Khi ai đó phạm lỗi và hối cải, bạn có sẵn sàng tha thứ cho họ không? Bạn có đủ khoan dung, độ lượng để cho họ một cơ hội làm lại từ đầu không? Nếu có, xin chúc mừng, bạn đã làm điều đúng đắn vì chỉ khi khoan dung với người khác, bạn mới thấy nhẹ lòng, cảm nhận những điều tốt đẹp của cuộc sống bằng trái tim tràn đầy yêu thương.
Rõ ràng, chúng ta nghe nhắc rất nhiều về lòng khoan dung của con người nhưng liệu rằng chúng ta đã hiểu khoan dung là gì chưa?
1. Khoan dung là gì?
Để trở thành một người khoan dung, đức độ thì trước tiên chúng ta cần biết khoan dung là gì. Khoan dung là bao dung, rộng lượng tha thứ cho những người mắc phải lỗi lầm. Đây là một trong những đức tính tốt mà mỗi người đều cần nên có.
Khoan dung được biểu hiện cụ thể qua việc biết lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm và bỏ qua lỗi sai của người khác. Đồng thời, người có tấm lòng khoan dung, vị tha là người đức độ. Từ đó, chúng ta học được cách chấp nhận nhược điểm, khiếm khuyết của những người xung quanh và giúp họ sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân hơn.
Tiểu thuyết gia Pierre Benoit từng nói: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cả cho ta và người khác”. Quả thật đúng như vậy, lòng khoan dung sẽ mang đến những giá trị tốt đẹp cho con người, giúp chúng ta sống an yên và hạnh phúc hơn. Đặc biệt, những người nhận được sự tha thứ cũng sẽ vơi bớt đi cảm giác tội lỗi, có động lực đứng lên sau vấp ngã.
2. Khoan dung có ý nghĩa như thế nào?
Từ ngàn xưa đến nay, ông cha ta luôn đề cao lòng khoan dung và xem đó là một đức tốt của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy. Khoan dung là chìa khóa đưa con người đi đến thành công, đem đến lợi ích tốt đẹp cho chính mình và người khác. Tha thứ lỗi lầm cho một ai đó là để cảm hóa giúp họ có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Sự khoan dung là chúng ta sẵn sàng tha thứ trước những sai lầm khi họ gây ra tổn thương, mất mát,… Nhờ sự vị tha, độ lượng đó mà mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Vì khi đó chúng ta đã xóa tan đi ranh giới của sự thù hận, ganh ghét, đố kỵ. Chỉ có mở rộng lòng mình, bao dung cho những sai lầm, chấp nhận lời xin lỗi, chúng ta mới biết yêu thương bản thân, trân trọng những điều quý giá xung quanh mình.
Khi hình thành cho bản thân lối sống khoan dung và độ lượng, chúng ta thấy nhẹ lòng hơn, rời xa những điều tiêu cực như nhỏ nhen, ích kỷ, hẹp hòi. Bởi lẽ trong thế giới hiện đại, ai mà chẳng có lúc phạm sai. Sự khoan dung của chúng ta đã mở ra một cánh cửa để những người sai lầm có cơ hội khắc phục những tổn thương, mất mát mà họ gây ra.
Hận thù, đố kỵ chỉ che mờ đi lý trí và những cảm xúc chân thật nhất của con người. Chỉ khi có một trái tim biết yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu và khoan dung, tâm hồn mới trở nên thanh thản. Con người khắng khít, gắn bó với nhau giúp cuộc sống càng ngày càng ngập tràn tiếng cười trên những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc.
Tuy nhiên, khoan dung không đồng nghĩa với việc dễ dàng bỏ qua cho người không biết hối cải, vẫn “chứng nào tật nấy”, mang đến tổn hại và đau thương cho mọi người. Những kẻ ấy không xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp từ lòng khoan dung, vị tha đem lại.
3. Khoan dung – chiếc nôi “nuôi dưỡng” tâm hồn con người
Không phải ai sinh ra cũng có lòng khoan dung mà nó cần thời gian bồi dưỡng và rèn luyện qua từng ngày. Do đó, hãy học cách rèn luyện đức tính tốt ấy đừng để nó mai một, lu mờ theo năm tháng. Khi chúng ta “nuôi dưỡng” thường xuyên, sự khoan dung sẽ ăn sâu, bén rễ vào trong trái tim mình, giúp nó phát huy tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.
Để có một tấm lòng vị tha, khoan dung chúng ta cần cởi mở, chan hòa và luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Bên cạnh đó, hãy dùng trái tim chân thành, rộng lượng, đầy yêu thương để đối đãi với người thân, bạn bè, đồng nghiệp,…
Hãy học cách lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng sở thích của người khác khi họ muốn chia sẻ. Đừng nên săm soi, xét nét, nhìn chầm chầm vào những khuyết điểm của họ, đánh giá họ một cách phiến diện. Còn với những người lầm lỗi và muốn sửa sai, chúng ta nên chấp nhận họ, động viên, dùng sự tử tế để cảm hóa họ.
Đồng thời cũng phải biết kiềm chế cảm xúc bản thân, xua tan những năng lượng tiêu cực ra khỏi cơ thể. Chúng ta rèn luyện cho mình một trái tim kiên cường, khoan dung để vượt qua mọi nghịch cảnh, mọi đau thương mà ai đó gây ra để cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn, bình tĩnh và nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn.
4. Những stt hay và ý nghĩa về lòng khoan dung của con người
Sống ở trên đời, con người cần nhất là sự khoan dung, độ lượng của người khác. Nó là nguồn động lực to lớn giúp chúng ta vượt qua mặc cảm của tội lỗi, cố gắng vun đắp cho bản thân tốt lên từng ngày. Do đó, hãy nuôi dưỡng một tấm lòng vị tha, bao dung qua những câu stt về sự bao dung dưới đây nhé!
- Hãy chủ động tìm kiếm cơ hội cho sự tử tế, cảm thông và kiên nhẫn.
- Chết là con đường cứu rỗi duy nhất, sự tha thứ của em là hạnh phúc của anh.
- Sự tha thứ là mùi hương mà vi-ô-lét để lại trên gót chân đã dẫm nát nó.
- Nếu Chúa không tha thứ cho những kẻ tội đồ thì thiên đường là một nơi trống vắng.
- Sẽ không có tình yêu khi không có sự bao dung, sẽ không có sự tha thứ khi không có tình yêu đích thực.
- Bao dung là một điều tuyệt vời nhất của tình yêu. Nó tạo nên một người mạnh mẽ để có thể nói lời xin lỗi và một người mạnh mẽ hơn cả để có thể tha thứ.
- Một trong những lạc thú bền vững nhất mà bạn có thể trải nghiệm là cảm xúc nảy sinh khi bạn thực tâm tha thứ cho kẻ thù – dù người đó có biết hay không.
- Sự khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn; nó đòi hỏi nỗ lực của bộ não cũng nhiều như khi bạn phải giữ thăng bằng khi đi xe đạp.
- Mỗi người đều có thể gây ra lỗi lầm. Nếu như bạn không biết cách tha thứ cho người khác, đừng hi vọng ai đó có thể tha thứ cho bạn.
- Người đầu tiên biết nói lời xin lỗi là người dũng cảm nhất. Người đầu tiên biết cách tha thứ là người mạnh mẽ nhất. Và người đầu tiên biết cách quên đi quá khứ đau buồn là người hạnh phúc nhất.
- Tình yêu không phải là cách mà bạn quên, mà là cách bạn tha thứ. Không phải là cách bạn lắng nghe mà là cách bạn thấu hiểu. Không phải cách bạn nhìn mà là cách bạn cảm nhận. Và nó không phải là cách bạn từ bỏ mà là cách bạn nắm giữ.
- Tôi càng sống lâu, đọc nhiều, kiên nhẫn hơn và lo lắng tìm hiểu nhiều hơn, tôi dường như càng biết ít đi… Hãy biết vừa phải. Có lòng khoan dung. Sống nhún nhường. Như thế là đủ.
- Tha thứ là hành động tôi làm cho chính bản thân mình chứ không phải người khác. Nó thực sự là một trải nghiệm ý nghĩa trong cuộc đời mà tôi học được và nó giúp tôi tiếp tục bước đi.
- Sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ.
- Tình yêu rất kỳ lạ, chuyện gì cũng để tâm đến, rồi sau cùng thì chuyện gì cũng có thể tha thứ được. Giống như Tagore từng nói: Đôi mắt vì em mà mưa xuống, trái tim lại vì em mà mở dù, đó chính là yêu.
- Lúc còn trẻ không biết, cứ nghĩ rằng chỉ một chút thương tổn thôi là bản thân cũng sẽ không chịu đựng nổi. Sau khi đã trải qua mưa gió nhấp nhô trong cuộc sống, mới biết qua những ngày tháng dài đằng đẳng của một kiếp người thì không có gì là không tha thứ, không có gì là không thể buông tay.
- Những con người đẹp nhất là những con người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, cuộc đời đã làm cho họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có.
- Mỗi người đều sẽ phạm sai lầm. Nếu bạn yêu một người bất kể người ấy đối xử thế nào với bạn, bất kể người ấy phạm sai lầm gì bạn đều bỏ qua, thậm chí còn vì đối phương mà tìm ra lý do để tha thứ. Nhưng nếu bạn không yêu một người, chỉ cần người ấy có một câu nói sai bạn liền lập tức lấy đó làm lý do trở mặt rồi chia tay. Cho nên, khi một người chia tay bạn với lý do bạn đã làm sai, thật ra không phải là vì bạn sai mà chính là người ấy không yêu bạn nhiều. Tình yêu và bao dung liên quan mật thiết với nhau. Càng yêu nhiều bao nhiêu càng dễ dàng tha thứ bấy nhiêu.
Từ cổ chí kim, khoan dung là một món “gia vị” không thể thiếu của cuộc sống. Vì con người không ai là hoàn hảo, tốt đẹp tuyệt đối, rồi cũng có lúc phạm sai lầm. Chỉ có khoan dung và vị tha, tâm hồn chúng ta mới trở nên tốt đẹp. Hãy sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn và biết lắng nghe, thông cảm cho người khác, bởi “sự khoan dung là món trang sức của đức hạnh”.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet