–
Thứ sáu, 26/11/2021 10:50 (GMT+7)
Tại hội thảo với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng cần chấm dứt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vì nó mang nặng tính phục tùng và không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.
Ý kiến này đã gây ra nhiều tranh cãi, đa số ý kiến cho rằng quan điểm này là không hợp lý, thiếu thuyết phục.
Theo quan điểm người viết thì GS Thêm có phần nào áp đặt khi cho rằng “sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, “tiên học lễ hậu học văn”, đề cao sự phục tùng”.
Lễ nghĩa ở đây cần phải hiểu đó chính là đạo đức. Đối với con người thì đạo đức là gốc, là nền tảng, là trước hết quan trọng nhất nên phải có đạo đức mới có thể tiếp thu tri thức, văn hóa, giáo dục để giúp hình thành nhân cách, trở thành con người có ích cho xã hội, đất nước.
Khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” không chỉ là quan điểm lễ nghĩa nho giáo truyền thống, nguyên gốc mà đã được bổ sung các giá trị tiến bộ của thời đại, phù hợp với từng bậc học, cấp học…
Tuy vậy, theo quan điểm của GS Thêm thì khẩu hiệu trên đang bị bê nguyên lễ nghĩa nho giáo và lễ nghĩa nho giáo thì không có giá trị tốt gì cần phát huy trong thời đại ngày nay?
Thực tế hiện nhiều trường học vẫn sử dụng các khẩu hiệu khác như “Thi đua dạy tốt – học tốt”, “Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”… nhưng cũng không thay đổi bản chất vấn đề là đề cao đạo đức, lễ nghĩa, phép tắc. Điều này phù hợp, không trái với ý nghĩa, mục đích sâu xa của khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”.
Vì vậy, không cần thiết phải bỏ, chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” mà nên phát triển, bổ sung, sáng tạo tùy thuộc vào ngành học, cấp học cho phù hợp là được. Bởi không phải vô cớ mà cha ông ta trải qua hàng chục thế kỷ vẫn duy trì, sử dụng khẩu hiệu này và nó vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày hôm nay.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đạo đức, văn hóa, lễ nghi, ứng xử trong trường học một số nơi đang bị xem nhẹ, buông lỏng thì vấn đề lễ nghĩa, đề cao đạo đức càng nên được chú trọng, giữ gìn. Bởi nếu không giữ gìn nền tảng đạo đức có trong khẩu hiệu, “triết lý giáo dục” này thì hậu quả tiêu cực đối với xã hội, nền giáo dục nước nhà sẽ rất lớn.