Đa số mọi người đều sống trong một vòng tròn giới hạn các tiềm năng thiên bẩm của mình – dù là ở khía cạnh thể chất, trí tuệ, hay đạo đức – trong khi tất cả chúng ta đều có một nguồn dự trữ to lớn những điều mà chúng ta không dám mơ đến.
Julian nói, “Trong câu chuyện ngụ ngôn này, khu vườn là biểu tượng của tâm trí. Nếu anh quan tâm đến tâm trí mình, nuôi dưỡng và chăm sóc nó như một khu vườn màu mỡ được chăm bón và tưới nước đầy đủ, thì hoa trong vườn sẽ nở rộ hơn cả mong đợi của anh. Còn nếu anh để cho cỏ dại bám rễ sinh sôi, thì sự bình yên lâu dài trong tâm trí và sự hài hòa nội tại sẽ luôn lảng tránh anh.
Tôi hỏi anh một câu đơn giản nhé John. Nếu tôi đi vào sân sau nhà anh, nơi có khu vườn mà anh từng hãnh diện khoe với tôi, rồi bỏ chất thải độc hại vào tất cả những cây dã yên thảo quý giá của anh, thì anh có giận run lên không?”.
“Chắc chắn rồi.”
“Thực tế là hầu hết những người làm vườn giỏi đều canh gác khu vườn của họ như những chiến binh đầy tự hào, và họ luôn đảm bảo không cho bất kỳ tác nhân ô uế nào xâm nhập. Thế nhưng, hãy nhìn những thứ rác rưởi độc hại mà hầu hết mọi người vẫn đưa vào khu vườn màu mỡ trong tâm trí của họ mỗi ngày: những nỗi lo lắng bất an, sự day dứt về quá khứ, biết bao suy nghĩ ủ ê về tương lai, tất cả những nỗi sợ hãi tự tạo ấy đã tàn phá thế giới nội tâm của chúng ta.
Trong ngôn ngữ bản địa của các nhà hiền triết Sivana, một loại ngôn ngữ đã tồn tại suốt hàng ngàn năm qua, cách viết từ ‘lo lắng’ cực kỳ giống với cách viết của từ ‘lễ hỏa táng’. Yogi Raman nói với tôi rằng đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Sự lo lắng hút cạn mọi sức lực của trí óc và sớm muộn gì cũng sẽ gây tổn thương cho tâm hồn chúng ta.
Để sống một cuộc đời trọn vẹn nhất, anh phải đứng canh gác ở cổng khu vườn của mình và chỉ cho phép những thông tin hữu ích nhất được đi vào mà thôi. Anh thật sự không thể trả nổi cái giá đắt đỏ của một ý nghĩ tiêu cực đâu, dù chỉ một ý nghĩ tiêu cực thôi cũng không được. Những con người vui vẻ, năng động và có cuộc sống viên mãn nhất về cơ bản cũng không có gì khác biệt với tôi và anh. Tất cả chúng ta đều là những con người bằng xương bằng thịt. Tất cả chúng ta đều có cùng nguồn gốc trong vũ trụ này.
Tuy nhiên, những người sống không chỉ để tồn tại, những người thổi bùng ngọn lửa tiềm năng của chính mình và biết cách thưởng thức vũ điệu diệu kỳ của cuộc sống mới tạo nên những điều khác biệt hơn so với những người có cuộc sống bình thường. Trong tất cả những việc họ làm, điều quan trọng nhất chính là có một góc nhìn tích cực về thế giới này và tất cả những gì tồn tại trong đó”.
Khi anh dốc hết tâm sức cho việc biến đổi thế giới nội tâm thì cuộc sống của anh cũng sẽ nhanh chóng chuyển từ bình thường sang phi thường.
Julian nói thêm, “Các nhà hiền triết đã dạy tôi rằng, trung bình một ngày, một người bình thường có khoảng 60.000 ý nghĩ lướt qua trong tâm trí họ. Điều thật sự khiến tôi ngạc nhiên chính là 95% những ý nghĩ đó giống với những điều mà người ta đã nghĩ vào hôm trước!”.
“Anh nói nghiêm túc đấy chứ?”, tôi hỏi.
“Rất nghiêm túc. Đây chính là sức ảnh hưởng ghê gớm của lối suy nghĩ nghèo nàn. Những người suy nghĩ về những điều giống nhau mỗi ngày, mà hầu hết chúng đều là suy nghĩ tiêu cực, thì đều rơi vào thói quen tư duy xấu. Thay vì tập trung vào tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống và nghĩ cách làm cho mọi thứ hoàn hảo hơn nữa, họ lại bị giam trong quá khứ. Một số người lo lắng về các mối quan hệ thất bại hoặc các vấn đề tài chính. Một số người khác lại gặm nhấm nỗi buồn về một tuổi thơ không như ý. Vẫn còn một số khác suy nghĩ ủ ê về các vấn đề vặt vãnh hơn: cách mà một nhân viên cửa hàng đã đối xử với họ, hay lời nhận xét ác ý từ một đồng nghiệp.
Những người để tâm trí hoạt động theo chiều hướng này đang cho phép sự lo lắng cướp mất quyền làm chủ cuộc sống của mình. Họ đang khóa chặt tiềm năng khổng lồ của tâm trí, khiến nó không thể tạo ra điều kỳ diệu và mang đến cho cuộc sống của họ những gì mà họ mong muốn về mặt thể chất, tình cảm và dĩ nhiên cả mặt tâm linh nữa. Những người này không bao giờ nhận ra việc quản lý tâm trí chính là yếu tố cốt lõi để có thể quản lý cuộc sống.”
Julian tiếp tục nói với niềm tin vững chắc, “Cách suy nghĩ của anh hình thành từ thói quen, đơn thuần là như thế. Hầu hết mọi người không nhận ra nguồn sức mạnh to lớn của tâm trí. Tôi đã học được rằng ngay cả những người điều khiển tư duy giỏi nhất cũng chỉ sử dụng được 1% năng lực tư duy của mình mà thôi.
Tại Sivana, các nhà hiền triết dám thường xuyên khám phá tiềm năng chưa được khai thác hết của tâm trí. Và kết quả thật đáng kinh ngạc. Yogi Raman, thông qua việc nghiêm túc luyện tập thường xuyên, đã điều khiển được tâm trí mình đến mức ông có thể làm chậm nhịp tim theo ý muốn. Ông thậm chí còn tự luyện khả năng không cần ngủ trong vài tuần. Mặc dù tôi sẽ không bao giờ đưa ra gợi ý nên đặt những điều đó làm mục tiêu phấn đấu, nhưng tôi chân thành khuyên anh hãy bắt đầu nhìn thấu tâm trí mình theo đúng bản chất của nó – món quà tuyệt diệu nhất của tạo hóa”.
“Liệu có phương pháp nào mà tôi có thể thực hiện để giải phóng sức mạnh của tâm trí không? Việc có thể làm chậm nhịp tim chắc chắn sẽ khiến tôi trở thành tâm điểm của sự chú ý trong một buổi tiệc rượu”, tôi nói với giọng đùa cợt.
“Đừng bận tâm về việc đó vào lúc này, John. Rồi tôi sẽ chỉ cho anh một số phương pháp thực tế mà sau này anh có thể thử, và anh sẽ thấy sức mạnh của những phương pháp cổ xưa này. Điều quan trọng bây giờ là anh cần hiểu rằng, chúng ta làm chủ được tâm trí mình thông qua sự rèn luyện công phu, không hơn không kém.
Hầu hết chúng ta đều có cùng những nguyên liệu thô giống nhau ngay từ khoảnh khắc chúng ta hít hơi thở đầu tiên; điều tạo nên sự khác biệt ở những người có nhiều thành tựu hơn những người khác, hoặc những người hạnh phúc hơn người khác chính là cách họ sử dụng và rèn giũa nguyên liệu thô của mình. Khi anh dốc hết tâm sức cho việc biến đổi thế giới nội tâm thì cuộc sống của anh cũng sẽ nhanh chóng chuyển từ bình thường sang phi thường”.
TríchVị tu sĩ bán chiếc Ferrari – Hành trình tìm về sức mạnh vô biên
Trích