Khiêm tốn là gì? Biểu hiện và ý nghĩa của tính khiêm tốn – LyTuong.net

(Last Updated On: 09/02/2022)

Tính khiêm tốn là gi? Ý nghĩa của tính khiêm tốn.

1. Khái niệm tính khiêm tốn

Đức tính khiêm tốn là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Khiêm tốn là một trong những đức tính biểu hiện trực tiếp của tình cảm nghĩa vụ, danh dự, lương tâm; là thái độ tự trọng, thật sự mong muốn có sư công bằng, khách quan trong việc đánh giá bản thân mình và đánh giá người khác.

Người có đức tính khiêm tốn là người biết tôn trọng những thành tích, công lao và ưu điểm của người khác; đồng thời xem thành tích và công lao của mình chỉ là một phần công lao hay thành tích chung của mọi người, của xã hội. Người có đức tính khiêm tốn thường nhân ái, không tự cao tự đại, họ có phong thái tế nhị, lễ độ, biết tôn trọng lẫn nhau trong cách cư xử. Người có đức tính khiêm tốn là người giàu lòng tốt, luôn luôn quan tâm đến lợi ích của xã hội và người khác.

Sự công bằng trong đánh giá mình và người khác nghĩa vụ khi đánh gia năng lực và phẩm chất đạo đức của mình phải khách quan, trung thực, không theo kiểu tự cho cái gì của mình cũng đúng, cũng là nhất mà coi thường công lao, thành tích của người khác; ngược lại phải biết tự đánh giá đúng thành tích, công lao, phẩm chất đạo đức của mình và của người khác một cách khách quan .

Khiêm tốn cũng không có nghĩa là đánh giá quá thấp năng lực của chính mình. Nếu “quá khiêm tốn” như vậy sẽ làm cho con người mắc phải bệnh e dè, quá nể nang, tự hạ thấp mình đến mức tự ti, sẽ dẫn đến cái gì cũng cho là đúng, cũng gật theo kiểu vô nguyên tắc.

Đức tính khiêm tốn đối lập với sự khoác lác, hống hách, kiêu ngạo, mất lịch sự, vô lương tâm và thô bạo. Đó là những đức tính xấu, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, muốn bắt mọi người phải tôn thờ mình.

2. Biểu hiện thiếu khiêm tốn

Trong cuộc sống thường nhật, khi người ta tự đánh giá mình hoặc đánh giá hành vi của người khác do thiếu khiêm tốn sẽ rơi vào các trường hợp:

– Hoặc là tự kiêu: Đánh giá quá cao về mình, coi thường người khác, dẫn tới:

+ Không công bằng.

+ Khoe khoang, khoác lác, do đó làm mất lòng tin với mọi người.

+ Chủ nghĩa cá nhân, ích kỉ, hẹp hòi, đố kị, làm cho mọi người phải cảnh giác khi tiếp xúc với mình.

+ Có khi hãnh tiến, ảo tưởng, vì vậy dẫn đến thất bại không đáng có.

– Hoặc là tự ti: Mặc cảm về sự thấp kém của mình so với người khác, e dè, nhút nhát, thiếu tự tin. Do vậy, dẫn đến hậu quả bất lợi.

+ Sống giấu mình, yếm thế, không dám thể hiện và tự khẳng định, làm cho mình trở nên hèn kém.

+ Không có nhiều cơ hội để giao tiếp, học hỏi và thành đạt.

3. Biểu hiện khiêm tốn

Đề trở thành người khiêm tốn không phải dễ. Nó đòi hỏi mỗi người:

– Phải biết đánh giá và có thói quen đánh giá đúng về mình và người khác. Không tô hồng cho mình, không bôi đen cho người khác.

– Biết trân trọng những giá trị, thành tích, công lao của người khác và vui mừng trước sự thành đạt, sự tiến bộ của người khác, có ý thức cầu thị.

– Biết phát huy ưu điểm và khắc phục sai lầm khuyết điểm của bản thân để tự khẳng định và không ngừng vươn lên.

– Biết nghiêm khắc với bản thân mình, tế nhị góp ý với sai lầm khuyết điểm của người khác.

– Phải tự mình và giúp người khác chống lại:

+ Tính kiêu ngạo: Quá đề cao mình, hạ thấp người khác. Như vậy, sẽ dẫn đến hậu quả bất lợi trong giao tiếp: Hãnh tiến, ảo tưởng.

+ Tính tự ti: Mặc cảm về sự thấp kém của mình so với người khác, e dè, nhút nhát, thiếu tự tin ; hoặc sống giấu mình, yếm thế, không dám thể hiện và tự khẳng định, làm cho mình vì thế, trở nên lạc hậu.

+ Tính ích kỉ, hẹp hòi, níu áo, gây cản trở sự thăng tiến của người khác và tự hạ thấp hoặc làm mất danh dự, lòng tin của mọi người với mình.

4. Ý nghĩa của tính khiêm tốn

Tính khiêm tốn giúp con người hăng hái học tập, chịu khó học hỏi người khác, thường xuyên rèn luyện để trở thành người giỏi, người lương thiện, sống có đạo đức, luôn hướng tới sự công bằng và chống lại mọi sự bất công

Người khiêm tốn thường có ý thức bảo vệ danh dự và phẩm giá của bản thân mình và mọi người xung quanh vì họ biết bênh vực, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lương thiện, biết tôn trọng nhân phẩm người khác

Tính khiêm tốn giúp con người tự khẳng định mình để tiến bộ nhanh vì người khiêm tốn biết nhìn nhận đúng đắn và công bằng, hợp lý các hiện tượng xảy ra trong xã hội; biết đúng về chính mình để phát huy ưu điểm và biết ngăn ngừa, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm của mình.

Tính khiêm tốn giúp cho người ta dễ gần gũi, dễ tiếp xúc với mọi người, với bạn bè, tạo cho họ có phong cách sống giản dị, ấm áp tình người. Đồng thời, nó còn giúp cho con người sống thanh thản, nhân ái, vị tha, lành mạnh; khắc phục được những thói ích kỷ, tham lam, thô bạo, coi thường người khác, tự cao tự đại, hống hách.

Đức tính khiêm tốn giúp cho con người luôn vươn tới sự hoàn thiện bản thân cho nên nó thật sự là một động lực cho sự phát triển nhân cách và tài năng của con người.

5. Những yêu cầu giáo dục tính khiêm tốn

a/ Về mặt nhận thức, phải chứng minh cho đối tượng giáo dục thấy được tính khiêm tốn là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người.

Người có trình độ học vấn cao, hiểu biết sâu rộng thì càng cần phải khiêm tốn . Chỉ có những kẻ kiêu ngạo mới tự thoả mãn đối với mình. Càng kiêu ngạo thì càng bị mọi người khinh ghét. Những ai tự thoả mãn, tự vỗ ngực cho mình là tài giỏi không chịu học hỏi người khác thì nhất định sẽ bị tụt hậu, thua kém bạn bè đồng nghiệp. Người kiêu ngạo trước sau gì cũng bị mọi người xa lánh.

b/ Phải xây dựng cho người được giáo dục thái độ và hành động biết tôn trọng lẽ phải, biết trân trọng công lao và thành tích của người khác, phải học hỏi trong nhà trường và ngoài xã hội để có kiến thức cả về lý luận và thực tiễn. Trong cư xử với mọi người, phải có thái độ công bằng, lễ độ, và tôn trọng nhau. Đó là những yêu cầu khách quan khi giáo dục tính khiêm tốn. Muốn có thái độ tốt như thế phải có kiến thức , có văn hoá . Nếu thiếu kíến thức thì người ta không phân định được phải trái, dễ rơi vào chủ quan, quá khích trong nhìn nhận đánh giá người khác, gây sự hiểu lầm hoặc phủ nhận thành tích của người khác. Đức tính khiêm tốn, lễ độ và tế nhị, không làm giảm giá trị của con người, mà có tác dụng giúp cho người ta dễ chan hòa gần gũi với mọi người, tăng uy tín trong xã hội.

c/ Cần phải loại trừ ở con người những biểu hiện xa lạ với tính khiêm tốn như: tính tự cao, tự đại, hống hách, và tự ti. Những người tự cao tự đại không những biểu hiện sự thiếu văn hoá, mà còn thể hiện sự yếu kém, không có nghị lực để vươn tới, suốt ngày sống trong trạng thái ganh tị và tự dày vò mình bởi ý chí muốn rằng nhất định mình phải hơn tất cả mọi người.

Danh ngôn:

“Phẩm giá con người là những viên đá quý, viên đá đó còn lấp lánh đẹp đẽ hơn nếu được lồng vào cái giá khiêm tốn” (L.Vô-vơ-nác).

Khiêm tốn là một trong những phẩm chất cấu thành phẩm giá con người, người có phẩm giá và biết giữ gìn phẩm giá sẽ được người khác quý trọng. Nhưng người đó càng được người khác quý trọng hơn, tin yêu hơn nếu biết toả sáng mình không phải bằng sự khoe khoang, khóac loác, phô trương mà bằng sự đúng mực, để cho mọi người tự đánh giá mình, “hữu xạ tự nhiên hương”.

“Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hóa thực sự” (Ô.Ban-dắc).

Ban-dắc đã khẳng định : Lịch sự và khiêm tốn là những nét đặc trưng của văn hóa ứng xử. Người sống có văn hóa thực sự, trước hết phải biết lịch sự, khiêm tốn và ngược lại. Tuy nhiên, không đồng nhất văn hóa giao tiếp với trình độ văn hóa, một khía cạnh khác của văn hóa, vì không phải ai có trình độ văn hóa cũng là người sống lịch sự, khiêm tốn.

“Trang bị quý giá nhất của con người là khiêm tốn và giản dị.” (F.Ăng-ghen)

“Người nào đã tự giác tuyên bố rằng mình còn kém cỏi, người đó đã rất gần mức hoàn hảo.” (G.Gớt)

5/5 – (1 bình chọn)

Rate this post

Viết một bình luận