Khối D là một trong những khối ngành đông học sinh thi nhất Việt Nam nhờ những triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn mà nó mang lại. Nhưng khi đứng trước quá nhiều sự lựa chọn về ngành học, học sinh học khối D thường không biết nên đi theo hướng nào. Vậy dân khối D nên học ngành gì để thành công? Hãy cùng Hotcourses tìm câu trả lời cho câu hỏi trên nhé!
Khối D gồm những môn nào?
Khối D cơ bản gồm 3 môn chính là Toán – Ngữ Văn – Tiếng Anh. Tuy nhiên, tổ hợp môn thi khối D dựa trên tổng 17 môn, bao gồm: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Hóa Học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
Từ đó, khối D ngày nay có hẳn 99 tổ hợp môn thi, được kết hợp theo yếu tố chính sau:
1 môn về Toán học hoặc Ngữ văn
+
1 môn về Tự nhiên (Hóa – Lý – Sinh) hoặc Xã hội (Sử – Địa- Giáo dục công dân)
+
1 môn về Ngoại ngữ
(Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật)
Mỗi sự lựa chọn ở mỗi môn trên sẽ giúp bạn tạo ra một tổ hợp cho khối thi D. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phân chia tổ hợp như thế này sẽ giúp cho các bạn thí sinh có thêm được nhiều sự lựa chọn hơn.
Khối D gồm những ngành nào?
Nhóm ngành khối D rất phong phú nhưng nổi bật nhất vẫn là các ngành thiên thuộc Khối Khoa học Xã hội gồm:
Nhóm ngành Kinh tế
Khối Kinh tế bao gồm các chuyên ngành như Kế toán, Quản trị, Tài chính – Ngân hàng, Nghiên cứu Thị trường, Tư vấn Chiến lược, v.v Đây là khối ngành khá lý tưởng cho dân khối D vì các công việc sau này đều yêu cầu tư duy Toán học, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và lấy ngoại ngữ là điểm cộng. Nếu có nền tảng Kinh tế tốt, bạn gần như có thể làm việc cho mọi công ty tại những vị trí khác nhau bởi Kinh tế được cho là ngành học áp dụng nhiều kỹ năng cứng như nghiên cứu, phân tích và kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm.
≫ Du học ngành Kinh tế
Nhóm ngành Ngôn ngữ – Khoa học Xã hội khác
Ngoại ngữ là công cụ giao tiếp nhưng cũng là “cần câu cơm nếu bạn cực kỳ xuất chúng. Học ngôn ngữ có thể giúp bạn đi làm cho các công ty nước ngoài hoặc làm Giáo viên, Chuyên viên Ngôn ngữ, v.v. Bên cạnh ngoại ngữ, học sinh ban D cũng lựa chọn các ngành như Báo chí, Truyền thông, Luật, Marketing, v.v vì các bạn có thể áp dụng khả năng viết lách và truyền tải thông tin (sau 12 năm học Ngữ văn) vào công việc trong tương lai.
≫ Du học ngành Marketing
Nhóm ngành Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin ngày càng phổ biến và là ngành hot nhất hiện nay. Các trường đại học đào tạo ngành công nghệ thông tin giờ đây không chỉ tuyển khối A mà mở rộng tuyển thêm nhiều khối thi khác, trong đó có khối D. Các bạn học khối D lựa chọn thi ngành này có thể định hướng theo các chuyên ngành như: Quản lý hệ thống thông tin, Phân tích dữ liệu, Quản lý dự án,… Đây là thay đổi quan trọng phá vỡ định kiến rằng học khối D chỉ có thể chọn các nhóm ngành liên quan đến kinh tế hay khoa học xã hội.
Chọn ngành khối D hợp với tính cách của bạn
Nếu bạn thích nghiên cứu
Nếu bạn thích được tự mình tìm tòi, khám phá và chìm đắm trong các nghiên cứu thì những ngành thuộc khối Kinh tế như Nghiên cứu Thị trường, Tư vấn Chiến lược, v.v. sẽ phù hợp với bạn. Các Nhà Phân tích, Nghiên cứu Thị trường chịu trách nhiệm biên soạn và phân tích một lượng lớn dữ liệu thông qua nghiên cứu để hiểu các sản phẩm và dịch vụ khác nhau đang hoạt động như thế nào trên thị trường. Công việc này đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu về các yếu tố như giá cả, cạnh tranh, nhu cầu và các thị trường mới nổi. Tương tự như vậy, các Chuyên gia Tư vấn có nhiệm vụ nghiên cứu hoạch định chiến lược, tìm và thu thập dữ liệu, diễn giải và phân tích thông tin, viết báo cáo và trình bày nghiên cứu cho khách hàng hoặc cấp trên. Những công việc cao cấp này yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm phân tích nghiên cứu hoặc thu thập dữ liệu – những kỹ năng bạn sẽ học khi theo đuổi khối ngành Kinh tế.
Nếu bạn thích sáng tạo
Nếu bạn là người đam mê sáng tạo, lúc nào cũng có những ý tưởng thú vị trong đầu thì những ngành học như Báo chí hay Truyền thông sẽ phù hợp với bạn. Báo chí là một lựa chọn yêu thích của những người sáng tạo, thích đi đây đi đó khám phá xung quanh. Bạn sẽ học về cách lấy tin tức, biên soạn tin hoặc trực tiếp truyền tải tin tới người đọc trên các nền tảng kỹ thuật số và truyền hình. Học Báo chí giúp bạn nắm rõ cách viết sáng tạo sao cho thu hút được nhiều người xem và nghe nhất có thể, cũng như cung cấp các thông tin đầy đủ “ai, cái gì, khi nào, ở đâu và tại sao” cho mọi câu chuyện trong cuộc sống. Đối với ngành Truyền thông, kỹ năng giao tiếp và viết sáng tạo cũng rất cần thiết. Sáng tạo thông điệp truyền thông chính là để thu hút khách hàng và tạo ra một hình ảnh mang tính xuyên suốt nhưng không kém phần mới mẻ cho nhãn hàng.
Nếu bạn thích giao tiếp
Nếu bạn thích xây dựng các mối quan hệ, gặp gỡ nhiều người thì hãy cân nhắc các ngành như Quan hệ Công chúng hay Giáo viên Ngôn ngữ. Quan hệ Công chúng tập trung vào việc tạo ảnh hưởng và xây dựng mối quan hệ với mọi người trên nhiều nền tảng khác nhau. Khi đó kỹ năng giao tiếp của bạn sẽ được tận dụng triệt để trong các cuộc tiếp xúc với giới truyền thông, câu chuyện quảng cáo chào hàng, các cuộc phỏng vấn và xử lý các tình huống khủng hoảng. Còn đối với “nghề gõ đầu trẻ”, bạn cần có kỹ năng truyền tải kiến thức và giao tiếp tốt với phụ huynh và học sinh. Có thể thúc đẩy và phát triển mối quan hệ với học sinh thông qua giảng dạy và trao đổi thường xuyên đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của cả học sinh và chính bạn.
Nếu bạn là con trai và đang cân nhắc chọn ngành khối D
Trước đây khối D thường phổ biến hơn với các bạn nữ bởi tính chất công việc sau khi ra trường. Tuy nhiên ngày nay các ngành học ngày càng đa dạng và không phân biệt giới tính khi theo đuổi. Chính vì vậy, con trai khối D có thể học bất cứ ngành nghề nào phù hợp với sở thích và năng lực của mình, huống hồ giờ đây khối D đã có cả ngành công nghệ thông tin. Một số ngành học đang nhận được sự cân nhắc của nhiều bạn nam học khối D nhờ tiềm năng việc làm ổn định và rộng mở như: Công nghệ thông tin, Marketing, du lịch, biên phiên dịch, sư phạm, luật, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng.
*Bài viết được chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 29/7/2022.