“Sau hơn 20 năm phát triển, Phú Mỹ Hưng đã được cộng đồng trong và ngoài nước biết đến như một hình mẫu về sự thành công về phát triển đô thị, cả trên bình diện quy hoạch, kiến trúc đô thị cũng như trong quản lý, kinh doanh bất động sản”, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã nhận định như trên về khu đô thị Phú Mỹ Hưng (KĐT PMH).
Ảnh: Huỳnh Phạm Anh Dũng
Quả thật sự thành công của KĐT kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam đã kéo theo sự phát triển của cả vùng đất phía Nam TP.HCM, là đầu tàu thúc đẩy khu vực này “thay da đổi thịt” nhanh chóng, góp phần quan trọng chuyển biến bộ mặt của TP nói riêng và cả nước nói chung ngày càng hiện đại và văn minh.
“Nàng công chúa ngủ trong rừng”
Ông Phan Chánh Dưỡng – nguyên Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) – đối tác Việt Nam trong liên doanh Cty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã từng ví von như thế về vùng đất giao thoa giữa huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè cũ, nay là Q.7. Theo ông, vùng đất này trước những năm 1990 như “nàng công chúa chờ hoàng tử đến đánh thức”. Và Tập đoàn CT&D (Đài Loan) đến Việt Nam kết hợp cùng Cty IPC chính là chàng bạch mã hoàng tử ấy. Vùng đất này trong 22 năm qua đã được đánh thức dậy, căng tràn sức sống, bật lên mạnh mẽ và ngày càng xinh đẹp.
Ảnh: Huỳnh Phạm Anh Dũng
Nhớ lại những ngày đầu đi vào vùng đất ngập mặn, sình lầy, hoang hóa và đầy lau lách, dừa nước để khảo sát vị trí xây dựng khu chế xuất Tân Thuận – tiền đề của KĐT PMH và đại lộ Nguyễn Văn Linh, ông Phan Chánh Dưỡng cho biết: “Lúc ấy chúng tôi cân nhắc rất kỹ đến xu thế phát triển của TP.HCM theo hướng nào và vai trò của các dự án trong mối quan hệ với các vùng lân cận xung quanh, nhằm thúc đẩy cả vùng cùng phát triển”. Ông kể về những khó khăn trong quá trình kêu gọi các nhà đầu tư: “Khi chúng tôi đề xuất chọn Tân Thuận Đông đặt khu chế xuất, nhiều nhà đầu tư cử chuyên gia đến và họ lắc đầu. Có người còn nói, đất Nhà Bè này thảy con trâu xuống cũng chìm, nếu thảy nhà máy xuống không biết lút tới đâu. Bởi vậy, họ không tham gia đầu tư”.
Vậy trước năm 1993, tức trước khi KĐT PMH được cấp phép thành lập, hiện trạng khu Nam Sài Gòn như thế nào? Ông Võ Trần Chí – cố Bí thư Thành ủy TP.HCM đã từng nói đó là vùng đất sình lầy, phèn mặn, chỉ có những người mò cua bắt ốc mới có thể đi tới. Bà Võ Thị Hiệp – nguyên Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nguyên Trưởng ban quản lý Khu Nam khẳng định lúc bấy giờ vùng đất này có giá trị rất thấp về mặt kinh tế.
Nhà Bè là cửa ngõ phía nam với hệ thống giao thông đường thủy nối liền từ trung tâm TP ra huyện Cần Giờ và các tỉnh phía Tây. Tuy nhiên theo số liệu thống kê, kinh tế địa phương kém phát triển, lao động làm việc trong ngành công nghiệp (năm 1990) chỉ chiếm 0,7%; thương mại – dịch vụ chủ yếu là buôn bán nhỏ dưới dạng hộ tiểu thương. Khu vực này có trình độ lao động chuyên môn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của TP.HCM lúc bấy giờ.
Ảnh: Phạm Hữu Khánh
TS. KTS Lê Văn Năm – nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, đã từ lâu lắm rồi TP mong muốn phát triển ra hướng biển song ngại ngần vì điều kiện tự nhiên thấp trũng và nền đất yếu. “Phú Mỹ Hưng đã biến ước mơ thành hiện thực”, ông Lê Văn Năm nói.
Đầu tàu thúc đẩy Nam TP phát triển
Được cấp phép thành lập vào ngày 19/5/1993, qua quá trình 22 năm kiên trì nỗ lực với tầm nhìn xa trông rộng, suy nghĩ táo bạo và quyết tâm cao độ, đến nay Cty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng – chủ đầu tư phát triển KĐT PMH đã thật sự “thay màu cho đất”, biến đổi vùng đất sình lầy, cằn cỗi trở thành một KĐT văn minh hiện đại bậc nhất của cả nước với quy hoạch đô thị bài bản, kiến trúc hiện đại mang tầm cỡ quốc tế và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh là một trong những công trình trọng điểm cấp quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM. Đại lộ là một trong những trục giao thông đô thị huyết mạch dài và lớn nhất TP được xây dựng trên một hướng tuyến hoàn toàn mới, với tổng chiều dài 17,8km, rộng 120m, 10 làn xe băng qua hàng chục sông rạch, đầm lầy với kỷ lục hơn 40 cây cầu xây mới cộng lại dài 3.146m. Tổng vốn đầu tư cho công trình này lên đến 100 triệu USD, được xây dựng trong suốt 11 năm (từ năm 1996 – 2007).
Ảnh: Phạm Hữu Khánh
Đây là “con đường hưng thịnh của vùng kinh tế trọng điểm Nam Sài Gòn”, là xương sống cấu tạo toàn KĐT phía Nam và kết nối với những công trình trọng điểm như Khu chế xuất Tân Thuận, KĐT PMH, Nhà máy Điện Hiệp Phước, KĐT Cảng và KCN Hiệp Phước và các khu phát triển xung quanh. Ngoài việc góp phần tạo luồng vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn ra vào Cảng Sài Gòn, Cảng Bến Nghé, Khu chế xuất Tân Thuận, tuyến đường còn giúp TP thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển, hình thành những trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, dầu khí, dịch vụ, cảng; làm giảm ách tắc giao thông trong TP; kết nối với các tuyến giao thông nội thành và liên tỉnh hình thành hệ thống liên hoàn, thông suốt từ Nam TP đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Ngoài ra, Đại lộ Nguyễn Văn Linh còn tạo nên hiệu ứng cộng hưởng tăng trưởng kinh tế giữa TP.HCM với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.
Với mục tiêu ban đầu là mở rộng và phát triển song hành với TP.HCM hiện hữu, là một bộ phận cấu thành của TP mở rộng hướng ra biển Đông, KĐT PMH được đánh giá là một dự án điển hình bắt nguồn từ chính sách thông thoáng, hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và được khai sinh từ những ý tưởng táo bạo. Từ một vùng đất nông nghiệp ngập mặn, dân cư thưa thớt, trong vòng 22 năm qua nhà đầu tư đã xây dựng thành công một đô thị vệ tinh, tạo cho vùng này một diện mạo mới tương xứng với tầm vóc của TP.
KĐT PMH với quy hoạch tổng thể bài bản ngay từ đầu và đến nay toàn bộ các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội như hệ thống đường giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông… đã được xây dựng hoàn chỉnh; 84 dự án về xây dựng nhà ở với gần 12.000 đơn vị nhà ở các loại, tổng cộng với diện tích gần 2,5 triệu m2; gần 20 cơ sở y tế, gần 30 cơ sở giáo dục đã hoàn thiện. Ngoài ra, KĐT PMH còn là “nam châm” thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn trên nhiều lĩnh vực nhộn nhịp đầu tư vào đây. Có 16 ngân hàng tầm cỡ, 46 dự án thương mại, dịch vụ (showroom Toyota, BMW, tòa nhà Lawrence S.Ting, Unilever, Nam Long, Trung tâm thương mại Crescent Mall, Paragon, Thiên Sơn Plaza,…) cùng hàng trăm DN thứ cấp đang có trụ sở tại đây. Vào tháng 6/2008, Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là “Khu đô thị kiểu mẫu” của Việt Nam.
Mặt khác, KĐT PMH cũng đã góp phần đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề trong lĩnh vực thiết kế, thi công xây dựng, dịch vụ công cộng…, chuyển giao công nghệ và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương và nhiều nơi khác trên các công trình xây dựng cũng như các dịch vụ phục vụ đô thị. Có thể nói hiệu quả tổng hợp kinh tế xã hội của dự án do Cty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng thực hiện là rất lớn, bền vững và lâu dài.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận xét: “Trong chặng đường 20 năm phát triển, KĐT PMH đã đạt được những thành quả rất đáng tự hào và được chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao. Điều đáng nói, việc đánh giá này không chỉ ở vai trò kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa đô thị. Trong quá trình hình thành và xây dựng, những bài học về phát triển đô thị, luật pháp… ở Phú Mỹ Hưng đang được nghiên cứu để áp dụng vào các KĐT khác”. Thành công của KĐT PMH không những tác động đến sự phát triển không gian đô thị TP.HCM về phía Nam, mà còn đánh thức vùng đất hoang sơ, nghèo nàn phía Nam TP trở thành một vùng phát triển thịnh vượng, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa TP.HCM theo hướng bền vững.