Khiêm nhường\ Humble. Humilite.
Trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước khiêm nhường là một đặc tính cần yếu cho sự tin kính thật. Đức Chúa Trời hạ người ta xuống để đem người lên cùng Ngài (Phục truyền 8:2-3, v.v…); khi người hạ mình xuống thì được tiếp nhận (1Các vua 21:29; 2Sử Ký 7:14), và “bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời” là hết cả điều Chúa muốn (Mi-chê 6:8). Ấy cũng là bổn tánh của Chúa nữa (Thi Thiên 18:35; 2Sa-mu-ên 22:36). Cũng xem thêm Thi Thiên 113:6; Ê-sai 57:15 “Đấng Cao Cả danh Ngài là Thánh… ngự trong lòng khiêm nhường”; Sô-phô-ni 66:2.
Kinh Thánh coi sự khiêm nhường là đáng trọng (Châm Ngôn 11:2; 16:19). Vậy, hễ người khiêm nhường ắt được Chúa dẫn dắt, vùa giúp, ban ân điển, tôn vinh (Gióp 22:29; Thi Thiên 25:9; 37:11, v.v…). Vì Môi-se khiêm hòa thắng được muôn người, Đức Chúa Trời thường đối mặt nói chuyện cùng ông (Dân Số Ký 12:3).
Trừ 2Phi-e-rơ 5:5, thì chữ tapeinophrosunẽ, là danh từ Phao-lô thường dùng. Nguyên gốc chữ Hy-lạp, tapeinos vốn có một ý xấu và hèn hạ chỉ một vật không xứng đáng. Song ấy là một sự công nhận mới của người có quan hệ với Đức Chúa Trời, chính mình là người lân cận. Không có ý chỉ về tôi mọi hay là sự đê hèn. Song có ý nói đến sự khiêm nhường như Áp-ra-ham xưng mình là tro bụi (Sáng Thế Ký 18:27), trong tâm trí của con cái Đức Chúa Trời cảm biết mình được những ân tứ là bởi Chúa cho, được cứu chuộc là bởi sự yêu thương của Ngài, kể mình không thuộc về chính mình nữa, song thuộc về Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Tín đồ không được khoe mình vì biết tự mình không có gì. Tâm thần khiêm nhường như thế là cội rễ cả các ơn và đức tánh khác. Tự khoe mình sẽ hỏng hết mọi sự. Không có sự yêu thương thật nào mà không có sự khiêm nhường (Xem 1Cô-rinh-tô 13:4). Như Augustin nói: “Khiêm nhường là thứ nhứt, thứ nhì và thứ ba trong đạo Đấng Christ”.
Chúa Jêsus cũng nói rất rõ môn đồ cần có sự khiêm nhường, gương mẫu cao trọng nhứt ở trong chính Chúa. “Ta có lòng nhu mì khiêm nhường”. Phước lành thứ nhứt là cho “kẻ có lòng khó khăn”, còn người “nhu mì” sẽ “hưởng được đất”. Khiêm nhường là con đường đi đến sự cao trọng thật: “ai khiêm nhường như con trẻ” sẽ “là lớn nhứt trong nước thiên đàng”. Ai tự tôn sẽ bị hạ, song ai tự hạ sẽ được đem lên (Ma-thi-ơ 18:4; 23:12; Lu-ca 14:11; 18:14). Lẽ thật được tỏ cho người có tâm trí nhu mì (Ma-thi-ơ 11:25; Lu-ca 10:21), Chúa Jêsus đã làm gương rất cảm động về sự khiêm nhường là rửa chân cho môn đồ (Giăng 13:1-17).
Noi gương Chúa Jêsus, Phao-lô nói: “Tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường” (Công vụ 20:19). Phao-lô cũng khuyên các môn đồ nên khiêm nhường (Phi-líp 2:1-11), hầu có thể tỏ Thần linh khiêm nhường của Chúa. Tâm tình khiêm nhường là “coi người khác như tôn trọng hơn mình”, và có thêm gương mẫu cao trọng về sự từ bỏ mình của Đấng Christ. Chữ heautôn ekénõsen trong Phi-líp 2:7 dịch là Ngài “đã từ bỏ mình đi” cũng có nghĩa là Ngôi Lời thành nhục thể, là “sự khiêm nhường của Đấng Christ” vậy.
Gia-cơ nói: “Chúa chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6). Phi-e-rơ nói: “Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường” (2Phi-e-rơ 5:5).
Tuy nhiên, Phao-lô có cảnh cáo về sự khiêm nhường giả trong Cô-lô-se 2:18-23. Còn tỏ ra bằng nhiều cách khác nữa, ta phải cẩn thận giữ mình. Sự khiêm nhường thật không phải ở chỗ cho là mình cao hơn người khác khi hạ mình xuống, nhưng là không hề nghĩ gì đến mình cả. Cũng không phải vì kẻ phạm tội sẽ biết khiêm nhường, vì chính Chúa không hề phạm tội. Có thể khoe về đức Khiêm nhường, song bao giờ cũng nên cẩn thận về “kiêu ngạo giả đò khiêm nhường” (Cô-lô-se 2:18).