Khúc ca về cuộc đời Mẹ Việt Nam Anh hùng

Khúc ca về cuộc đời Mẹ Việt Nam Anh hùng

Những ngày tháng 7 này, theo tiếng gọi của lòng yêu mến, tri ân sâu sắc, chúng tôi ghé thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Mùi (98 tuổi, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa). Nhìn bà mẹ vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, minh mẫn ấy, mấy ai biết được rằng, cuộc đời mẹ Mùi đã trải qua biết bao nhọc nhằn, gian khó. Cuộc đời mẹ Mùi mang nhiều nét đặc biệt mà bất kỳ ai cũng cảm phục, trân trọng.

Khúc ca về cuộc đời Mẹ Việt Nam Anh hùngMẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Mùi (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) cùng con dâu ôn lại kỷ niệm về người con gái, em chồng đã hy sinh. Ảnh: Hương Thảo

Người mẹ kiên cường, bản lĩnh

Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Mùi là con gái đất Hưng Yên. Cuộc đời mẹ Mùi mang nhiều nỗi nhọc nhằn, tủi hờn ít ai thấu tỏ. Mồ côi mẹ từ nhỏ, bố đi lấy vợ hai, mẹ Mùi lớn lên như ngọn cỏ ven đường, đi ở hết nhà này sang nhà khác kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. Mẹ Mùi lấy chồng khi mới tròn 9 tuổi – cái lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Đứa trẻ cứ thế dò dẫm bước đi trên con đường trưởng thành. Rồi bố mẹ chồng cũng mất sớm: Bố chồng bị bệnh, mẹ chồng bị giặc Pháp bắn chết. Chồng tham gia hoạt động cách mạng nên thường xuyên vắng nhà, hành tung bí ẩn. Một mình mẹ Mùi quán xuyến mọi việc trong nhà và nuôi em chồng lên 5 tuổi. Mẹ Mùi tâm sự: “Kể sao cho hết khó khăn, vất vả khi ấy. Mẹ lo chạy chợ với đôi quang gánh trên vai, một bên là hàng hóa, một bên là em chồng ngồi lọt thỏm trong quang gánh”. Cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ như thế cũng không làm mẹ Mùi khuất phục.

Mẹ đã can đảm lựa chọn đi theo con đường cách mạng. Mẹ là thành viên hăng hái, nhiệt tình trong đội du kích nữ của địa phương, đã từng có lần bị giặc Pháp bắt.

Sau một thời gian hoạt động, đội du kích nữ Hoàng Ngân có dấu hiệu bị lộ, để tránh sự truy lùng của địch, cơ sở chủ trương đưa mẹ vào Thanh Hóa. Ngày vào Thanh Hóa, mẹ Mùi mang theo em chồng, hai chị em quyết tâm nương tựa vào nhau mà sống. Đối với mẹ Mùi, tỉnh Thanh Hóa là mảnh đất lành, nơi dung dưỡng, chở che cuộc đời qua nhiều phen sóng gió, từng bước gây dựng tổ ấm nhỏ. Mẹ Mùi kể: “Vào Thanh Hóa được một thời gian, rất tình cờ, hai vợ chồng tôi gặp lại nhau sau bao ngày mất liên lạc. Nếu không đến Thanh Hóa, chúng tôi chẳng biết đã lưu lạc phương trời nào, có cách nào tìm lại nhau”. Chồng mẹ vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày hòa bình, ông về làm ở Ty Lương thực Thanh Hóa. Mẹ Mùi tần tảo mưu sinh, vun vén gia đình, nuôi em chồng, nuôi con. Chẳng phải nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng chính mảnh đất xứ Thanh lại là nơi gắn bó, ghi dấu mọi vui buồn cuộc đời mẹ Mùi và gia đình cho đến ngày hôm nay.

Những nỗi đau khó nói hết thành lời…

Nuôi em chồng từ lúc mới lên 5 đến khi trưởng thành, mẹ Mùi đâu ngờ rằng có ngày sinh ly, tử biệt đau đớn. 18 tuổi đời, chàng trai Nguyễn Đức Quý, em chồng của mẹ Mùi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khoác ba lô lên đường nhập ngũ, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do dân tộc. Mẹ Mùi xúc động chia sẻ: “Ngày chú Quý đi bộ đội, chính chồng tôi là người đưa đến chỗ tập kết quân. Tính em hiền lành, ít nói nhưng sống nội tâm, tình cảm lắm”. Chiến trường khốc liệt, liên lạc khó khăn, gia đình chỉ nhận được tin em nhắn qua người đồng đội gần nhà về phép rằng: Em đang ở mặt trận, em khỏe, anh chị đừng quá lo lắng cho em. Anh chị ở nhà giữ gìn sức khỏe.

Ấy vậy mà, chú ấy đi mãi chẳng thấy về. Ngày nhận giấy báo tử của em chồng, mẹ Mùi như chết lặng, gào khóc trong đau đớn, thương xót… Giờ đây, khi ngồi bần thần vuốt ve tờ giấy báo tử của liệt sĩ, tiểu đội phó Nguyễn Đức Quý đã nhuốm màu thời gian, mẹ Mùi như đang tâm sự với người đã khuất: “Tôi thương chú Quý lắm. Bố mẹ mất sớm, cảnh đói nghèo chẳng có gì ngoài ngô, khoai. Thương em đấy mà chẳng biết lấy gì lo lắng cho em tươm tất, đủ đầy”. Mỗi lần nghĩ về chú Quý, mẹ Mùi lại rưng rưng nước mắt: “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là tìm thấy hài cốt của em để đưa em về an táng, mà vẫn chưa thành”…

Câu chuyện về chú Quý vừa dứt, mẹ Mùi tiếp tục đưa cho những vị khách lạ xem tờ giấy báo tử ghi tên Nguyễn Thị Thắng. Đó là tên người con gái của mẹ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên công trường đắp đê sông Mã, ngày 14-6-1972. Khi đó, chị Thắng mới 17, 18 tuổi, đang là học sinh Trường Sư phạm 7+3. Nỗi đau đớn, mất mát, hy sinh trong cuộc đời mẹ Mùi biết lời nào nói cho vơi, cho cạn. Nước mắt thấm đẫm cuộc đời người mẹ kiên cường, dũng cảm. Mẹ Mùi hồi tưởng lại ký ức, kỷ niệm về đứa con gái ngoan hiền mà bạc mệnh: “Trước ngày hy sinh, Thắng về nhà lấy gạo để chuẩn bị mang lên trường học. Tôi còn may cho nó một cái áo, nón mới. Chẳng biết có phải là điềm báo gì không nhưng nó lạ lắm. Đang phơi lúa ngoài sân, tôi thấy nó lặng lẽ thắp một nén hương rồi đến ngồi bên bậu cửa sổ. Tôi có hỏi: Sao con lại thắp hương? Con mới nói một câu với tôi là: Ngày mai con lên công trường đắp đê. Chiến tranh khốc liệt sống giờ chết giờ, biết có còn cơ hội nào mà thắp nén hương thơm”.

Câu nói tưởng vu vơ ấy lại trở thành hiện thực tàn khốc, phũ phàng. Khoảng 9 giờ 10 phút, máy bay Mỹ bất ngờ trút bom xuống công trường đắp đê sông Mã khiến cho 64 giáo viên, học sinh Trường Y, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa hy sinh, 96 người bị thương. Phần lớn các chàng trai, cô gái ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có chị Thắng. Mẹ Mùi bộc bạch: “Hôm Thắng về nhà cũng đã là ngày mùng 3-5 âm lịch, chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết Đoan Ngọ. Tôi có bảo con ở nán lại một hôm, ăn Tết Đoan Ngọ với gia đình xong rồi đi. Nhưng nó nhất quyết không ở, nó bảo không được mất kỷ luật như thế. Giá mà nó nghe lời tôi ở lại, thì biết đâu…”. Và, chúng tôi hiểu rằng, hai từ “giá như” ấy ẩn chứa cả những xót xa, thương tiếc của người mẹ dành cho đứa con gái đã xa mãi mãi của mình.

Có lẽ trong suốt cuộc đời mình, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Mùi sẽ chẳng thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ thương, tiếc nuối về những người đã khuất. Nhưng hơn hết, chính nghị lực sống, bản lĩnh, tấm lòng của mẹ Mùi đã viết nên khúc ca đẹp về cuộc đời người Mẹ Việt Nam Anh hùng, là bài học răn dạy con cháu ngày hôm nay phải biết sống, cống hiến sao cho xứng đáng với công lao của các thế hệ cha anh. Là mẹ, là chị của hai liệt sĩ, mẹ Mùi vẫn mãi tâm niệm một điều giản dị: “Chiến tranh và những mất mát trong chiến tranh là nỗi đau của toàn nước, toàn dân, không phải của một mình gia đình tôi. Đã là người dân nước Việt thì bao giờ cũng phải biết nỗ lực cố gắng xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc”.

Thảo Linh

Rate this post

Viết một bình luận