự hiện diện của men vi sinh Probiotics. Có hàng triệu loại vi khuẩn sống trong hệ tiêu hóa của con người. Một số loại có thể gây hại cho sức khỏe như vi khuẩn đường ruột E.coli, tụ cầu khuẩn Staphylococci, một số vi khuẩn lại mang lại lợi ích cho sức khỏe điển hình là Probiotics. Những vi khuẩn này gọi chung là lợi khuẩn, chúng có “trách nhiệm” bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và “đánh bay” những vi khuẩn xấu.
Lý do thứ ba là sữa chua có ít đường lactose hơn sữa nguyên chất. Đường lactose trong sữa được chuyển thành axit lactic. Axit này làm đông thành phần sữa đạm trong sữa làm sữa chua đặc, sánh, rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ.
Nếu mẹ cho bé ăn sữa chua đúng cách, con cũng sẽ tiêu hóa tốt các loại thức ăn khác nhờ sự giúp đỡ của axit lactic và các lợi khuẩn.
3. Lựa chọn loại sữa chua phù hợp cho trẻ
- Trên thị trường có rất nhiều loại sữa chua dành cho trẻ nhỏ, để lựa chọn được 1 loại tốt cho con của minh thật khiến các bậc cha mẹ đau đầu.
- Tại Mỹ nhiều bậc cha mẹ lựa chọn sữa chua Hy Lạp bởi nó có hàm lượng protein cao và thường chứa ít đường hơn các loại sữa chua có hương vị truyền thống.
- Còn tại Việt Nam các chuyên gia về dinh dưỡng khuyên, loại sữa chua được làm từ sữa mẹ hoặc sữa bột công thức đúng với tháng tuổi vẫn là lựa chọn tốt nhất cho bé 6 tháng tuổi.
- Sữa chua an toàn và đầy đủ chất dinh dưỡng phải là loại sữa được lên men tự nhiên và không chứa chất bảo quản.
Tuy nhiên, khi cho trẻ ăn sữa chua, có nhiều trường hợp trẻ bị dị ứng. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải thận trọng. Nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy ngừng cho trẻ ăn sữa chua và liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đưa trẻ tới bệnh viện.
- Phát ban quanh miệng
- Ngứa
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Sưng tấy
- Quấy khóc
Bất kỳ loại thức ăn nào cũng có thể gây hại cho trẻ và đẻ bảo đảm an toàn nhất thì bạn nên đợi ba ngày sau lần cho ăn đầu tiên để tìm các dấu hiệu của phản ứng dị ứng rồi mới bắt đầu cho con ăn lại.
4. Cho trẻ ăn sữa chua đúng cách
Sữa chua rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhưng vẫn phải duy trì cho bé ăn hợp lý, tránh cho ăn quá nhiều và cũng không nên cho ăn quá ít. Lượng sữa chua vừa đủ đối với bé 7 tháng tuổi ăn dặm là khoảng 50g/ngày. Sau đây là một số lưu ý trong việc cho trẻ ăn sữa chua đúng cách:
- Mẹ nên cho bé ăn sữa chua ngay sau bữa ăn chính để phát huy lợi ích tốt nhất. Vì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua phát triển ở điều kiện nồng độ pH lớn hơn hoặc bằng 4,5, độ pH trong dạ dày không hoạt động chỉ bằng 2, sau khi ăn xong độ pH có thể tăng lên 3-5 là điều kiện chuẩn cho các lợi khuẩn hoạt động mạnh.
- Chú ý, sau khi cho bé ăn sữa chua cần cho trẻ uống nước và súc miệng ngay để tránh vi khuẩn có lợi gây hại cho men răng của trẻ.
- Tuyệt đối không dùng sữa chua chung với các loại thuốc khác sẽ làm tiêu diệt các vi khuẩn có lợi có trong sữa chua.
- Các mẹ không nên đun nóng sữa chua hoặc để sữa chua quá lạnh vì có thể làm giảm hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa chua.
- Bạn có thể thêm hương vị vào sữa chua nguyên chất của trẻ bằng cách trộn với trái cây hoặc rau củ. Đối với trẻ mới làm quen với thức ăn đặc, hãy bắt đầu với trái cây xay nhuyễn và rau củ đã được nấu chín, xay nhuyễn. Đối với những bé lớn hơn, bạn có thể thêm trái cây mềm và rau củ đã nấu chín cắt nhỏ. Bơ nghiền, táo nghiền, bột yến mạch và mầm lúa mì cũng là những thực phẩm bổ sung tốt.
5. Công thức làm sữa chua tại nhà cho trẻ
Nguyên liệu:
- 3 thìa sữa chua không đường
- Sữa công thức bé dùng hàng ngày hoặc sữa mẹ
Cách làm:
- Pha sữa công thức 300-350ml theo đúng tỉ lệ pha sữa cho bé uống. Đánh tan 3 thìa sữa chua không đường cho vào sữa công thức và khuấy đều.
- Sau đó múc sữa vào các hũ thủy tinh đã rửa sạch và đậy nắp lại.
- Tiếp theo đó là giai đoạn ủ sữa chua. Nếu không có máy làm sữa chua thì bạn có thể ủ sữa chua bằng thùng xốp hoặc bằng nồi cơm điện, nồi ủ…
- Đặt các hộp sữa chua vào thùng xốp giữ nhiệt sau đó cho nước nóng khoảng 70 độ C vào sao cho nước ngập 1/2 đến 2/3 hũ sữa chua rồi đậy kín nắp thùng xốp lại để khoảng 4-8h tùy theo bạn muốn sữa sẽ chua nhiều hay ít.
- Sau đó lấy các hũ sữa chua ra lau ráo nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Với công thức trên, bạn đã có thể yên tâm tạo ra món sữa chua cho bé 6 tháng vừa thơm ngon, vừa vệ sinh rồi đấy. Sữa chua có thể để trong ngăn mát tủ lạnh 1 tuần. Bạn có thể điều chỉnh công thức theo tỷ lệ thích hợp để bé ăn hết trước khi sữa trở nên quá chua.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như kẽm, lysine, crom, vitamin nhóm B,… giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn dịch: healthline.com, babycenter.com